Học Bác Hồ làm báo: Tích lũy tài liệu
Tin tức - Ngày đăng : 18:14, 18/06/2013
Người đời thường nói “có bột mới gột nên hồ”, mà “bột” với người làm báo chính là tài liệu.
Bác Hồ luôn sâu sát thực tế, chú ý lắng nghe cơ sở
Ngày 17-8-1953 đến giảng tại lớp chỉnh Đảng trung ương, nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã giảng giải cặn kẽ về cách lấy tài liệu, tích lũy tài liệu, một công việc thiết yếu không chỉ với người viết báo mà còn đối với mọi cán bộ, đảng viên mỗi khi viết công văn, báo cáo. Bởi mỗi khi ngồi trước trang giấy để viết, dù là cái tin ngắn, bài báo dài hay báo cáo sơ kết, tổng kết thì điều đầu tiên ai cũng phải nghĩ tới là tư liệu đã có chưa rồi mới quyết định viết như thế nào.
Giải tỏa băn khoăn ấy, trong bài giảng tại lớp chỉnh Đảng năm 1953, Bác Hồ đã nói rất cặn kẽ, ngắn gọn và dễ hiểu: “Muốn có tài liệu thì phải tìm”. Mà “tìm tài liệu” thì, theo nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh cần tuân thủ theo năm bước: “1)Nghe: lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết. 2)Hỏi: hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi”. Ở đây cần thấy rõ, trong việc “nghe” và “hỏi”, Bác Hồ đã chỉ rõ đối tượng để nhà báo nghe và hỏi là những ai, đó chính là nhân dân (đồng bào), bộ đội (chiến sĩ) và cán bộ, hoặc người đi xa về (thường là biết nhiều chuyện). Nghĩa là phải hỏi nhiều đối tượng, phải nghe bằng nhiều tai, chứ không thể chỉ hỏi và nghe những cán bộ lãnh đạo đơn vị, cơ sở rồi về viết, thì có khi bài báo viết ra chỉ đúng một phần, báo đăng bị người đọc ở chính nơi đó không đồng tình, thành ra phản tác dụng, hay nói cách khác là không bảo đảm tính trung thực của bài báo. Chỉ với hai cách tìm tài liệu đã thấy nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh mỗi khi viết tin, bài thì điều đầu tiên Người quan tâm chính là tính trung thực, tiêu chí hàng đầu của báo chí cách mạng. Cũng cần thấy một điểm nữa là trong việc “nghe”, Bác Hồ dùng từ “lắng tai nghe”, chứ không chỉ “nghe” một các bình thường, mà phải chú ý, đặc biệt chú ý “lắng” tai mà nghe người cung cấp tài liệu cho mình. Từ “lắng” ở đây không chỉ để dặn các nhà báo khi đi lấy tài liệu phải thực sự cầu thị, chăm chú nghe và ghi, mà còn phải biết tôn trọng người cung cấp tài liệu cho mình, khiêm tốn học hỏi quần chúng, học hỏi bộ đội, cán bộ nơi mình đến lấy tài liệu. Hay rộng ra, chỉ một lời dặn “lắng tai nghe” của Bác Hồ đã bao hàm trong đó một ý rất căn bản: đạo đức người làm báo.
Sau khi giảng giải cặn kẽ việc “nghe” và “hỏi”, Bác Hồ nói đến các bước tiếp theo: “3)Thấy: mình phải đi đến, xem xét mà thấy. 4)Xem: xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài. 5)Ghi: những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp hai ba vấn đề, hai ba con số làm thành một tài liệu mà viết”. Qua ba bước “tìm tài liệu” này, thấy nổi lên một điều là người viết báo phải đi sâu đi sát cơ sở, đến tận nơi, thấy tận mắt, chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa”, và càng không thể “nghe hơi nồi chõ”, chỉ qua báo cáo hoặc nghe người khác nói mà đã viết thì bài báo rất dễ thiếu trung thực. Còn việc “xem” và “ghi” thì có lẽ là chuyện “cơm bữa” với người viết văn, làm báo; nhưng trong việc ghi, Bác dặn rất kỹ bốn điều gần như “bắt buộc” phải ghi chép, nếu muốn thành người làm báo giỏi, viết bài hay. Bốn điều đó là: “những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết”. Đấy là những việc rất cần với người viết báo trong quá trình tích lũy tài liệu, tích lũy vốn sống bởi con người ta dẫu trí nhớ tốt đến mấy vẫn có khi quên, mà đã quên thì khó có thể nói tài liệu đưa ra còn chính xác nữa, vậy thì ghi chép lại những gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi, đã đọc là cách tốt nhất “lưu trữ tài liệu”.
Đến đây thấy nổi lên một điều: công việc tìm tài liệu để viết, dù là mẩu tin hay bài báo ngắn đều đòi hỏi một sự cần mẫn, siêng năng và tính kiên nhẫn, chứ không thể hời hợt, “ăn xổi ở thì” mà lại có thể viết được bài báo hay. Thế nên, Bác Hồ khuyên nhà báo, và cả những ai thường phải viết báo cáo ở cơ quan, đơn vị: “Tìm tài liệu cũng như những công việc khác, phải chịu khó”. Chỉ có chịu khó mới đem niềm vui đến với người cầm bút, khi bài báo đăng được mọi người nhiệt tình tìm đọc.
Nói đến tìm tài liệu, tích lũy tài liệu để viết báo thì nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực. Ngay những năm đi tìm đường cứu nước, sống ở Pháp, Bác viết hàng loạt bài báo tố cáo tội ác của thực dân vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động và áp dụng chính sách mị dân đối với nhân dân ta. Không chỉ viết về tình hình ở Việt Nam, Bác còn có những bài báo viết về tình hình đời sống công nhân và nhân dân lao động bị áp bức ở các nước thuộc địa như Ấn Độ, Bắc Phi… Để bạn đọc phần nào thấy những điều nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh nói tại lớp chỉnh Đảng năm 1953 chính là được đúc rút từ thực tế làm báo của Người, xin trích đoạn ngắn trong bài “Ở Đông Dương” đăng báo “Người cùng khổ” ngày 4-11-1920 (xem Hồ Chí Minh-Tuyển tập 1- NXB Chính trị quốc gia), mà nếu không “xem báo chí, xem sách vở” và không “ghi những gì đã thấy, đã đọc” thì khó có thể dẫn giải trong bài những tài liệu sống động thế này: “Ở đây (Hải Phòng) cũng có những cuộc bãi công của thủy thủ. Chẳng hạn như ngày thứ năm (15-8) là ngày mà hai chiếc tàu phải nhổ neo để chở một số lớn lính khố đỏ A Nam đi Xy-ri. Nhưng thủy thủ không chịu đi, vì người ta không chịu phát lương cho họ bằng tiền Đông Dương. Theo giá thị trường, một đồng Đông Dương bằng 10 phrăng, chứ không phải 2 phrăng 50. Thế mà các công ty hàng hải lại làm một việc hà lạm trắng trợn là định trả lương cho thủy thủ bằng phrăng, chứ không trả bằng tiền Đông Dương như đã trả cho công chức”. Còn đây là đoạn trích trong bài “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” Bác viết năm 1952, với những dẫn chứng về phong trào tiết kiệm ở Liên Xô, Trung Quốc hồi ấy thật sinh động: “Ở Liên Xô do tiết kiệm mà tiền vốn để vào kế hoạch 5 năm (1946-1950) tăng thêm 26 tỷ rúp, tức là 1/3 số tiền vốn. Vài ví dụ nhỏ: một xưởng may áo ở Mạc Tư Khoa năm 1948 đã tiết kiệm được 34.000 mét vải, đủ may 2 vạn chiếc áo lót…”. Còn ở Trung Quốc: “Năm 1951, nhân dân khu Đông Bắc do tăng năng suất và tiết kiệm mà đã thêm được 14 triệu tấn lương thực. Khu Tây Bắc do tiết kiệm mà tăng thêm được một triệu tấn lương thực, 60 vạn tạ bông, 35 vạn con trâu, bò”.
Qua đây càng thấy lời Bác dạy: “xem báo chí, xem sách vở” và những cái gì “đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết” quan trọng đến ngần nào. Và, mỗi người làm nghề viết, dù là viết báo, viết văn hay báo cáo cũng đều cần học Bác về tích lũy tài liệu.
CAO NĂM