Hòn đá mốc
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:09, 17/09/2013
Minh họa: Văn Hà
Đợi chờ mãi, rậm rịch mãi cuối cùng tỉnh lộ đi qua xóm bãi giữa hai làng Cồn và làng Vụng cũng được thi công. Con đường rẽ từ quốc lộ về đến đây lại khéo léo lượn qua giáp ranh hai làng thành ra công tác đền bù cũng nhanh chóng và đỡ tốn kém. Đường như thế là hơi bị cong, nền đường yếu, thi công gặp nhiều khó khăn nhưng suy đi tính lại thì phương án đi như vậy vẫn là tối ưu nhất.
Nơi đây vốn là một vùng đất bãi rộng chia cắt hai xóm vừa sâu vừa xa nhất của hai làng. Dần dần vì người đông đất chật, người ta cứ lấn ra mãi nên bây giờ xóm bãi Vụng và xóm bãi Cồn gần như đã nhập vào làm một. Lúc đầu là vượt đất làm vườn, làm ao, khi đã ổn định thì xây dựng nhà cửa thành những cơ ngơi hoàn chỉnh. Ngày xưa đất đâu có quý như bây giờ, ai làm được bao nhiêu thỏa sức. Đến khi có chính sách về đất đai, toàn bộ dân ở đây đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành ra đất thổ cư của gia đình nào cũng rất rộng. Rộng thì rộng thế thôi chứ ở cái vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn chả ai muốn đến ở nên đất rẻ như bèo. Trồng trọt chăn nuôi thì thuận lợi đấy nhưng giá cả lại bấp bênh nên kinh tế của người dân xóm bãi chả dư dật gì.
Đùng một cái có con đường đi qua, chính sách đền bù lại rất thỏa đáng nên nhân dân giao mặt bằng cho chủ đầu tư khá nhanh chóng. Người xóm bãi tự nhiên rủng rỉnh tiền. Lác đác đã có những vị khách từ thành phố về hỏi mua đất, giá cao hẳn hoi nhưng dân xóm bãi chưa nhà nào bán, chỉ sợ bị hớ. Khách mua đất nháy nhau: Chưa mua được đâu, tiền đền bù họ còn nhiều, phải chờ đến khi họ xây nhà, mua xe, ăn nhậu... vơi đi thì mới dễ mặc cả.
Lão Chành là người còn lại nhiều đất nhất, có đến gần bốn chục mét mặt đường, kể ra lão cắt vài lô đem bán thì nhà lão sẽ lên hương ngay. Nhưng lão tính nát nước ra rồi, phải mở hàng quán buôn bán mới được, trước mắt là phục vụ cho công nhân làm đường, khi làm đường xong thì bán cho khách thập phương, trời cho cơ hội mà không biết làm ăn là hỏng. Thế là cái quán dịch vụ tổng hợp ra đời với dăm bộ bàn ghế nhựa, vài ba bom bia hơi, kẹo bánh, chè thuốc đủ cả.
Khi san lấp mặt bằng, vừa qua nhà lão Chành một đoạn cái gầu máy xúc va vào một vật gì rất cứng dưới mặt đất. Người ta xúm lại đào bới lộ ra một phần hòn đá. Lão Chành có mặt ngay, đấy chỉ là phần đầu của cái cột đá, mà không biết nó sâu bao nhiêu, xử lý thế nào, đành dừng lại để xin ý kiến cấp trên. Lão Chành lẳng lặng ra về, cái cột đá ấy lão có lạ gì. Ngày bé lão còn thấy nó nhô lên mặt đất độ một gang tay, dần dần nó bị lấp đi lúc nào không ai nhớ nữa. Theo lời kể của người thân sinh ra lão thì đất nhà lão ở cạnh một cái gò cao giữa bãi. Ngày xưa khu bãi rộng thế mà chỉ cấy được mỗi thứ lúa "mỏ vịt" gạo vừa đỏ vừa cứng, năng suất lại thấp, nhưng được cái nước cao đến đâu lúa lại ngoi đến đấy nên còn gọi là "lúa ngoi". Bù lại khu bãi này lại rất sẵn tôm cá. Dân xóm bãi nhà nào cũng có đìa cá, cũng thông thạo cất vó, đánh dậm, thả lờ... Bố lão Chành còn có cả một cái vó bè, vừa uống rượu, vừa ngắm trăng, ngâm thơ mà đêm nào cũng được hàng giỏ cá đầy. Vui nhất là những đêm mùa rươi, cả bãi đèn sáng như sao, những người đi lấy rươi gọi nhau í ới trên mặt nước. Dân hai xóm đến với nhau toàn đi thuyền, nước to thì băng đồng, nước cạn thì theo những con ngòi ngoằn ngoèo như vẽ.
Chính vì cái lợi ích ấy mà đã xảy ra tranh giành, kiện cáo đến phủ, đến huyện. Cuối cùng, tri phủ huyện Thanh quyết định chọn cái gò đất cao nhất bãi làm ranh giới chia đôi hai xóm, người ta chôn ở đấy một cột đá gọi là "Hòn đá mốc".
Cái chuyện đền bù thỏa đáng chả biết thế nào lại được những cái mồm hay buôn chuyện liên hệ ngay vào hòn đá mốc. Nào là có thể đấy là một di sản văn hoá, có khi phải mời Hội Sử học về hội thảo và muốn di dời thì phải có kinh phí. Nào là có thể đấy là điểm tụ khí của xóm nên muốn di dời thì phải xin phép thần linh, cúng bái lễ lạt tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.
Thế là ngay sáng hôm sau, người ta thấy xung quanh hòn đá đã có sẵn vàng hương, tiền âm phủ cũng có, tiền thật cũng có rải rác trên mặt đất. Dân xóm bãi cử người canh chừng, phải thay nhau không được để hương lạnh khói tàn. Lại phải cắt cử người bảo vệ, nhà nào cũng phải có nghĩa vụ với làng, xóm. Phải sẵn sàng đấu tranh, không cho di chuyển hòn đá. Muốn di chuyển phải có kinh phí đền bù xứng đáng, lại còn tiền mời thầy cao tay về cúng bái, xin âm dương cẩn thận. Một thành mười, mười thành trăm, loáng một cái đã thành to chuyện. Toàn những chuyện buồn cười, bịa đặt. Nào là có người đã tận mắt nhìn thấy rõ mồn một, quầng lửa to như cái bát bay lên từ hòn đá mốc vút về phía đông, lại có người nghe thấy không biết mấy lần tiếng vọng u u cất lên từ hòn đá giữa đêm thanh vắng. Nhà lão Chành ngay sát đấy, lão còn lạ gì. Lão nhớ lại ngày xưa có lần mải chơi lão vấp vào hòn đá mốc bị sứt đầu mẻ trán, mọi người đồn ầm lên là hòn đá ấy linh thiêng, chạm vào nên bị thánh phạt. Lại có tin người làng Vụng sang lấy rươi ở đất làng Cồn cả đêm chả được một con nào còn bị lật thuyền suýt chết đuối. Nghe thế ai cũng xanh mắt, riêng bố lão vẫn thủng thẳng.
- Chạy nghịch như quỷ sứ, cứ tớn mắt lên thì vấp ngã là cái chắc. Đi lấy rươi mà buộc săm không cẩn thận thì không có con nào là phải, lại còn cãi chửi nhau, xô đẩy nhau trên thuyền thì không bị chết đuối cũng còn là may. Thánh nào lại nỡ làm hại những người dân nghèo đói vô sư vô sách như thế.
Không biết có ai hiểu rõ ngọn ngành như lão không? Lão biết mà không dám nói, nói ra thời điểm này chắc gì đã có ai tin không khéo lại mang vạ, thôi thì mặc kệ. Kiếm được đồng nào cho xóm hay đồng ấy, cái nhà văn hoá đang xây hình như kinh phí vẫn còn thiếu thì phải.
Hòn đá mốc chỉ nằm sát đường kể ra bỏ đi thì thi công dễ dàng hơn nhưng dân không cho thì cứ để đấy, công việc vẫn tiến triển bình thường. Vàng hương cúng bái cũng thưa dần, đám người được cử ra canh giữ lúc đầu cũng hăng hái lắm nhưng rồi dần dà ra cho lấy lệ, toàn tụ tập ở quán lão Chành trà lá, cờ bài inh ỏi suốt đêm. Hòn đá có ai ăn mất mà phải trông, biết đâu phải có xe cẩu mới nhấc lên được, thôi thì cứ ra cho đủ mặt.
Quán lão Chành lúc đầu bán hàng cũng được. Cốc bia hơi, gói lạc rang, ấm chè, bao thuốc... Dân xóm chưa quen, rặt là những người chủ thầu thuê đến làm đường. Tuy nhiên, mua hàng trả tiền chỉ sòng phẳng lúc đầu, quen rồi thì ghi nợ, cuối tháng có lương thì thanh toán, thế cũng ổn. Nào ngờ, vài tháng sau đã có sự nợ nần dai dẳng. Riết rồi lão Chành đành phải lên tiếng:
- Nhà vốn ít, các chú thông cảm thanh toán dùm ít nào hay ít ấy, chứ cái cảnh "khố son bòn khố nâu" thế này mãi anh "sập tiệm" mất.
Một người lớn tuổi nhất trong đám làm đường nhỏ nhẹ:
- Đến nước này chúng tôi cũng phải nói thật với bác, đã mấy tháng nay chủ đầu tư chưa có tiền cho nhà thầu, nhà thầu chưa có lương cho công nhân, thành thử chúng tôi không có tiền thanh toán cho bác, vẫn nợ bác mà lại không đến mua hàng cho bác thì nghĩ nó cũng kỳ,vì thế chúng tôi khó xử quá. Cũng là dân "khố nâu" cả với nhau thôi. Nhà thầu thuê làm ngày nào biết ngày ấy, hết việc lại về theo đít trâu chứ có phải công nhân công nhiếc gì đâu. Nếu tình cảnh này kéo dài, chúng tôi đành phải tạt về nhà xem có cái gì bán được kiếm lấy tiền sang thanh toán cho bác, gặp nhau suốt ngày chúng tôi cũng ngượng lắm chứ.
- Thế thì tội thật. Đi làm đã không có đồng nào mang về cho vợ con lại còn vét của nhà đi thì còn ra cái thể thống gì. Kinh tế thế giới suy thoái, chắc đất nước mình cũng thế nên tiền cho dự án làm đường mới chậm. Thôi thì mỗi cấp chịu một ít, các chú cứ yên tâm không có gì phải suy nghĩ.
Lão Chành hôm ấy thức khuya hơn mọi ngày, chiếc điếu cày thỉnh thoảng lại rít lên sòng sọc. Lão nghĩ mông lung lắm, cái xóm bãi này từ bao đời không mọc mũi sủi tăm lên được là do đường sá giao thông khó khăn. Nay người ta đến làm đường lợi ích chung thì đã rõ rồi, dân xóm bãi cũng nhờ đó mà mở mày mở mặt ra với thiên hạ, thế mà sao mình đối xử vẫn có cái gì chưa ổn. Những chuyện bịa đặt xoay quanh hòn đá mốc chẳng qua là muốn kiếm chút tiền cho xóm bãi nhưng chả có mặt mũi nào lại kiếm tiền như thế, kinh phí làm đường cũng đang còn khó khăn lắm, phải đền bù cho những chỗ xứng đáng, không thể đòi tiền theo kiểu ăn vạ như thế được. Hòn đá ấy có ai dùng làm mốc nữa đâu, người ta quên hẳn từ lâu rồi. Nếu cần mốc giới bây giờ sẽ là cả một con đường rộng dài đẹp đẽ thuận lợi biết chừng nào.
Ngày mai lão sẽ nói tất cả những gì lão biết về hòn đá mốc cho mọi người cùng hiểu. Ngày xưa các cụ xúm tay vào đưa được nó về đây thì bây giờ mọi người lại xúm tay vào đưa nó ra, có khó khăn gì, được như thế việc thi công con đường cũng dễ dàng đôi chút. Có gì mà phải ầm ĩ đến thế, trước sau gì nó cũng chỉ là hòn đá mốc.
Truyện ngắn của NGUYỄN PHÚ NINH