Chia đất

Đời sống - Ngày đăng : 16:20, 04/08/2013

Vợ chồng anh Nam ngậm đắng nuốt cay vì chân lấm tay bùn quanh năm, lấy đâu ra vài trăm triệu đồng để được quyền sở hữu toàn bộ đất đai nhà cửa cha mẹ để lại...



Nghe tin ông Hòa bị tai nạn giao thông và đã qua đời trên đường đi cấp cứu, mọi người trong xã xôn xao. Các con ông Hòa thì bàng hoàng, đau đớn. Đau đớn nhất là vợ chồng anh Nam - con trai út của ông Hòa. Một phần vì ông sống cùng nhà với họ, gắn bó với họ hơn những người con khác, phần vì nhà cửa, đất đai mà vợ chồng anh Nam đang ở mang tên ông Hòa. Ông mất đột ngột như thế nên chưa kịp sang tên, cũng chưa hề lập di chúc. Ông Hòa có bốn người con trai thì ba người có công ăn việc làm ổn định, có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố. Khi họ xây nhà, ông đều cho thêm vài cây vàng mà ông bà tiết kiệm, dành dụm được. Từ khi bà Hòa mất, ông Hòa quyết định ở quê với vợ chồng anh Nam vì ông nghĩ "giàu con út, khó con út". Ba người con lớn của ông đều vương trưởng cả rồi, vợ con đuề huề, cũng không thiếu thốn gì nên ông chỉ lo cho vợ chồng anh Nam thôi, công việc nhà nông vất vả, các con thì còn nhỏ lại nay ốm mai đau. Nhưng ông Hòa đâu có lường trước được mọi việc.

Trước kia, mỗi lần vợ chồng anh Nam gợi ý để ông Hòa lập di chúc cho danh chính ngôn thuận thì ông tức giận, gạt phăng đi: "Tao vẫn khỏe mạnh, có ốm đau gì đâu mà phải lập di chúc vội. Chúng mày chỉ mong tao chết sớm à?". Thế là vợ chồng anh Nam đành lặng im. Mặc dù những lần họp gia đình đông đủ, ông Hòa vẫn hứa là nhà cửa đất đai của ông sẽ bàn giao cho vợ chồng anh Nam hết vì các con lớn của ông đã có đất, có nhà cả rồi. Biết vậy nhưng vợ chồng anh Nam vẫn không hề yên tâm.
Quả thực, ông Hòa mất chưa đầy trăm ngày thì các con ông đã họp gia đình bàn tính về việc chia nhà cửa đất đai. Anh cả lên tiếng trước, đòi chia mảnh đất 500 m2 ra làm bốn phần, ưu tiên cho vợ chồng anh Nam được hưởng phần có ngôi nhà ngói năm gian. Anh thứ hai tử tế hơn thì có ý kiến đòi chia mảnh đất ấy làm hai phần, một phần vợ chồng anh Nam hưởng, phần còn lại chia cho ba anh lớn. Anh thứ ba thì đòi ra chính quyền giải quyết cho công bằng. Vợ chồng anh Nam vừa khóc vừa van xin các anh, các chị: "Bố mới nằm xuống, xin các anh, các chị giải quyết mọi việc trong gia đình cho êm thấm kẻo làng nước họ cười cho. Đây là đất đai của tổ tiên, cha mẹ để lại, chúng em xin ở và trông nom như nguyện vọng của bố lúc còn sống chứ ai lại chia năm xẻ bảy". Bà chị dâu cả cắt lời: "Con nào cũng là con. Tôi thấy lúc còn sống, bố mẹ ăn ở rất công bằng, chẳng lẽ lại bù chì bút chít cho vợ chồng chú út hết". Đôi co mãi, lời qua tiếng lại cũng không giải quyết gì, cuộc họp gia đình kết thúc bằng ba phương án: một là chia đều thành bốn phần, mỗi người hưởng một phần; hai là đấu giá nhà đất, nếu vợ chồng anh Nam được quyền sở hữu thì phải trả tiền cho ba anh còn lại; ba là nộp đơn kiến nghị để chính quyền giải quyết.

Vợ chồng anh Nam ngậm đắng nuốt cay vì chân lấm tay bùn quanh năm, lấy đâu ra vài trăm triệu đồng để được quyền sở hữu toàn bộ đất đai nhà cửa cha mẹ để lại. Vợ anh Nam khuyên anh cứ nín nhịn một thời gian nữa xem sao nhưng vợ chồng anh Nam chưa tìm được cách giải quyết nào thì anh cả đã từ thành phố về nộp đơn kiến nghị lên UBND xã. Anh Nam không kiềm chế được cơn nóng giận đã chửi thẳng vào mặt anh trai mình: "Đồ đều, đồ tham lam, các người không còn tình nghĩa gì cả". "Mày nhìn lại bản thân mình xem. Đứa nào mới là đứa tham lam. Đất đai của bố mẹ để lại mà mày đòi hưởng tất"... cứ thế, họ cãi vã, to tiếng, suýt gây gổ đánh nhau trước UBND xã. May mà mấy anh công an xã đang trực ở đó kịp thời ngăn cản.

Sự việc trong đơn đề nghị của con trai cả ông Hòa đang được chính quyền xem xét, giải quyết. Từ đó, các con ông Hòa không những không muốn nhìn mặt nhau mà còn coi nhau như quân thù. Cũng từ chuyện nhà ông Hòa mà các ông già bà cả ở quê tôi đua nhau lập di chúc. Có những cặp vợ chồng còn trẻ cũng lập di chúc. Họ bảo: "Làm thế cho yên tâm. Không may bị đột tử thì cũng yên lòng nhắm mắt dưới suối vàng. Con cái không phải tranh chấp để mất tình anh em, máu mủ.

TRẦN THỊ LÀNH