Giản dị mà đằm sâu nghĩa tình

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:48, 30/07/2013

Bài thơ được viết ở ngôi thứ nhất, người viết không ngần ngại xưng “tôi”, đủ thấy sự chân thực, giản dị không chỉ trong cách gọi mà còn cả trong ý thơ. Ngay câu mở đầu, nhà thơ Vũ Thành Chung đã nói thẳng: “Em trả tôi về mặt trận sớm nay/Với cái bắt tay- nồng say thắp lửa”. Dẫu không nói trắng ra là khi đưa tay ra bắt tay “tôi”, thì đôi mắt em như phóng ra một ánh nhìn “thiêu đốt”, người đọc vẫn thấy cô quân y sĩ khi tiễn anh thương binh ra viện nhớ nhung, trìu mến và thân thiết biết bao bởi chỉ qua cái nhìn: “nồng say thắp lửa”. Cái tình em để lại trong “tôi” sâu nặng thế, nên dẫu: “Bóng em khuất dần theo khung cửa”, thì trong “tôi” lại bỗng trào lên niềm nhớ nhung, suy nghĩ về em. Mà nghĩ về em là nghĩ về màu áo như hiện thân của sự trắng trong, tinh khiết và đầy nhân ái, nên càng xa em thì những cử chỉ bao dung, tình nghĩa em để lại trong tôi những ngày tôi nằm viện càng hiện về trong ký ức. Thơ giản dị, chân thực mà hàm chứa bao ân nghĩa, ân tình giữa người thương binh nằm quân y viện với người thầy thuốc trong viện quân y.

Nhà thơ không ngần ngại bộc bạch: “Ngày tôi vào điều trị/Đau tấy vết thương”, và người hiểu hơn ai hết vết thương mang trong người “tôi” chính là em. Và em không chỉ có: “Cùng bao đêm em thức”, mà cả khi: “Bom nổ xa/Gầm rung mặt đất” em vẫn bình tĩnh cầm dao mổ vết thương, như người cầm kim khâu vá vậy: “Mũi dao em đưa thẳng tựa đường kim”. Nhìn mũi dao mổ vết thương mà lại liên tưởng tới đường kim khâu vá bỗng làm cho câu thơ bình dị, ấm áp như át cả tiếng bom “gầm rung mặt đất”. Khi bom nổ xa là vậy, còn lúc “Bom nổ gần/Sạt hầm dã chiến” thì người nữ quân y vụt hiện lên như một anh hùng, trong giây lát không nghĩ đến hiểm nguy, lấy thân mình che chở đạn bom cho thương binh. Qua thơ người đọc thầm hiểu thế, chứ còn nhà thơ, chỉ nói bằng hình ảnh: “Chiếc áo choàng che chở cho tôi”. Nhưng người đọc cũng đủ hiểu hành động quả cảm của người nữ quân y khi đọc ngay câu tiếp theo: “Máu đỏ thấm sang áo trắng em rồi”. Nhưng nhà thơ lại không nhìn nỗi đau ấy bằng sự buồn thương bi lụy, mà trong đau thương lại thấy như hiện lên cuộc sống rực rỡ ánh bình minh. Trong lúc bom đạn giặc đánh phá thì người nữ quân y bình tĩnh và quả cảm như vậy; còn khi yên bình thì tính nết dịu hiền, đằm thắm của người phụ nữ lại hiện lên rỡ ràng trong người nữ quân y. Mỗi khi vết thương người thương binh dịu bớt đớn đau thì người nữ quân y vẫn: “Em ngồi canh giấc đêm đêm/Khẽ khàng ru tôi câu lục bát/Đôi tà áo trắng bay lên/Như đôi cánh cò trong câu hát”. Thơ giàu sự liên tưởng, gợi mở, nhìn đôi tà áo trắng người nữ quân y mà nghĩ ngay đến cánh cò trong câu hát dân ca, bỗng như thổi vào một không khí thanh bình, ấm áp tình người, tình quê hương giữa nơi đạn bom ác liệt.

Với cái nhìn của nhà thơ, màu áo choàng trắng của người thầy thuốc cũng chính là phẩm chất trong trắng của “cuộc đời em-Người thầy thuốc”. Thơ như một lời nhắc nhở mang đậm tính thời sự, nên dù “Màu áo” ra đời từ năm 1972 và được nhận giải chính thức cuộc thi viết về đề tài thương binh-liệt sĩ, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 1975, nhưng nay đọc lại vẫn mang đậm chất thời sự và đầy ý nghĩa nhân văn.


Màu áo

Em trả tôi về mặt trận sớm nay
Với cái bắt tay - nồng say thắp lửa
Bóng em khuất dần theo khung cửa
Cho tôi nghĩ nhiều về màu áo tinh khôi
Em mặc áo choàng-
Màu trắng giản đơn
Mà thắm thiết tấm lòng người mẹ.

Ngày tôi vào điều trị
Đau tấy vết thương
Và hiểu vết thương hơn cả - là em
Vết thương quặn đau
Cùng bao đêm em thức.

Bom nổ xa
Gầm rung mặt đất
Mũi dao em đưa thẳng tựa đường kim
Chỉ có bàn tay em-
Nơi bình yên nhất.

Bom nổ gần
Sạt hầm dã chiến
Chiếc áo choàng che chở cho tôi
Máu đỏ thấm sang áo trắng em rồi
Đậu lại như mặt trời
Mọc lên từ buổi sớm!
Vết thương dịu vợi
Tôi thiếp đi trong giấc ngủ êm
Em ngồi canh giấc đêm đêm
Khẽ khàng ru tôi câu lục bát
Đôi tà áo trắng bay lên
Như đôi cánh cò trong câu hát
Tựa cuộc đời em - Người thầy thuốc
Màu áo em choàng.

                                  (Quân Y viện 201, tháng 12-1972)

 VŨ THÀNH CHUNG