Sa Pa trong tôi
Du lịch - Ngày đăng : 19:30, 15/10/2013
Sa Pa huyền ảo. Ảnh: Tiến Huy
Dãy Hoàng Liên xanh ngăn ngắt ẩn hiện trong mây như vòng tay lực sĩ của người cha dang ra đón đứa con xa nhà lâu ngày mới có dịp trở về thăm quê hương.
Ngày 23-8-2013, tôi lên Sa Pa cùng anh em hội viên dự trại viết do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức. Đoàn gồm 20 thành viên của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước về dự trại. Nhiều người lần đầu đặt chân tới Sa Pa nên không giấu được vẻ háo hức. Trời như chiều lòng người nên hôm khai mạc hửng nắng, mọi người xuýt xoa trầm trồ trước vẻ tráng lệ của trời mây, non nước nơi đây. Ngoài thời gian dành cho chuyên môn, cả đoàn không bỏ lỡ dịp may đi thăm những danh lam thắng cảnh của Sa Pa. Đặc biệt những thành viên ở các tỉnh phía Nam luôn xông xáo tìm hiểu, khám phá vùng đất tuyệt đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc này.
Đây thung lũng Mường Hoa dài rộng và trù phú nhất Sa Pa với những thửa ruộng bậc thang đang xanh mướt mát, những ngôi nhà thấp thoáng trên sườn núi ẩn hiện trong sương mang một vẻ bình yên và thơ mộng. Hôm đi thăm bãi đá cổ, trời mưa phùn nhưng cả những thành viên cao tuổi nhất cũng không bỏ cuộc. Đặt tay lên tảng đá cổ với những hình vẽ và ký tự vừa lạ vừa quen, mỗi người đều như cảm nhận được tiền nhân đã gửi gắm điều gì cho muôn đời con cháu. Bản của người Mông nơi có dòng suối Vàng và dòng thác Tiên Sa thơ mộng, thấp thoáng sau màn nước ngời lên bảy sắc cầu vồng trong nắng như xiêm y của những nàng tiên trong vũ điệu nghê thường. Nghề rèn của người Mông ở đây có từ bao giờ, người già không nhớ được, chỉ biết rằng, con dao, cái cuốc... do những nghệ nhân dân gian ở đây tỉ mỉ rèn và tôi theo một công nghệ bí truyền cứ bền mãi cùng năm tháng.
Bên thác Tiên Sa, những quán ăn bình dân lại thu hút được nhiều du khách bởi phong cách ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt quán của đôi vợ chồng Dương Thiên Tân có rất nhiều du khách quốc tế. Tò mò tôi hỏi, thì ra trong một cuốn sách về du lịch xuất bản ở nước ngoài đã dành cho những món ăn cùng phong cách phục vụ của đôi vợ chồng trẻ này những lời trọng thị. Hữu xạ tự nhiên hương, du khách đã đến Cát Cát sau khi chụp ảnh lưu niệm bên thác Tiên Sa, thưởng thức những điệu dân ca, dân vũ của bà con dân tộc Sa Pa, bao giờ cũng không bỏ lỡ dịp may thưởng thức những món nướng nhâm nhi cùng hương vị rượu táo mèo của đôi vợ chồng trẻ này. Khi ra về, du khách vẫn lưu luyến mãi hương vị của những món ăn dân dã, thơm ngon, lạ miệng và nụ cười rạng rỡ, thân thiện của vợ chồng Dương Thiên Tân. Nhớ lại hình ảnh những em nhỏ, những người mẹ trẻ địu con cùng nhiều người dân các dân tộc ở những địa điểm du lịch đội mưa đeo bám nài nỉ du khách mua cho mình một món quà lưu niệm, hay chìa tay xin tiền du khách, chúng tôi tiếc nuối bảo nhau: Thế mới biết du lịch thân thiện và bền vững quan trọng tới mức nào.
Hôm đến thăm Thác Bạc đã để lại cho đoàn chúng tôi nhiều ấn tượng khó phai. Từ trên cao 150 m dòng Thác Bạc đổ xuống tung bọt trắng xóa, thầm lặng mang trong mình những phù sa của núi non đổ vào dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ, nhập vào suối Mường Hoa, góp phần bồi đắp nên châu thổ sông Hồng màu mỡ, rồi đổ ra Biển Đông bồi thêm cho Hoàng Sa, Trường Sa ngày càng cao rộng. Chúng tôi đi thăm nhiều nơi, nhiều thắng cảnh trời cho của Sa Pa nhưng ấn tượng nhất là ngày lên thăm núi Hàm Rồng. Sương giăng lúc ẩn lúc hiện, núi non hùng vĩ lô nhô, những tảng đá trầm tư sát bên nhau như đang thầm thì điều gì, những giò lan đặc hữu khoe sắc đua hương, tiếng hát, tiếng khèn trong ngôi nhà sàn văn hóa gọi mời da diết. Từ Cầu Mây, trên độ cao 1.800 m so với mực nước biển, chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác giao hòa giữa đất với trời gần gũi đến vậy. Hàm Rồng như phập phồng hơi thở trong sương. Tiến sĩ Trương Thông Tuần, giảng viên của Trường Đại học Tây Nguyên không giấu được cảm xúc của mình: “Đẹp quá trời anh hai ơi!” Còn tôi tự hỏi: trên khắp mọi miền núi cao của đất Việt thân yêu có bao nhiêu địa danh mang tên Rồng. Phải chăng thuở xưa khi những người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng khai phá đất đai mở nước, nhìn về phía Biển Đông hướng mặt trời lên, nhớ cha rồi đặt tên người cho những vùng đất thiêng liêng ấy đánh dấu cương vực của nước và cho vơi nỗi nhớ đồng bào?
Đêm chợ tình, tiếng khèn da diết những lời yêu hòa cùng tiếng đàn môi thầm thì say đắm như trong cõi mộng. Trước khu nhà thờ đá cổ kính đang gấp rút xây dựng một sân khấu hoành tráng, Sa Pa đang làm hết sức mình chuẩn bị Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa.
Tạm biệt Sa Pa, chúng tôi bùi ngùi xúc động, phong cảnh thơ mộng trời cho cùng tiểu vùng khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới tuyệt vời hằng năm thu hút rất nhiều du khách, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Nhưng giá như cảnh quan, không gian văn hóa được giữ gìn, người dân được giáo dục về du lịch thân thiện và bền vững tốt hơn thì lượng khách chắc sẽ thu hút được nhiều hơn nữa và cuộc sống của những người dân nơi đây cũng sẽ khởi sắc hơn nhiều.
TRẦN VÂN HẠC
Nằm ở vùng Tây Bắc, thị trấn Sa Pa ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, cách TP Lào Cai 38 km và 376 km tính từ Hà Nội. Ngoài con đường chính từ TP Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Lai Châu. Mặc dù phần lớn cư dân huyện Sa Pa là những người dân tộc thiểu số, nhưng thị trấn lại tập trung chủ yếu người Kinh sinh sống bằng nông nghiệp và dịch vụ du lịch. Sa Pa có khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm. Thời tiết ở thị trấn một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng là tiết trời mùa xuân, buổi trưa tiết trời như vào hạ, thường có nắng nhẹ, khí hậu dịu mát, buổi chiều mây và sương rơi xuống tạo cảm giác lành lạnh như trời thu và ban đêm là cái rét của mùa đông. Nhiệt độ trung bình năm của Sa Pa là 15 độ C. Mùa hè nhiệt độ khoảng 13-15 độ C vào ban đêm và 20 - 25 độ C vào ban ngày. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0 độ C, đôi khi có tuyết rơi. Lượng mưa trung bình hằng năm ở đây khoảng từ 1.800 - 2.200 mm, tập trung nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 5 tới tháng 8. |