Bạo lực, nỗi ám ảnh của nhiều gia đình
Đời sống - Ngày đăng : 08:15, 25/06/2013
Hơn 80% số phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy mỗi người phải gánh chịu nỗi đau khác nhau nhưng nỗi đau tinh thần dường như đều giống nhau.
Tích cực tham gia các hoạt động giao lưu sẽ giúp các gia đình gắn kết, ngăn ngừa bạo lực.
Trong ảnh: Hội thi gia đình hạnh phúc lần thứ nhất (năm 2012) do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức
Muôn mặt nỗi đau
Chung sống với nhau gần 10 năm, có 3 mặt con nhưng Nguyễn Văn H. ở khu 12, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) lại thường xuyên "dạy vợ" bằng những trận đòn thừa sống, thiếu chết. Nhiều lần anh ta đánh vợ vì những lý do rất vụn vặt như: nấu cơm muộn, để quần áo ngoài trời mưa... Ông Phạm Quang Nhật, hàng xóm của H. cho biết: Vốn bản tính hung hãn, cộc cằn, từ khi lấy vợ, H. không hề thay đổi. Mỗi khi tức giận, H. đều trút hết lên đầu vợ bằng những cái bạt tai, đấm, đá khiến chị Phạm Thị Ch. mặt mũi lúc nào cũng sưng húp, bầm tím. Không dừng lại ở đó, những lúc có hơi men, H. còn thường đập phá đồ đạc trong nhà. Mỗi lần như vậy, H. đều đóng kín cửa mở nhạc to, hàng xóm sang can ngăn đều bị đuổi và thậm chí còn bị chửi là... rỗi hơi! Đỉnh điểm là cuối năm 2012, khi nghe tiếng H. quát tháo, chửi bới, hàng xóm chạy sang đẩy cửa vào can ngăn thì thấy chị Ch. mặt mày thâm tím, tay đầy vết máu. Quá uất ức, đau đớn, sau trận đòn chị Ch. đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ và đi xuất khẩu lao động bỏ lại người chồng vũ phu và 3 đứa con thơ dại.
Giống như chị Ch., chị Nguyễn Thị H. ở thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải (Ninh Giang) đã có hơn 20 năm chung sống với Lê Đình K., nhưng người chồng hằng đêm "đầu gối tay ấp" ấy cũng thường xuyên thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Trận đòn dã man nhất mà anh này “dành” cho chị vào khoảng giữa năm 2012, khi chị về thăm mẹ ốm nhưng không được sự đồng ý của K. Hôm ấy, K. đã dùng điếu cày đánh thẳng vào mặt chị H., phải khâu 8 mũi. Sau khi bị đánh, chị về nhà mẹ đẻ để điều trị vết thương. Biết vợ bị thương nhưng K. không hề thăm hỏi, thậm chí còn cầm cả súng bắn cá, tuýp sắt sang nhà mẹ vợ gây sự, chửi bới.
Mỗi người vợ chịu một nỗi đau đớn về thể xác khác nhau và bị chồng đánh vì bất cứ lý do gì. Có khi chỉ thấy mặt vợ "ngu ngu", không vâng lời, chậm chạp hoặc chỉ cần có điều gì bực tức là người chồng lại trút giận lên vợ. Anh ta lấy bất cứ cái gì để phang lên người vợ từ bát, chén, ghế ngồi, điếu cày cho đến cả đòn gánh. Ngày qua ngày, những người chồng bạo hành vẫn lặp lại hành động của mình, chỉ có khác là “phương tiện” bạo hành và mức độ ngày càng nặng hơn. Và không chỉ những người vợ mà cả những đứa con cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Dù cháu Vũ Thị H., 17 tuổi, ở thôn Đồn Bối, xã Nam Hồng (Nam Sách) đã mất từ lâu nhưng nỗi đau của bạo lực vẫn hằng ngày, hằng giờ hằn trên gương mặt của chị Trần Thị T. mẹ cháu. Chị T. cho biết, đầu năm 2009, chồng chị là anh Vũ Văn H. đi uống rượu say về nhà gây sự cãi vã và đánh vợ. Thấy bố đánh mẹ, cháu H. chạy vào can nhưng cũng bị bố tát 2 cái. Cháu liền chạy sang hàng xóm nhờ người sang can ngăn, trong lúc chạy cháu đã bị trượt chân ngã dẫn đến tử vong. Chị T. cho biết: "Sau khi sự việc xảy ra, tôi đau đớn vô cùng. Suy cho cùng, cái chết của con gái tôi cũng bắt nguồn từ bạo lực gia đình. Kể từ khi cháu mất đi, nỗi ám ảnh về bạo lực gia đình luôn dày vò trong tôi..."
Bạo lực đang ngày càng trở nên bức xúc, nhức nhối trong đời sống, là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Nhiều người vợ, người con không chỉ phải chịu đựng cảnh bạo lực về thể xác mà còn bạo lực cả tinh thần, tình dục, kinh tế. Thậm chí, nhiều phụ nữ cùng một lúc phải chịu nhiều hình thức bạo lực. Bạo lực cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ việc đau lòng, gia đình ly tán, con mất mẹ, chồng mất vợ...
Chung tay ngăn chặn
Bà Nguyễn Hà Phương, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ năm 2008, nhưng hằng ngày, hằng giờ trên địa bàn tỉnh vẫn có rất nhiều phụ nữ phải gánh chịu những trận đòn thừa sống, thiếu chết từ chồng mình. Từ năm 2009 đến năm 2012, toàn tỉnh có hơn 1.500 gia đình có bạo lực. Từ năm 2005 đến năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ bạo lực gia đình khiến 24 người chết. Tình trạng bạo lực có chuyển biến nhưng vẫn ở mức cao. Đặc biệt, bạo lực kinh tế có phần giảm nhưng bạo lực tinh thần lại có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân của bạo lực gia đình là nữ chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, cũng theo bà Phương, đây chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ, bởi thực tế số vụ bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời hoặc xử lý hình sự vì gây thương tích hoặc để lại hậu quả chết người vẫn còn rất ít. Bởi lẽ, người bị bạo lực thường nhẫn nhục chịu đựng vì sĩ diện, mặc cảm, sống phụ thuộc vào chồng. Trong ý thức của nhiều người, thậm chí cả một số cơ quan chức năng, chuyện vợ chồng cãi vã, xô xát là bình thường, không cần thiết phải can thiệp, nếu chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Có nhiều trường hợp các chị bị đánh bầm dập mặt mày nhưng khi người ngoài can thiệp, chia sẻ thì chính nạn nhân lại phủ nhận bị bạo hành. Bạo lực không dừng lại ở gia đình ít học, vùng nông thôn, bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong những gia đình trí thức và các đối tượng này chủ yếu bị bạo lực về tinh thần... Nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới, chồng nghiện rượu, say rượu, mượn rượu, tệ nạn xã hội, cờ bạc, khó khăn về kinh tế, vợ hoặc chồng ngoại tình, thiếu hiểu biết về pháp luật, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, bất đồng trong quan hệ tình dục, nuôi dạy con cái... Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, lối sống thực dụng đang len lỏi vào mỗi gia đình khiến cho giá trị văn hóa, giá trị gia đình truyền thống bị mai một cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực.
Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp tích cực trong việc phòng, chống bạo lực gia đình như: tuyên truyền, giáo dục về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức các hội thi về phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, hoạt động can thiệp ở một số địa phương còn mờ nhạt. Công tác hòa giải chủ yếu tiến hành đối với những trường hợp bạo lực về thể chất đã rõ ràng. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết, xử lý. Bên cạnh đó, việc trang bị phương pháp, kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công tác hòa giải, tư vấn và trợ giúp nạn nhân cũng như giáo dục người có hành vi bạo lực chưa được quan tâm đúng mức.
HÀ VY