Mẹ - Nỗi nhớ, niềm thương

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:22, 02/10/2013

Mẹ là người sinh thành và nuôi dưỡng ta khôn lớn, trưởng thành. Mẹ còn là người phụ nữ giàu lòng vị tha, bao dung và trắc ẩn. Chính vì thế thơ viết về mẹ, người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, tần tảo, chịu thương, chịu khó, thương chồng, thương con luôn là mạch nguồn cảm hứng bất tận cho nhà thơ viết lên những vần thơ đẹp, để lại niềm xúc động trong lòng bạn đọc. “Mẹ” của Đàm Chu Văn là một trong những bài thơ có sức lay động lòng người sâu xa, được nhiều bạn đọc trong cả nước biết đến.

“Mẹ” được viết ra từ những ký ức, từ chính nỗi nhớ của tác giả về người mẹ kính yêu của mình. Một nỗi nhớ thật mênh mông, song cũng thật cụ thể với một tình cảm thành kính bởi giờ đây:

 “Mẹ đã khuất vào cỏ xanh/khuất vào thời gian xa tắp/khuất vào cánh cò cánh vạc/khuất vào mom sông cuối bãi/khuất vào cối xay cối giã/khuất vào nong nia thúng mủng giần sàng”.

Nhà thơ đã chọn những hình ảnh gắn liền với hình bóng mẹ yêu. Đó là những vật dụng rất đỗi gần gũi với người phụ nữ xưa, những hình ảnh dung dị gợi cho người đọc liên tưởng đến người phụ nữ tảo tần, lam lũ  trong những áng ca dao có từ bao đời. Ca dao xưa khi ca ngợi về vẻ đẹp, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam cũng thường ví với hình ảnh con cò: “Cái cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Hay như Trần Tế Xương cũng có những câu thơ ngợi ca, biết ơn người vợ thảo hiền, đảm đang, lo toan:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng/Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

“Mẹ” của Đàm Chu Văn là một người phụ nữ của thôn quê, ruộng đồng quanh năm vất vả làm lụng hôm sớm. Những câu thơ giàu sức biểu cảm đã tạc được cái dáng hình cao đẹp, lặng lẽ, nặng tình yêu thương của mẹ với “những giọt mồ hôi rơi trên vầng trán mẹ, đẫm lưng áo mẹ”. Đặc biệt, các từ “khuất vào” được lặp đi lặp lại nhằm mục đích liệt kê, nhấn mạnh những hình ảnh trong cuộc sống, về quãng thời gian “đêm sương ngày nắng” mà mẹ đã trải qua. Cái quá khứ vất vả gian lao của mẹ như ngọn lửa hồng làm ấm lòng con, nâng mỗi bước con đi trên đường đời: “Sao mỗi lần nhớ mẹ/con lại nhớ về mồ hôi/nhớ về đêm sương ngày nắng/ nhớ ánh mắt buồn của mẹ/ mà không nhớ nổi tiếng cười”.

Nếu như với Nguyễn Duy “Nhìn về quê mẹ xa xăm/ Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa”, thì với Đàm Chu Văn “mỗi khi nhớ về mẹ mình vẫn khóc”.

Câu hỏi “Bây giờ đọng ở nơi đâu?” chính là nỗi đau dồn nén, là những giọt nước mắt khóc mẹ, giằng xé tâm can của tác giả tạo sự thảng thốt, chơi vơi, sự xúc động mãnh liệt nơi người đọc. Cả đời mẹ vất vả ngược xuôi “một nắng, hai sương” nuôi con khôn lớn nhưng đến khi người con ấy trưởng thành thì mẹ lại đi xa. Mẹ đã ra đi mà nghe như mẹ vẫn còn ở đâu đây thôi, ngỡ như mẹ vẫn đang hướng mắt dõi theo ta. Khi đã “sắp thành người đàn ông năm mươi tuổi/ mang nặng buồn vui của quá nửa đời người” nhà thơ vẫn có cảm giác như mình còn bé nhỏ mỗi lần nhớ về mẹ yêu...

Ký ức về mẹ luôn bền lâu theo năm tháng đời người. Có thể thấy nhà thơ đã làm bài thơ này cốt để giãi bày lòng mình. Vì đó là những câu thơ viết về người mẹ của mình với những gì gần gũi, thân yêu nhất. Bài thơ cũng là tiếng lòng thiết tha biết ơn đức hy sinh cao cả của người mẹ, thể hiện nỗi nhớ, niềm thương của mọi người con khi nhớ về người mẹ kính yêu của mình.

VŨ THỊ THANH HÒA


                        Mẹ


Mẹ đã khuất vào cỏ xanh
khuất vào thời gian xa tắp
khuất vào cánh cò cánh vạc
khuất vào mom sông cuối bãi
khuất vào cối xay cối giã
khuất vào nong nia thúng mủng giần sàng
những giọt mồ hôi rơi trên vầng trán mẹ,
đẫm lưng áo mẹ
bây giờ đọng ở nơi đâu?
sao mỗi lần nhớ mẹ
con lại nhớ về mồ hôi
nhớ về đêm sương ngày nắng
nhớ ánh mắt buồn của mẹ
mà không nhớ nổi tiếng cười

Mẹ ơi!
con sắp thành người đàn ông năm mươi tuổi
mang nặng buồn vui của quá nửa đời người
thế mà mỗi khi nhớ về mẹ mình vẫn khóc.
17-6-2006

ĐÀM CHU VĂN