Quản lý thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ

Thị trường - Ngày đăng : 08:21, 14/09/2013

Trong khi lượng hàng hóa kém chất lượng xuất hiện nhiều ở nông thôn thì lực lượng quản lý thị trường cấp huyện lại hoạt động kém hiệu quả...



Hàng kém chất lượng ở các huyện còn rất phổ biến song các cơ quan chức năng đang rất lúng túng
 trong xử lý. Ảnh: Lan Anh


Nông thôn là nơi có nhiều hàng hóa kém chất lượng. Trong khi người dân chưa thực sự trở thành những “người tiêu dùng thông minh” thì lực lượng quản lý thị trường cấp huyện còn quá mỏng, hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến việc kiểm soát các loại hàng hóa này gặp nhiều khó khăn.

Nhan nhản hàng kém chất lượng

Các mặt hàng như hạt dưa, hạt hướng dương, đường, mì chính... tại các chợ Đồng Gia (Kim Thành), chợ Cháy (Thanh Hà) và nhiều cửa hàng, đại lý ở các huyện được nhiều chủ cửa hàng mua cả bao về rồi đóng thành gói nhỏ. Những gói hàng này không có tem, nhãn, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, nhưng vẫn thu hút được nhiều người mua do giá rẻ. Chị Nguyễn Thị Hoài ở thị tứ Đồng Gia (Kim Thành) cho biết: “Tôi thường mua mì chính, đường ở chợ vì dùng quen mà giá cả lại hợp lý. Tôi không quan tâm đến tem, nhãn bên ngoài vì khi sử dụng thì chất lượng cũng như những loại có thương hiệu thôi”. Nhiều người phản ánh kem Tràng Tiền bán tại nông thôn hiện nay không phải là kem chính hãng. Không chỉ có một số thực phẩm, hàng dân dụng mới kém chất lượng,  một số mặt hàng có giá trị khác cũng dễ bị làm nhái như bình gas, máy lọc nước, nồi cơm điện… bán với giá rẻ cũng tràn lan ở thị trường nông thôn. Hàng kém chất lượng thường thấy ở những mặt hàng có uy tín, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng như quần, áo, giày, dép, mũ bảo hiểm, máy lọc nước, nồi cơm điện… Ông Trần Văn Hợp ở xã Hợp Đức (Thanh Hà) cho biết: “Tôi mới mua một máy lọc nước i-nốc Kangaroo gần 5 triệu đồng ở một cửa hàng tại thị trấn Thanh Hà hồi tháng 3-2013, nhưng đến nay máy đã bị hoen gỉ, lọc nước kém hơn so với thời gian đầu, không yên tâm dùng”. 

Thực tế cho thấy, việc quản lý các loại hàng này ở nông thôn bị buông lỏng. Sự phối hợp rời rạc giữa các đoàn kiểm tra liên ngành và tâm lý “ham đồ rẻ” của người tiêu dùng đã “tiếp tay” cho hàng giả, kém chất lượng tràn vào thị trường. Và rồi chính người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe, hao tiền tốn của, còn nhà sản xuất chân chính thì bị giảm uy tín.

Nhiều khó khăn


Lực lượng kiểm tra thị trường cấp huyện hiện nay còn mỏng, không được tập huấn kiến thức để phát hiện, xử lý hàng giả. Mặc dù huyện nào cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127), nhưng kinh phí để duy trì hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý hàng kém chất lượng, gian lận thương mại chưa có sự phối hợp giữa các đội quản lý thị trường với cán bộ kiểm tra tại địa phương.

Ngoài ra, cán bộ quản lý thị trường cấp huyện còn kiêm nhiệm công việc chuyên môn khác nên không sát sao kiểm soát thị trường. Hàng hóa bị làm giả, kém chất lượng tập trung vào các mặt hàng dân dụng như dầu gội đầu, giấy vệ sinh, thuốc trừ sâu nên rất khó kiểm soát... Một số doanh nghiệp lại đưa hàng Trung Quốc, không rõ xuất xứ về nông thôn như Công ty TNHH Cường Huyền đưa hàng về huyện Thanh Hà hồi tháng 7 vừa qua. Cấp huyện không có phương tiện kiểm tra, giám định hàng giả. Nhiều mặt hàng nhìn qua cũng có thể phát hiện là hàng kém chất lượng, nhưng phải gửi mẫu đi giám định chất lượng và kết luận là giả mới được thu giữ và tiêu hủy nên rất mất thời gian. Việc truy đến cùng doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất hàng kém chất lượng còn gặp khó khăn vì các đại lý vẫn thường lấy hàng qua nhiều kênh, thông qua nhiều cầu phân phối.

Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Trưởng ban chỉ đạo 127 huyện cho biết: “Mặc dù có nhiệm vụ tương tự như Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh nhưng ở huyện không có lực lượng làm thị trường riêng. Để mở một đợt kiểm tra phải huy động hết các đơn vị liên quan, nhưng cán bộ ở các đơn vị này lại bận công việc chuyên môn nên việc kiểm soát hàng hóa kém chất lượng ở cấp huyện còn hạn chế”.

Theo chúng tôi, để không còn nạn hàng nhái, hàng kém chất lượng, trước hết các doanh nghiệp cần phải vào cuộc tích cực và mạnh mẽ hơn để bảo vệ thương hiệu sản phẩm và quyền lợi của mình. Khi phát hiện sản phẩm của mình có dấu hiệu bị cơ sở khác làm nhái, các doanh nghiệp phải khẩn trương gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, khi đi mua hàng cần lựa chọn thông minh,  có ý thức bài trừ hàng giả, hàng kém chất lượng. Ông Bùi Thế Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) cũng cho biết: “Hàng giả, hàng nhái còn phổ biến trên thị trường là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường tỉnh làm thì không thể kiểm soát được hết các mặt hàng ở huyện. Để hạn chế tình trạng này, Ban Chỉ đạo 127 cấp huyện cũng phải tăng cường kiểm tra, quản lý hàng hóa. Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ cũng cần tăng cường tập huấn kiến thức nhận biết hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cho cán bộ làm công tác này ở cấp huyện. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

 PV