Hơn 800 ha lúa, hoa màu bị ngập úng do mưa bão số 6

Môi trường - Ngày đăng : 07:45, 08/08/2013

Tính đến 7 giờ ngày 8-8, lượng mưa phổ biến trên địa bàn Hải Dương ở mức 50-90mm. Bình Giang là nơi có mưa to nhất lên tới 134mm.


* Bão số 6 tan, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to
* Lũ các sông qua Hải Dương lên trên báo động I
* Sạt lở 165 m bãi sông xã Thanh Lang (Thanh Hà)
* Nhiều tuyến đường ở TP Hải Dương thành sông
* Đi xem bão, một thanh niên bị sóng biển cuốn trôi ở Đồ Sơn


Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương, tính đến sáng 8-8, đã có hơn 800 ha lúa và hoa màu ở 3 huyện Kinh Môn, Kim Thành và Tứ Kỳ bị ngập úng, trong đó, 70 ha bị ngập trắng. Đơn vị huy động tất cả các trạm bơm bơm tiêu úng, bảo đảm tiêu úng nhanh, ưu tiên những nơi lúa và rau màu bị ngập.



Nhiều diện tích đỗ tương của bà con nông dân thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) bị ngập. Ảnh: Lan Anh


Trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Hải Dương đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các ngành trong tỉnh.


Công điện yêu cầu các đơn vị rút kinh nghiệm trong phòng, chống bão số 5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6 và tình hình mưa lũ để chủ động phòng, tránh và triển khai ngay các phương án đối phó. Rà soát, kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các bờ kênh Bắc Hưng Hải mới được tu sửa, hồ chứa, các công trình còn đang thi công để có biện pháp ứng phó kịp thời. Khắc phục ngay những sự cố các công trình do bão số 5 gây ra. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương phối hợp với Ban PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã chủ động tháo, bơm gạn, hạ thấp mực nước trong các sông trục và triển khai phương án chống úng, trong đó ưu tiên cho diện tích lúa mùa mới cấy, rau màu và các khu nuôi thủy sản tập trung. TP Hải Dương chủ động phương án chống úng nội đô. Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ tiêu úng, khắc phục ngay những sự cố do bão số 5 gây ra. Thị xã Chí Linh triển khai phương án bảo vệ các hồ đập và phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Ban PCLB-TKCN các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, các ngành trực ban 24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ do bão số 6 gây ra để có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố.

* Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay, mực nước lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại đang duy trì ở mức xấp xỉ báo động số I và biến đổi chậm.



Nước sông Thái Bình qua Hải Dương tiếp tục lên nhanh, dự báo sẽ vượt báo động 1
. Ảnh: Lan Anh

Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa của bão số 6, khả năng mực nước các sông ở Hải Dương tiếp tục lên. Mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại có khả năng tiếp tục lên, đỉnh lũ ở mức 4m40 - 4m50, trên mức báo động I.

Chủ động khôi phục sản xuất sau bão


Mưa liên tục kéo dài trong những ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa, rau màu của bà con nông dân trong tỉnh bị ngập nặng.



Hơn 1 sào dưa lê của chị Bùi Thị Dung (ở thôn Đồng Xá Bắc, xã Đồng Gia, Kim Thành)
bị nước ngập trên lưng luống, không có đường tiêu thoát nước. Ảnh: Minh Nguyệt


Để chủ động khôi phục sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nông dân chủ động chăm bón diện tích lúa ở vùng trũng để cây lúa sinh trưởng nhanh. Đối với diện tích trồng ổi ở Thanh Hà, cần chủ động lắp đặt thêm máy bơm để tiêu úng vì cây ổi dễ bị chết khi ngập lâu.

Với diện tích rau màu bị dập nát không thể khôi phục, bà con cần vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng cây mới. Đối với diện tích rau màu còn khôi phục được, nông dân cần xới đất, bón phân qua lá kết hợp phun thuốc phòng, trừ các loại sâu bệnh. Khi trời còn mưa, nông dân chủ động vét rãnh để tiêu thoát nước kịp thời.

Đối với diện tích đất bãi ngoài đê chuẩn bị trồng cây vụ đông sớm tại các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng..., bà con lưu ý xuống giống sau ngày 21-8. Những diện tích trồng cây vụ đông sớm trong đồng tại các huyện Gia Lộc, Kim Thành, Tứ Kỳ... cần gieo trồng sau khi bão tan, mưa ngớt.

NGỌC THỦY


* Mưa to từ chiều ngày 7 kéo dài đến sáng 8-8 làm các tuyến đường: Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Duệ và một số khu dân cư của các phường Tân Bình, Thành Bình, Bình Hàn, Cẩm Thượng... của TP Hải Dương ngập nặng.



Một số đường phố ở TP Hải Dương bị ngập sâu, xe cộ đi lại rất khó khăn. Ảnh: Lê Xuyền

Công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị thành phố đã mở hết nắp hố ga tại những điểm ngập sâu để nước thoát nhanh đồng thời huy động cả 4 trạm bơm tiêu của thành phố hoạt động hết công suất bơm nước ra sông nhưng nước rút chậm. Nguyên nhân do trời mưa to cộng với hệ thống thoát nước ở nhiều khu vực của thành phố chưa hoàn thiện, một số nơi còn bị rác, đất cát gây ách tắc...



Phố Tân Kim (phường Tân Bình) cứ mưa là ngập. Ảnh: Lê Xuyền

Đơn vị đang huy động tối đa lực lượng tổ chức vớt rác, khơi thông các kênh mương, cống thoát nước bị tắc.



Các trạm bơm dù chạy tối đa công suất nhưng tình hình ngập úng rất chậm được cải thiện
. Ảnh: Thành Long

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, từ chiều 7-8 trên địa bàn huyện Ninh Giang trời đã có mưa. Để chủ động đối phó với mưa bão, trước đó Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Giang đã có công điện số 03 chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban liên quan thực hiện ngay các biện pháp đối phó với bão số 6.



Trạm bơm Tân Phong (Ninh Giang) bơm tiêu úng cho 1.481 ha lúa mùa. Ảnh: Minh Phương

Ngay từ 7 giờ ngày 7-8, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đã vận hành 14 trạm bơm tiêu úng với 59 máy bơm điện có tổng công suất 219 nghìn m3/giờ, chủ động tháo, bơm gạn, hạ thấp mực nước trong các sông trục. Triển khai các phương án phòng, chống úng, trong đó ưu tiên cho diện tích lúa mùa, các khu rau, màu và khu nuôi thủy sản tập trung. Tại khu vực trũng thuộc các xã An Đức, Vạn Phúc, Đông Xuyên, Tân Phong, Ninh Hòa, Quyết Thắng và Ứng Hòe, tiểu ban nội đồng cắt cử người thường xuyên kiểm tra tình hình, khơi thông dòng chảy và bố trí các máy bơm dã chiến phòng khi khu vực bị ngập úng cục bộ.

* Sáng 7-8, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Hà chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng, ban liên quan khẩn trương chuẩn bị các tình huống đối phó với bão số 6. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện huy động toàn bộ 9 trạm bơm tiến hành bơm gạn nước nội đồng. Các xã, thị trấn chủ động phòng, chống úng, đặc biệt các khu vực trũng như Hà Đông, Hà Tây. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện bám sát tình hình sản xuất của các địa phương, báo cáo ngay các điểm bị úng, lụt để kịp thời có biện pháp khắc phục.

Theo Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà, do nước sông Rạng đang ở mức cao xấp xỉ báo động I cộng với triều cường đã gây sạt lở bãi sông đê hữu sông Rạng thuộc địa bàn xã Thanh Lang, đoạn từ K14+767 đến K14+932 với tổng chiều dài 165 m. Đoạn sạt lở ăn sâu vào bãi sông từ 3-9 m. Có điểm sạt lở chỉ cách chân đê 15 m.

Do ảnh hưởng của mưa do hoàn lưu bão số 6 khả năng mực nước sông Rạng tiếp tục dâng cao, có khả năng trên báo động 1, Hạt quản lý đê huyện Thanh hà đã phối hợp với xã Thanh Lang cắt cử lực lượng kiểm tra 24/24 giờ và báo cáo thường xuyên tình hình sạt lở. Hạt quản lý đê huyện đã xây dựng phương án trọng điểm bảo vệ khu vực này theo phương châm "4 tại chỗ".

* Theo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Gia Lộc, để bảo đảm diện lúa và rau màu không bị ngập úng do mưa bão, huyện đã yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huy động 100% các trạm bơm bơm tiêu thoát nước. Điện lực Gia Lộc bảo đảm cung cấp điện đầy đủ kịp thời, không để xảy ra sự cố mất điện như bão số 5.



Nông dân thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) bơm chống úng cho đào và rau. Ảnh: Thành Chung

Riêng các xã trồng nhiều rau màu như Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Lê Lợi, Phạm Trấn và Gia Xuyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tiến hành kiểm tra và khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời dưa và rau màu ở những ruộng có thể thu hoạch được...

* Từ đêm 6-8, huyện Kinh Môn đã chỉ đạo tất cả các trạm bơm trên địa bàn tháo, bơm gạn nước đệm trên hệ sông trục. Huyện cũng lắp đặt và vận hành 3 trạm bơm dã chiến tại các xã trũng, gồm: Phúc Thành, Quang Trung và Hiệp Sơn. Hiện mực nước tại các công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn đã ở mức an toàn.

Sáng 7-8, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Kinh Môn đã có công điện giửi các xã, thị trấn trên sẵn sàng nhân lực, vật tư để chủ động đối phó với bão số 6. Cán bộ, lãnh đạo của huyện được phân công phụ trách địa tiến hành bàn bám sát tình hình, tổ chức kiểm tra đê, kè, cống, báo cáo kịp thời các diễn biến bất thường để có biện pháp xử lý. Theo nhận định của phòng chuyên môn huyện, nếu mưa trên 100 mm, toàn huyện Kinh Môn sẽ có khoảng 1.250 ha diện tích lúa và rau màu bị ngập úng.

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, từ 13 giờ 30 ngày 7-8, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ đã có mưa rải rác.

Để chủ động đối phó với bão số 6, sáng 7-8, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trong huyện triển khai ngay kế hoạch PCLB; tập trung bảo vệ công sở, trường học và các đình chính sách; chủ động sơ tán nhân dân sinh sống ngoài bối vào nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện huy động tối đa công suất các trạm bơm tiêu úng, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra. Các xã, thị trấn kiểm tra, đóng chặt các cống qua đê, triển khai phương án bảo vệ đê và bờ kênh Bắc Hưng Hải. Khẩn trương giải tỏa vật cản, bèo tây và cỏ dại ở những tuyến kênh còn ách tắc. Chủ động kiểm tra, đôn đốc nhà thầu khơi thông những vị trí kênh, cống bị ách tắc do thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng gây ra. Điện lực huyện bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm tiêu úng...

* Để đối phó với bão số 6, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cẩm Giàng đã có công văn gửi các xã, thị trấn trong huyện trực 24 giờ trong ngày, theo dõi sát diễn biến tình hình mưa bão, kịp thời báo cáo khi có sự cố xảy ra. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện yêu cầu tất cả các trạm bơm luôn trong trạng thái sẵn sàng cho công tác bơm tiêu thoát nước, đặc biệt chú trọng đến các xã thấp, có nhiều diện tích cây màu, gồm: Cẩm Văn, Đức Chính. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo trong trường hợp khẩn cấp phải huy động tối đa các máy bơm dầu, bơm điện nhỏ để chống úng...

* Sáng 7-8, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Thành đã yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi, các HTX dịch vụ nông nghiệp đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, chủ động tiêu nước triệt để và giải phóng dòng chảy trên các sông trục, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, các ao, đầm nuôi thủy sản.



Nông dân thôn Đồng Xá bắc, xã Đồng Gia (Kim Thành) chống úng cho 4 sào củ đậu. Ảnh: Minh Nguyệt

Các trạm bơm túc trực 24/24 giờ, sẵng sàng bơm tiêu lũ khi có lệnh. Tăng cường công tác kiểm tra các công trình đê, kè, cống, đặc biệt khu vực xung yếu. Phân công lực lượng canh gác đê, tập trung xử lý các ẩn họa trong thân đê đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện ứng phó khi có sự cố xảy ra. Chủ động chằng, chống nhà cửa, trường học, kho tàng, bảo vệ tài sản, trang thiết bị của nhà nước và nhân dân...

* Chiều 7-8, Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Sách đã có công điện khẩn gửi các xã, thị trấn, đơn vị trên địa bàn kiểm tra, rà soát lại các phương án phòng, chống lụt bão. Cử các thành viên của ban xuống từng xã, thị trấn trong huyện nắm tình hình để kịp thời chỉ đạo ứng phó với bão số 6...

Trước đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyệnđã chỉ đạo các trạm bơm trên địa bàn bơm gạn nước, phòng trường hợp mưa lớn gây ngập úng, ảnh hưởng tới diện tích lúa, rau màu và các ao, đầm nuôi thủy sản. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Nam Sách, từ tháng 7 tới nay trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra mưa lớn, đặc biệt 2 cơn bão số 5 và số 6 liền nhau, lượng nước tại các sông dâng cao nên khả năng ngập úng cục bộ rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, đơn vị đã chỉ đạo các trạm bơm chủ động tiêu úng, tổ chức khơi thông dòng chảy. Các xã Nam Tân, Minh Tân là nơi bị ngập úng nặng do mưa bão số 5 gây ra, đơn vị đã chỉ đạo trạm bơm Đò Hàn, Long Động bơm gạn, đồng thời đóng tất cả các cống qua đê.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn người dân nuôi cá lồng phải neo, chằng lồng cẩn thận, đề phòng gió, nước sông dâng, chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho cá trong những ngày mưa bão. Đối với các tuyến đê xung yếu như: mặt đê k6+00 đến k8+300 đê hữu sông Kinh Thầy (xã Nam Tân), thân đê k15+931 đến k18+00 đê hữu sông Kinh Thầy (xã Cộng Hòa), mặt đê đoạn k11+670 đến k13+800 đê hữu sông Kinh Thầy qua các xã Thanh Quang, An Bình..., Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện... theo phương án "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó khi có huống xấu xảy ra.

* Sáng 7-8, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương họp triển khai các nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 6, hạn chế tối đa sự cố điện do bão gây ra. Đơn vị chỉ đạo đóng điện cho tất cả các trạm bơm chống úng, đồng thời huy động 100% quân số trực 24/24 giờ; chuẩn bị xe, máy, vật tư, phương tiện, khắc phục nhanh nhất sự cố xảy ra. Yêu cầu điện lực các huyện: Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện -  nơi được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 6 phải thông tin thường xuyên và có phương án cụ thể xử lý kịp thời khi sự cố điện xảy ra.

* Sáng 7-8, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết đã có công điện chỉ đạo các xí nghiệp thành viên tập trung phòng, chống úng nhằm đối phó với mưa bão số 6; kiểm tra, sửa chữa những máy bơm bị hỏng để sẵn sàng hoạt động với công suất cao nhất; đề nghị với ngành điện cung cấp đủ điện cho các máy bơm hoạt động; chỉ đạo các đơn vị tập trung bảo vệ công trình trọng điểm tại cống Bằng Lai (Kim Thành) và cống sông Hương (Thanh Hà). Các xí nghiệp thành viên chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng tại chỗ, thường xuyên kiểm tra tình hình mưa bão, báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.   

Bão số 6 tan, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to

Đêm 7-8, bão số 6 đã đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình, gây gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, kèm theo mưa to đến rất to.



Bão số 6 đã tan trên khu vực biên giới Việt - Lào


Sau đó, bão số 6 đi sâu vào khu vực vùng núi Thanh Hóa suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 4 giờ ngày 8-8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25km tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa sáng 8-8 còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và giông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 6 ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió 19m/s (cấp 8), giật 24m/s (cấp 9), Hòn Dấu 19m/s (cấp 8), giật 25m/s (cấp 10); Văn Lý (Nam Định) 24m/s (cấp 9), giật 30m/s (cấp 11); Sầm Sơn (Thanh Hóa) 17m/s (cấp 7), giật 26m/s (cấp 10); ở Hòn Ngư (Nghệ An) 12m/s (cấp 6), giật 20m/s (cấp 8); Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 15m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10). Ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 70 – 120mm; một số nơi có mưa lớn hơn như; Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 131mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 332mm; Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 310mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 132mm...


Đi xem bão, một thanh niên bị sóng biển cuốn trôi


Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16 giờ 40 ngày 7-8 tại biển Đồ Sơn (Hải Phòng). Nạn nhân được xác định là Phạm Thanh Sơn (16 tuổi, P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng).



Mặc dù bão sắp về nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan vào khu vực đê chụp ảnh sóng biển


Theo một số người dân, vào thời điểm trên Sơn cùng một số người bạn đi ra khu 1 trước khách sạn Hải Yến, quận Đồ Sơn để xem và chụp ảnh sóng biển. Do đứng sát bờ biển nên Sơn đã bị trượt chân và bị sóng cuốn trôi.

Ông Hoàng Đình Bình, chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin đã yêu cầu triển khai lực lượng để khi có điều kiện thích hợp sẽ tổ chức tìm kiếm cứu nạn. “Chúng tôi đã bố trí lực lượng chức năng canh chốt ở dọc khu đê để ngăn cản người dân vào chụp ảnh tuy nhiên vẫn có một số người cố tình chui vào. Lãnh đạo quận đã yêu cầu thắt chặt an ninh dọc khu vực đê và sẽ kiểm tra lại nguyên nhân tai nạn”, ông Bình nói.

Theo quan sát của phóng viên, chiều ngày 7-8 tại khu vự bở biển Đồ Sơn gió mạnh cấp 6, cấp 7, biển động nhẹ. Dọc đê kè Đồ Sơn liên tục có những con sóng lớn cao khoảng hơn 1 mét vỗ vào bờ. Vì tò mò nên rất nhiều du khách, người dân ra khu vực đê chụp ảnh sóng. Một số thanh niên cố tình chui qua hàng rào đứng sát bờ đê để chụp ảnh. Mặc dù có lực lượng Công an bố trí tại các điểm dọc đê nhưng thỉnh thoảng các du khách vẫn chui được qua rào để vào cạnh bờ đê chụp ảnh.

18g tối, tại Hải Phòng bắt đầu có mưa nhỏ, một số huyện ven biển có gió giật cấp 6, cấp 7. Theo báo cáo của ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, đến chiều ngày 7-8 đã thông tin cho gần 4.000 phương tiện, tàu thuyền với hơn 12.000 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết vị trí và diễn biến của báo số 6 để chủ động ứng phó.

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND thành phố, trưởng ban PCLB&TKCN Hải Phòng, cho biết đã có công văn yêu cầu dừng mọi hoạt động trên biển từ 12g trưa. Hải Phòng đã tổ chức di dân tại chỗ cho hơn 10.000 người tại các huyện ven biến để tránh bão số 6.

Ở một diễn biến khác, theo Bộ chỉ huy biên phòng Hải Phòng, tại khu vực Vịnh Cát Bà xảy ra tai nạn một tàu chở dầu bị chết máy trôi dạt trên biển. Tàu gặp nạn mang hiệu số HP - 0501 có trọng tải 100 tấn do ông Nguyễn Hoàng Sơn (SN 1975, xã Cao Nhân, huện Thuỷ Nguyên) làm thuyền trưởng đang trên đường chở dầu chạy từ vịnh Cát Bà đi Trân Châu tránh bão, khi đến cửa vịnh Cát Bà tàu bị hỏng máy trôi dạt. Nhận được tin báo đồn BP Cát Bà đã điều động ra hiện trường cứu nạn. Đến 15g30 lực lượng cứu nạn của đồn BP Cát Bà đã phối hợp với thuyền trưởng đưa tầu và toàn bộ 04 thuyền viên tàu bị nạn vào bến Trân Châu an toàn.

Các hồ chứa miền Trung đều an toàn


Các hồ chứa từ Ninh Bình đến Thừa Thiên-Huế hoạt động bình thường và an toàn. Dođang là gần cuối mùa kiệt nên mực nước các hồ chứa ở mức thấp, dung tích hiệntại bình quân đạt 40-50% thiết kế.

Trong tổng số 2.078 hồ chứa, có 72 hồ chứakhông bảo đảm an toàn khi có mưa lũ do bị hư hỏng đập chính, tràn xả lũ hoặccống lấy nước như Yên Quang, Yên Đồng, Đập Trời, Trổ Lưới (Ninh Bình); Đồng Bể,Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); ChaChạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, KheChẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Hương Lể, Trằm Bưởi,Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (ThừaThiên Huế).

Ngoài ra còn có 3 hồ chứa tràn xả lũ cửa vangiữ mực nước cao hơn quy định (nhưng còn thấp hơn thiết kế), gồm sông Sào, KimSơn và Truồi.

Hải Dương online


>> Tiếp tục cập nhật