Tìm hiểu các kết luận, nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI)

Tin tức - Ngày đăng : 05:10, 18/09/2013

Câu hỏi. Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá như thế nào về việc tham gia, góp ý của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và chỉ đạo việc tiếp tục góp ý, hoàn thiện bản dự thảo như thế nào?


Trả lời: Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghe, thảo luận về việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trên cơ sở đó, chỉ đạo, định hướng các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên tiếp tục nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và Quốc hội để hoàn thiện bản dự thảo:

- Các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến hợp lý của nhân dân để góp phần hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

- Trong quá trình hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp năm 1992, cần bám sát quan điểm, định hướng của Đảng được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011), các văn kiện của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, về những quan điểm cơ bản, định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là đối với những vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc, liên quan đến bản chất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bộ máy nhà nước, an ninh, quốc phòng.

Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng nêu lên lập trường của Trung ương đối với một số nội dung cụ thể như:

- Về Lời nói đầu: Kế thừa những nội dung cơ bản trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992, biên tập lại cho ngắn gọn và súc tích hơn; bảo đảm thể hiện được quá trình lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng, Nhà nước và nền tảng tư tưởng, mục tiêu, chủ thể xây dựng, thi hành, bảo vệ Hiến pháp.

- Về tên nước: Tiếp tục giữ tên nước là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

- Về bản chất của Nhà nước: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

- Về Đảng Cộng sản Việt Nam: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.

- Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội: Khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; cần có quy định về vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Công đoàn và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); về cách thức, mức độ thể hiện về Công đoàn nên tiếp tục thảo luận để lựa chọn một trong hai phương án: có hoặc không cần có một điều quy định riêng về Công đoàn.

+ Phương án 1: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

+ Phương án 2: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

+ Phương án 3: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

- Về sở hữu đất đai và thu hồi đất: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

- Về lực lượng vũ trang: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện trách nhiệm quốc tế.

- Về thẩm quyền quyết định, phê chuẩn ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương: Đồng ý có thể lựa chọn một trong hai phương án:

+ Phương án 1: Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

+ Phương án 2: Quốc hội quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

- Về thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Đồng ý có thể lựa chọn một trong hai phương án:

+ Phương án 1: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

+ Phương án 2: Chính phủ có thẩm quyền quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Về tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân: Án lệ là vấn đề mới, chưa được nghiên cứu kỹ, nên không quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tiếp tục nghiên cứu, nếu thấy phù hợp thì quy định trong luật. Viện kiểm sát nhân dân có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

- Về chính quyền địa phương: Đồng ý có thể chọn một trong hai phương án:

+ Phương án 1: Giữ quy định về đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành. Quy định khái quát về tổ chức chính quyền địa phương; việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định.

+ Phương án 2: Giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.

- Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp: Tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.

- Về mô hình tổ chức cơ quan bảo vệ Hiến pháp:

Có thể lựa chọn một trong hai phương án:

+ Phương án 1: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

+ Phương án 2: Thành lập Hội đồng Hiến pháp, nhưng không giao thẩm quyền kết luận về tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và thẩm quyền giải quyết khiếu nại về Hiến pháp.

- Về việc sửa đổi Hiến pháp: Xây dựng quy trình sửa đổi Hiến pháp bảo đảm kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội với quyền của nhân dân; Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định (như Dự thảo đã công bố).

Câu hỏi: Trình bày ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020?

Trả lời:

- Tiếp tục thực hiện các nghị quyết, kết luận của các hội nghị Trung ương về vấn đề này:

+ Tiếp tục quán triệt và kiên trì thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu và định hướng về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công đã ghi trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) và các Kết luận Hội nghị Trung ương 8 (khóa IX), Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI).

+ Thống nhất nhận thức trong Đảng, trong xã hội và có quyết tâm chính trị cao trong việc ban hành và thực hiện chính sách, nhất là việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương của khu vực sự nghiệp công lập phù hợp với kinh tế thị trường.

- Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị trình Trung ương vấn đề này thành ba Đề án:

+ Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

+ Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

+ Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Khi nghiên cứu xây dựng các đề án, cần chú ý mối quan hệ và tương quan về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp của các đối tượng trong các đề án và phải theo lộ trình hợp lý, khi có đủ điều kiện bảo đảm để thực hiện.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)