Bán nhà lấy tiền chạy thận
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:20, 08/06/2013
Suy thận là căn bệnh mạn tính, nếu không lọc máu chu kỳ (chạy thận) người bệnh sẽ chết.
Bệnh nhân chạy thận điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Bà Đỗ Thị Thứ (53 tuổi, ở thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang) mắc căn bệnh này đã 15 năm. Sau 2 năm uống thuốc tại nhà không có chuyển biến, năm 2000, bà phải lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chạy thận đều đặn 3 buổi/tuần. 4 năm đầu tiên bà Thứ không có bảo hiểm y tế, mỗi lần khăn gói lên Hà Nội trị bệnh tiêu tốn gần 10 triệu đồng. Khoản tiền tiết kiệm ít ỏi từ việc buôn bán nhỏ lẻ ở chợ không gánh nổi khoản viện phí quá lớn. Chỉ trong vài tháng trị bệnh, bà phải bán nhà để có kinh phí duy trì việc chạy thận. Khi không nhà cửa, phải thuê nhà trọ sống một mình, không khả năng làm việc kiếm tiền, bà Thứ được liệt vào danh sách hộ nghèo và được phát thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2007, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mở Khoa Khám bệnh kỹ thuật cao có bộ phận điều trị cho bệnh nhân suy thận, bà Thứ là một trong những bệnh nhân đầu tiên xin về chạy thận tại tỉnh. Gần 10 năm nay, bất kể mưa gió, ngày lễ, Tết, cứ đều đặn vào sáng thứ 2, 4, 6, bà Thứ lại đón xe buýt lên bệnh viện chạy thận. Sau 3 tiếng rưỡi lọc máu, bà lại đi xe buýt về nhà. “Chạy thận xong tôi thường hay bị đau đầu nhưng cũng phải cố gắng bắt xe về nhà. Đến đi lại cũng cảm thấy kiệt sức nên chỉ ở quanh quẩn trong nhà, không làm được việc gì kiếm tiền. Mỗi tháng tôi phải trả khoảng 500 nghìn đồng tiền viện phí, tháng nào phải làm các xét nghiệm thì số tiền phải đóng cũng hơn 600 nghìn đồng”, bà Thứ cho biết. Nỗi lo viện phí buộc bà phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu. Bà hầu như không mua sắm gì, đi chạy thận cũng nắm cơm muối vừng mang từ nhà đi. Bữa ăn tối nhiều khi cũng chỉ là gói mỳ tôm, cái bánh mỳ ăn cho qua bữa. “Số tiền tiết kiệm chỉ 1 vài tháng nữa là hết, không biết rồi làm gì ra để lấy tiền trị bệnh, thôi thì được đến đâu hay đến đấy…”, bà Thứ thở dài.
Trong phòng chạy thận có gần 20 người tầm tuổi như bệnh nhân Thứ, người già hơn chừng 70- 80 tuổi. Một vài trường hợp còn rất trẻ, mới ngoài 20 tuổi. Bệnh nhân Nguyễn Đình Bắc (ở xã Thanh Tùng, Thanh Miện) mới 27 tuổi nhưng đã có 8 năm duy trì sự sống nhờ những chiếc máy lọc máu này. Anh Bắc cũng mất 1 năm phải chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó mới chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gia đình anh Bắc thuộc diện hộ nghèo, mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày dựa cả vào mẹ anh năm nay đã ngoài 60 tuổi với bệnh xương khớp đeo đẳng. Anh Bắc buồn bã nói: “Tiền kiếm được từ vài sào ruộng cũng chỉ đủ ăn, còn việc chi trả viện phí thì phải vay họ hàng. Số tiền nợ đến giờ cũng phải vài chục triệu đồng, tiếp tục chạy thận như vậy chẳng biết tương lai rồi có ai còn tiền mà cho vay không”. Anh Bắc còn thường xuyên vào viện trong tình trạng cấp cứu do xuất huyết dạ dày. Những lần như thế, chi phí điều trị cũng tăng lên đến hàng triệu đồng. Anh Bắc còn xin xác nhận của bệnh viện để được miễn phí tiền xe buýt. Mấy năm nay, bữa trưa của anh Bắc cũng là cơm nắm do mẹ nấu từ sáng sớm gói cho anh mang theo.
Hầu hết bệnh nhân chạy thận đều thuộc diện hộ nghèo nên dù chỉ phải đóng thêm 5% viện phí cũng rất khó khăn. Đề nghị tỉnh có chế độ ưu đãi hơn nữa đối với những bệnh nhân chạy thận, quan trọng nhất là miễn giảm viện phí để họ có cơ hội điều trị, kéo dài sự sống.
MINH HẠNH