Chùa Hương Hải

Di tích - Ngày đăng : 16:00, 17/09/2013

Chùa Hương Hải thuộc thôn Tiền Hải, xã Ái Quốc (TP Hải Dương) là nơi thờ Phật và Pháp Loa - đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.



Chùa Hương Hải được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh


Vào thời Nguyễn, Tiền Hải là một thôn thuộc xã Tiền Trung, tổng An Điền, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Tổng An Điền gồm các xã: Tiền Trung, Đồng Tháp, Ninh Quan và Ngọc Trì. Tổng Vũ La gồm các xã: Cúc Phương, Đại Phương, Nhân Nghĩa, Phú Lương, Đồng Ngọ, Vũ La, Vũ Thượng, Vũ Xá và Văn Xá.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện sắc lệnh của Chính phủ cách mạng lâm thời về việc thay đổi đơn vị hành chính cấp làng (xã), tổng và phủ để thành lập xã mới, các xã thuộc hai tổng trên chuyển thành thôn và được chia thành ba xã: Hợp Hòa, Ái Quốc và Tiên Long. Năm 1947, ba xã Hợp Hòa, Ái Quốc và Tiên Long hợp nhất thành xã Ái Quốc. Sau cải cách ruộng đất năm 1956, để thuận tiện cho việc quản lý, xã Ái Quốc được chia làm hai xã mới là Ái Quốc và Nam Đồng. Tháng 7-2008, xã Ái Quốc được cắt về TP Hải Dương.

Căn cứ vào bản ghi chép bia ký và lưu truyền trong nhân dân, chùa Hương Hải có nguồn gốc từ thời Trần, là một công trình kiến trúc lớn, khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, ba mặt được bao bọc bởi sông và hào nước, tách biệt với khu dân cư, muốn vào di tích phải đi bằng những con ghe nhỏ. Nhìn từ xa, khu di tích giống như một hòn đảo nhỏ, ẩn dưới những tán cây cổ thụ là các công trình kiến trúc cổ kính nối tiếp nhau. Ngôi chùa chính có kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ như nhà tổ, nhà tăng, vườn tháp, tam quan... do vị sư tổ đệ nhị Pháp Loa - thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xây dựng, trụ trì và tu hành. Pháp Loa nguyên là Đông Kiên Cương, sinh vào giờ mão ngày 7-5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284), tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, giang Nam Sách. Ông mất năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330). Cuộc đời của Pháp Loa không dài nhưng đã làm nên sự nghiệp lớn. Ông đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc với hơn 30 người, nuôi dạy 15 nghìn tăng ni, đúc trên 1.300 pho tượng lớn, nhỏ; xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện Nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này đều trở thành di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và dành nhiều thời gian thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lên đỉnh cao. Vì vậy, từ xưa đến nay, chùa Hương Hải vẫn truyền lệ kỷ niệm ngày mất của Pháp Loa vào ngày mùng 3-3 âm lịch thu hút đông đảo các tăng ni, phật tử và khách thập phương đến dự. Trong lễ hội này, ngoài nghi thức lễ, còn tổ chức các trò chơi dân gian như đi cầu thùm, bắt vịt, kéo co, đập niêu, múa rối nước, đua thuyền... thể hiện được nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của quê hương Ái Quốc.

Chùa Hương Hải còn là cơ sở hoạt động của bộ đội và du kích địa phương. Đồng thời cũng là địa điểm phát chẩn cứu đói cho hàng chục nghìn người vào năm Ất Dậu 1945.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi chùa cổ xưa không còn lưu giữ được. Năm 1947, thực dân Pháp đóng bốt và phá huỷ toàn bộ ngôi chùa. Năm 1949, nhân dân địa phương rước tượng Pháp Loa, di chuyển tháp, bia ký về chùa thôn Văn Xá (tên chữ là Phúc Thắng) thờ tự (cách chùa Hương Hải khoảng 2 km). Năm 2002, thể theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương đã khôi phục chùa Hương Hải trên nền đất cũ. Hiện nay, di tích có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, xây kiểu bít đốc thu hồi, chất liệu chủ yếu bằng bê-tông cốt thép.

Nhà tiền đường dài 8,4m, rộng 5,67m xây bít đốc, phía trước có hai cột trụ biểu, bờ nóc đắp biển tự với ba chữ Hán "Hương Hải tự" nghĩa là chùa Hương Hải. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu gồm hai vì kèo kiểu giá chiêng, gác tường, trốn cột. Hậu cung dài 4,65m, rộng 3,6m, được kiến tạo giống với vì kèo tòa tiền đường.

Ngày 7-2-2013, chùa Hương Hải được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

ĐẶNG THU THƠM