Tiết kiệm một hội nghị xây được mấy nhà tình nghĩa
Tin tức - Ngày đăng : 14:58, 18/06/2013
Không thua tham nhũng
Sáng nay (18-6), Quốc hội thảo luận về nội dung dự án Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi). Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, đại biểu QH tỉnh Ninh Thuận nhận xét: “Hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì tham nhũng. Việc hình thành hành lang pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ công chức chưa được chú trọng đúng mức” .
Thiếu tướng Kỳ đề nghị đặt tên luật này là Luật phòng, chống lãng phí để biểu thị thái độ, quyết tâm mạnh mẽ trước tệ này. “Tham nhũng có chủ thể, có đối tượng, bị phát hiện thì bỏ tù. Nhưng lãng phí thì rất ghê gớm, đâu cũng thấy nhưng xử lý lại chưa đến đâu” - ông nói.
Vẫn theo vị tướng công an này, lãng phí hiện đang diễn ra ở khắp các mặt của đời sống. “Lễ khởi công tốn kém quá, linh đình quá. Chính phủ nên quy định từng cấp độ công trình, dự án đến đâu thì tổ chức ở mức nào, tránh tình trạng tổ chức tràn lan. Rồi lễ hội tràn lan. Sau dịp Tết Nguyên đán đi đâu cũng thấy lễ hội linh đình. Rồi hội chứng festival ở mọi nơi. Lãng phí ở chỗ này dữ lắm. Rồi hội nghị. Bây giờ có những hội nghị Chính phủ triệu tập cả nước, mỗi tỉnh trung bình 5 chức danh, tập trung lại một nơi họp có một ngày, đôi khi là một buổi. Trong khi hoàn toàn có thể tổ chức họp trực tuyến để tiết kiệm. Tiết kiệm một cuộc họp như vậy sẽ xây được mấy căn nhà tình nghĩa cho người nghèo” - ông Kỳ nói.
Bên cạnh tình trạng lãng phí về tiền của, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng “lãng phí thời gian cũng rất ghê gớm. Có nhiều trường hợp thời gian còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Ví dụ: dự án có thể thi công ba ca, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào phục vụ. Nhưng trong quy định đấu thầu không chú ý đến yếu tố này, quá chú trọng về giá, dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm, gây lãng phí lớn”.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì chỉ ra tình trạng lãng phí thời gian trong việc tổ chức công việc của các cơ quan nhà nước, tình trạng “ăn cắp giờ” của một bộ phận cán bộ, công chức.
Lãng phí nhiều phải xử lý hình sự
Để xảy ra tình trạng trên, theo nhiều đại biểu, là do thiếu chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra lãng phí. “Trong dự thảo luật này vẫn còn nhiều nội dung chỉ mang tính kêu gọi” - ông Thân Đức Nam nhận xét. Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì vấn đề mấu chốt là việc quy định các tiêu chuẩn, định mức, chế độ, vì đây là căn cứ để tiết kiệm, chống lãng phí.
“Cần bổ sung quy định chế tài đối với người có thẩm quyền trong việc chậm ban hành hoặc không ban hành hoặc ban hành không có cơ sở khoa học các định mức, tiêu chuẩn. Nên quy định một chương riêng về xử lý vi phạm. Hành vi lãng phí phải gắn với định lượng: lãng phí ít thì xử lý hành chính, lãng phí nhiều phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chế tài không đủ mức răn đe thì công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ không đạt được hiệu quả cao” - ông Tấn đề nghị.
LÊ KIÊN (TT)