Kỳ công truyền dạy nghệ thuật ca trù

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 07:12, 21/10/2013

Ca trù là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, có tính bác học nên để đến với nghệ thuật này đòi hỏi người nghệ sĩ phải dày công tập luyện.


Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ thuật biểu diễn ca trù cho các thành viên
của các câu lạc bộ ca trù trong tỉnh


Công phu luyện tập

Trong một tiết mục ca trù luôn có 3 người: đánh trống chầu, kép đàn và ca nương. Để biểu diễn một tiết mục hay, hấp dẫn, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, sự khổ luyện của mỗi thành viên. Từ trước đến nay, việc truyền dạy ca trù đều bằng cách truyền khẩu, hầu như không có giáo trình, tài liệu về dạy cách đánh đàn đáy, cầm chầu, hát, múa nên rất khó khăn đối với người học. Là người đánh trống chầu có tiếng của tỉnh, anh Phạm Hồng Hải, Trưởng bộ môn ca trù (Trung tâm Văn hóa tỉnh) cho biết: Người cầm chầu là người cầm trịch, dẫn dắt nhịp độ của bài hát, đồng thời là giám khảo đánh giá kỹ thuật biểu diễn của kép đàn và ca nương. Để đánh được những tiếng trống thưởng, phạt chuẩn xác, người cầm chầu phải có "tai" âm nhạc, am hiểu cả đàn, phách, lời hát và kỹ thuật hát. Do đó, ngoài học đánh trống chầu, anh Hải phải dành nhiều thời gian để học đàn, học lời ca. Kỹ thuật đánh trống chầu rất công phu. Roi chầu phải chọn được cây song rừng vì nó vừa cứng vừa dẻo. Khi đánh, nghệ sĩ phải cầm chắc roi chầu, cổ tay dẻo, roi chầu phải tạo được một góc khoảng 15 độ so với mặt trống. Điểm tiếp từ thành trống đến đầu roi dài khoảng 10 cm để khi đánh đầu roi bật xuống mặt trống. Nếu đánh cả đoạn roi chầu, tiếng sẽ bẹt, không vang. Đây là một trong những kỹ thuật khó nhất của người cầm chầu. Đánh tiếng "cắc", động tác phải dứt khoát, tay vút lên để tạo âm chắc, vang. Người đánh đúng kỹ thuật sẽ có tiếng trống nghe sang, vang. Người cầm chầu phải tạo được dáng vẻ uy nghi, nghiêm nghị nhưng vẫn toát lên vẻ phóng khoáng. Cái khó nữa là việc cầm chầu không bài nào giống bài nào, cũng cùng một bài hát nhưng mỗi hôm cầm một kiểu, phụ thuộc vào diễn biến tâm lý, kỹ thuật của người đàn, người hát.

Là người chơi đàn đáy tương đối thuần thục nhưng hiện nay, nghệ sĩ Phạm Ngọc Cuông (Câu lạc bộ Ca trù Trung tâm Văn hóa tỉnh) vẫn không ngừng luyện tập để tiếng đàn ngày càng trau chuốt, nhuần nhuyễn hơn. Để chơi được đàn, anh Cuông phải tập từ tư thế ngồi, cách cầm đàn. Người đánh đàn ngồi vắt chân chữ "ngũ", người hơi nghiêng, cầm đàn vững, tư thế khoan thai. Thời gian đầu tập, anh Cuông bị đau ê ẩm nhiều ngày. Dây đàn to, cứng, phải gẩy miết bằng que tre nên ngón tay thường đau buốt. Khó nhất khi đánh đàn là do nhịp, phách của đàn đáy chỉ mang tính ước lượng, không phân định rõ nốt nhạc nên người tập phải nghe trước nhiều lần cho nhuần nhuyễn mới vào đánh. Đặc biệt, điều tạo nên đẳng cấp của người chơi đàn đáy là thực hiện kỹ thuật nhấn, chùn. Kỹ thuật này giúp người chơi từ một điểm tạo ra nhiều nốt nhạc khác nhau và tiếng đàn tròn, sâu, ngân nga. Nếu không, tiếng đàn nghe sẽ như tiếng đàn nguyệt. Người học phải nắm chắc được 5 khổ nhạc để phát triển, vì mỗi thể cách đòi hỏi kỹ thuật đánh khác nhau. Để thuận tiện hơn cho việc truyền dạy đàn đáy, thời gian qua, anh Cuông dành nhiều thời gian, công sức để biên tập các thể cách thành bản nhạc dạy cho người chơi đàn.

Chị Bùi Thị Hoàn (Câu lạc bộ Ca trù Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao huyện Nam Sách) biết hát rất nhiều thể loại như: chèo, quan họ, dân ca nhưng khi tập hát ca trù chị vẫn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Người ca nương không chỉ hát mà cùng lúc phải đánh cả phách. Thời gian đầu, chị Hoàn bỏ ra hàng tháng để học riêng cách hát và cách đánh phách. Khó nhất của người ca nương là cần có hơi dài, biết phân sức và hát tròn vành rõ chữ, biết nhấn nhá. Nhả chữ là kỹ thuật cao của hát ca trù. Người hát dùng mũi và âm từ cổ họng mới tạo được độ vang, ngân. Mỗi buổi, chị Hoàn chỉ học  3 - 5 câu và cổ họng thường xuyên bị đau rát. Học đánh phách cũng rất cầu kỳ. Những tháng đầu, do chị đánh chưa đúng nên phách thường bị xê dịch. Khi đánh, đầu lá phách cần thò ra cách phách 2 cm mới tạo được tiếng phách chuẩn. Khó nhất trong đánh phách là đánh ở khổ siết, phách ra nhanh, liên tục nhưng tiếng phải đều. Ghép phách với lời hát là một công đoạn phức tạp đối với ca nương. Nếu tập đánh phách không nhuần nhuyễn, khi ghép với lời ca, nhạc dễ bị lệch, chệch choạc. Nhiều người khi ghép được lời thì hỏng phách và ngược lại. Để không quên các kỹ thuật, tuần nào chị Hoàn cũng dành thời gian để ôn luyện.

Cần được ưu đãi đúng mức


Tỉnh ta hiện có 5 câu lạc bộ ca trù thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, TP Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Nam Sách với khoảng 70 thành viên. Thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm mở các lớp truyền dạy nghệ thuật ca trù nhưng hiệu quả chưa cao. Hiện nay, có nhiều ca nương trẻ có thể đáp ứng được yêu cầu, nhưng khó khăn nhất là đào tạo, bồi dưỡng người chơi trống chầu và kép đàn. Qua hơn 10 năm đào tạo, có hàng chục người tham gia học đàn đáy, đánh trống chầu nhưng đến nay chưa ai đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân chính là do người dân còn thiếu hiểu biết và để tâm đến nghệ thuật ca trù. Kỹ thuật phức tạp, khó khiến người học không có thời gian, kiên nhẫn theo tập. Các lớp bồi dưỡng, môi trường sinh hoạt lại không được tổ chức thường xuyên dẫn đến người học ít có điều kiện tập luyện, thực hành. Chế độ cho người làm công tác giảng dạy cũng như người học không được quan tâm đúng mức nên chưa động viên, khích lệ được họ. Một số câu lạc bộ ca trù của tỉnh không duy trì được hoạt động thường xuyên, các thành viên ít có điều kiện trau dồi, học hỏi.

Chị Bùi Thị Hoàn cho biết: "Thời gian qua, khi theo học các lớp bồi dưỡng, chúng tôi chỉ được hỗ trợ 60 nghìn đồng/ngày. Trong đó, thời gian học mỗi đợt thường kéo dài nhiều tháng, tôi phải bố trí công việc gia đình, làm ăn và thường phải đi lại đêm hôm rất vất vả, nguy hiểm. Chúng tôi cũng phải tự mua sắm dụng cụ, trang phục biểu diễn".

Để công tác truyền dạy, bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù thu được kết quả cao, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chế độ, chính sách ưu đãi hợp lý để người dạy và người học gắn bó lâu dài. Cung cấp đầy đủ nhạc cụ, trang phục cho người học. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giúp đông đảo người dân biết đến nghệ thuật ca trù. Thường xuyên tổ chức liên hoan, giao lưu tạo sân chơi cho các câu lạc bộ ca trù và người dân. Có hình thức tuyên dương, khen thưởng xứng đáng cho người có công truyền dạy, bảo tồn, phát huy nghệ thuật ca trù.

DANH TRUNG