Tôi đang nằm trên một đống tiền mà cô đơn đến vô cùng…
Đời sống - Ngày đăng : 08:18, 06/06/2013
Thật lòng là tôi vẫn yêu anh và chỉ yêu một mình anh. Tôi không có người đàn ông nào khác ngoài anh. Nhưng bao nhiêu năm nay, tôi xem anh như cái bàn, cái ghế, cái tivi… trong nhà. Những thứ ấy hiện hữu như một lẽ tất nhiên trong đời sống của tôi.
Khi tôi kiên quyết nghỉ việc bỏ ra ngoài buôn bán, anh không đồng ý nhưng không thể cản được. Tôi nhớ anh chỉ nói ngắn gọn: “Tiền bạc bao nhiêu cho đủ hả em?”. Nhưng đối với tôi, không có tiền, đúng hơn là nhận đồng lương còm cõi ở cơ quan chính là tự giết chết hạnh phúc, tình yêu, mơ ước của mình.
Tôi nhìn nhà cửa, xe cộ, con cái người ta được đủ đầy mà không thể không ước ao lẫn ghen tị. Ai cũng nói tôi có tài ngoại giao, vậy thì sao tôi không sử dụng cái tài đó mà vun đắp hạnh phúc gia đình?
Đúng là tôi có tài ngoại giao. Tôi đi đâu, làm gì cũng có người giúp đỡ. Tôi tận dụng triệt để điều đó nên chẳng mấy lúc mà tiền bạc rủng rỉnh. Tôi chỉ cần làm “mai mối” và hưởng huê hồng thì cũng đã có thu nhập gấp trăm lần tiền lương của anh. “Thấy chưa? Em đã bảo bỏ ra ngoài làm ăn mà không nghe. Bây giờ tiền lương của anh em không cần nữa, anh cứ giữ đó mà tiêu xài”. Tôi ân cần bảo anh như vậy và tôi nói thật lòng chứ không phải cạnh khóe. Thế nhưng tôi không hề biết rằng, kể từ đó, anh không còn vui vẻ như trước.
Tính tôi vốn tằn tiện, chắt bóp nên chẳng bao lâu, tôi sắm được nhà cửa, xe cộ. Tôi cũng muốn sắm cho anh nhưng anh nhất quyết không chịu. Chẳng biết có phải vì vậy mà sau này tôi rất ít đi chung với anh bởi tôi chỉ thích đi xe hơi cho đỡ nắng nôi, bụi bặm, còn anh thì chỉ thích cỡi xe máy chạy lông bông “như một anh xe ôm”.
Cũng từ đó, trong mắt tôi, anh chàng kỹ sư tiến sĩ trồng trọt, từng là thần tượng của tôi bỗng trở nên nhếch nhác, hôi hám, khó gần. Tôi chẳng biết suy nghĩ đó của mình xuất hiện từ khi nào. “Anh hôi rình” là câu tôi thường nói mỗi khi anh bước tới gần và vòng tay ôm tôi từ phía sau như hồi mới cưới. Và tôi cũng không thích ngủ chung với anh vì anh hay làm việc khuya và bật nhạc để nghe những bài hát “thuở hàn vi”.
Vậy là tôi dọn ra ngủ riêng. Mới đầu là ngủ cùng con gái út, nhưng sau đó là ngủ một mình. Tôi bắt đầu mơ tưởng tới những khuôn mặt sang trọng trong giới làm ăn của mình. Dù tôi chẳng có tình ý gì nhưng tôi vẫn tưởng tượng, nếu đi cùng họ, ở cùng họ, lên giường cùng họ… chắc sẽ thú vị hơn hẳn người đàn ông đang ở cạnh tôi.
Không biết từ bao giờ, tôi trở nên khó tính. Tôi không cho anh gần gũi với lý do tôi rất mệt mỏi, căng thẳng vì công việc. Ngăn sông cấm chợ anh không khó, chỉ cần chốt cửa phòng lại thì anh chẳng có cơ hội…
Và cũng không biết từ bao giờ, tôi hay gắt gỏng, nạt nộ hoặc nói trống không khi trò chuyện với anh. Tôi cũng không còn để ý quan sát xem anh buồn hay vui, khỏe hay yếu, đói hay no… Bởi mọi thứ đã có người giúp việc quán xuyến. Tôi chỉ có việc đem tiền về. Mà hình như anh cũng không xài tiền của tôi.
Cho đến một ngày, có cô em chồng của tôi lên chơi. Em vô tình làm bể cái bình sứ cổ mà tôi phải mất gần 1 tỉ đồng mới có được. Tôi mắng cho một trận rồi đuổi về, không để em kịp ăn cơm.
Anh đi làm về, nghe chuyện, trách tôi: “Em coi cái bình nặng hơn tình cảm gia đình. Con út đã lặn lội lên đây thăm anh chị mà sao em không nghĩ…”. Tôi đang tức nên gây luôn: “Tôi không cần ai thăm viếng hết. Đồ báo hại. Anh em một giuộc như nhau”. “Em nói cái gì?”- anh trố mắt. “Tôi nói anh em nhà anh một giuộc như nhau, toàn một lũ ăn hại”.
Tôi vừa dứt lời, anh đứng bật dậy, hai tay hất tung mâm ấm chén trên bàn. Mọi thứ rơi xuống đất, vỡ tan tành. Tôi tiếc của nhào tới đấm anh túi bụi. Vừa đấm tôi vừa la hét. Mới đầu anh trân mình chịu đựng, nhưng thấy tôi làm dữ, anh không chịu nổi nên túm tóc tôi lẳng ra xa. Tôi ngã chúi nhủi, vừa đau, vừa giận, nên gào lên: “Đ. M mày, đồ Năm Tây không biết dạy con”.
Anh nhìn sững tôi. Trời ơi, tôi đã phạm phải một lỗi lầm tày trời mà không có cách gì sửa chữa được. Nói động tới cha mẹ hai bên là điều cấm kỵ, hai đứa đã giao ước điều này cách nay 20 năm, khi mới quen nhau. Vậy mà bây giờ, trong cơn nóng giận, tôi đã réo tên ba anh ra mà chửi, lại còn kêu anh bằng “mày”.
Anh không nói gì, vô phòng đóng cửa lại. Mấy ngày sau, tôi không hề nghe anh nói một tiếng. Thằng con lớn của tôi đang đi học ở Singapore gọi điện về: “Sao mẹ lại chửi ông nội? Chuyện này con không bênh vực mẹ được đâu”.
Đến lúc này, tự dưng tôi thèm nghe anh hỏi han, chuyện trò; thèm được ngồi ăn cơm với anh như hồi xưa; thèm được anh vòng tay ôm từ phía sau như ngày nào… Thật lòng là tôi vẫn yêu anh và chỉ yêu một mình anh. Tôi không có người đàn ông nào khác ngoài anh. Nhưng bao nhiêu năm nay, tôi xem anh như cái bàn, cái ghế, cái tivi… trong nhà. Những thứ ấy hiện hữu như một lẽ tất nhiên trong đời sống của tôi.
Thế mà tự dưng giờ đây, những thứ ấy tự dưng biến mất. Tôi không dám về quê gặp ba mẹ chồng để xin tha thứ, cũng không có cơ hội để nói chuyện, xin lỗi anh. Bởi giờ đây, anh như người vừa đui, vừa điếc, vừa câm.
Tôi không biết phải làm sao cho anh mở miệng; làm sao để anh cười nói, gọi tôi một tiếng “em yêu” như ngày nào…
Trời ơi, tôi đang nằm trên một đống tiền mà cô đơn đến vô cùng…
Vũ Thư (Người Lao Động)