Nơi thể hiện khí phách của những người tù cộng sản
Tin tức - Ngày đăng : 14:55, 03/09/2013
Sự khốc liệt ở nhà tù, những đòn roi tra tấn dã man của thực dân và sự dũng cảm của những chiến sĩ cộng sản đã được tái hiện qua lời kể của những cựu tù từng bị giam giữ ở nơi này...
Một phần còn lại của di tích Nhà tù Hải Dương nằm trong khuôn viên trụ sở Công an tỉnh
Cụ Hoàng Thị Hoài năm nay đã 86 tuổi (ở 743 đường Lê Thanh Nghị, phường Hải Tân, TP Hải Dương), nguyên là tù chính trị tại Nhà tù Hải Dương từ những năm 50 của thế kỷ trước. Nay cụ Hoài là Trưởng Ban Liên lạc tù chính trị Hải Dương nên có nhiều thông tin và rất am hiểu về những câu chuyện về nhà ngục này. Theo cụ, nhà tù này từng giam cầm các bậc cách mạng tiền bối như Hồng Quang, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Thượng Mẫn, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Mạnh Hoan, Vũ Duy Hiệu... Sau này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan trở thành Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đầu tiên. Vào những năm 40, đồng chí Hoan cùng một số nhân vật đã cắm cờ trên đỉnh tháp nước (tháp này nay nằm trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi tỉnh) và rải truyền đơn khắp thị xã Hải Dương. Trong cuốn "Nhà tù Hải Dương 70 năm dưới chế độ thực dân Pháp 1884 - 1954" của Ban Liên lạc tù chính trị Nhà tù Hải Dương, những dòng hồi ký của đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan đã miêu tả lại những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng ấy.
Cuối năm 1940, trước khí thế cách mạng lên cao, Pháp mở các chiến dịch khủng bố, lùng sục các chiến sĩ cách mạng. Đồng chí Hoan cùng một số đồng chí đã bị giặc bắt ở thôn Vờ (xã Nam Trung, Nam Sách). Lúc này, do có truyền đơn trong người nên đồng chí Hoan bị giải lên phủ Nam Sách rồi lên Sở Mật thám Hải Dương. Ngay tối hôm ấy, Chánh và Phó mật thám đã tra tấn, dỗ dành, mua chuộc, nhưng đồng chí nhất quyết chỉ khai tài liệu nhặt được ở dọc đường mà chưa kịp đọc gì. Hai tháng sau, đồng chí Hoan bị chuyển về Nhà tù Hải Dương và tiếp tục chịu đựng sự tra tấn dã man của kẻ thù. Đồng chí đã lần lượt trải qua nhiều hình thức tra tấn dã man như quỳ trên thước 3 cạnh, đánh điện khô, điện nước, treo "cẳng chó", dùng búa đinh, kìm sắt nung đỏ... Đồng chí bị tra tấn chết đi sống lại hàng chục lần, ngày này qua ngày khác, trận sáng tiếp trận chiều, thân hình sưng húp, bê bết máu nhưng vẫn kiên quyết không khai. Suốt một năm sau ngày bị bắt, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan trải qua bao lần bị tra tấn dã man, đối chứng, nhận diện với kẻ phản bội... nhưng giặc Pháp không khai thác được một chút thông tin nào. Bất lực, đến tháng 11-1941, giặc Pháp mang đồng chí Hoan cùng khoảng 30 người nữa ra xử ở tòa án binh đặc biệt. Đồng chí Hoan bị khép vào tội "âm mưu bạo loạn lật đổ nền bảo hộ của nước Cộng hòa Pháp và khuynh đảo chính phủ hoàng gia Nam triều", bị xử 20 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc.
Trong hồi ký, đồng chí Nguyễn Mạnh Hoan viết: Sau phiên tòa, chúng tôi nặng trên vai những năm tháng tù dài dặc. Nhưng án tù đế quốc nặng bao nhiêu cũng không có nghĩa lý gì. Chỉ tiếc không được tung hoành hoạt động như những đồng chí ở bên ngoài. Sống trong tù nhưng chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, kiên cường, bất khuất, sống để đợi giải phóng.
“Địa ngục trần gian”
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, những ký ức đau thương nhưng ngời ngời dũng khí của cụ Hoài dần dần được khơi gợi. Mặc dù câu chuyện nhiều lần bị ngắt quãng do dòng cảm xúc không thể kìm nén của người kể, nhưng cụm từ “đây cũng là địa ngục trần gian” được cụ Hoài nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bởi theo cụ, những cựu tù chính trị từng bị giam giữ ở Nhà tù Hải Dương, sau đó trải qua các nhà
Đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng ký ức trong những năm tháng bị địch giam cầm ở Nhà tù Hải Dương của cụ Hoàng Thị Hoài vẫn còn nguyên vẹn |
Vào thời điểm thực dân Pháp đàn áp các phong trào đấu tranh trong Nhà tù Hải Dương dã man nhất, Chi bộ 10, gồm 33 đảng viên, do đồng chí Vũ Hồng Vũ, Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội trưởng làm Bí thư được Khu ủy III và Tỉnh ủy Hải Dương công nhận. Chi bộ 10 đã giáo dục anh em tránh bị địch dụ dỗ, đòi cải thiện chế độ ăn ở; bí mật liên hệ để được sự chi viện của Thị ủy và Tỉnh ủy. Các chiến sĩ cộng sản kiên trì đấu tranh, duy trì đường dây trao đổi thông tin, động viên nhau khi bị tra tấn; tiếp tế thông tin cho đồng chí mới bị bắt, động viên để họ không khai báo... Do đó, mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm uy hiếp tinh thần và moi thông tin đều thất bại. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, Chi bộ 10 bị lộ, cụ Hoài cùng 200 đồng chí khác đã bị chuyển đến Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ở đây, cụ và một số đồng chí khác được chi bộ nhà tù tráo số, được chuyển khỏi khu giam giữ tù chính trị.
Gần 1 năm sau, nhiều chiến sĩ, trong đó có cụ Hoài vượt ngục thành công trở về quê hương tiếp tục chiến đấu. Và sau đó không lâu, năm 1954, Hải Dương hoàn toàn giải phóng.
Theo Bảo tàng tỉnh, Nhà tù Hải Dương có chiều dài lịch sử 70 năm, xây dựng từ năm 1884 và đến năm 1954 thì ngừng hoạt động, là nơi giam giữ, khủng bố và đàn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân Hải Dương và các vùng phụ cận. Nhà tù Hải Dương nằm rải rác trong phạm vi từ Công an tỉnh, Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương đến Trường Mầm non Hoa Sứ (đường Điện Biên Phủ). Đến năm 1995, những người làm bảo tàng còn phát hiện ở phòng giam số 1, nơi đồng chí Hồng Quang hy sinh trên tường vẫn còn lá cờ do đồng chí vẽ bằng máu của chính mình. |
TIẾN HUY