Lên phố
Truyện ngắn - Ngày đăng : 15:48, 22/10/2013
Minh họa: Văn Hà
Thế là vợ chồng Vẽo đã “dinh” lên thị xã được hơn năm. Ấy là nhờ một người bạn trên phố mách cho “con đường làm ăn” mà vợ chồng anh đã tôn lên làm “sư phụ”, là “quân sư”. Thực tình lúc đầu nghe bạn nói vợ chồng Vẽo thấy còn rất xa lạ, ngỡ ngàng. Anh nhăn nhó gãi đầu, gãi tai nói với bạn:
- Mình quê một cục, từ đời ông, đời cha chỉ biết bám cây lúa, bám ruộng đồng… lên đó biết làm ăn ra sao…
Ông bạn liền “hừ” một tiếng rồi lắc đầu, phẩy tay:
- Thế ông cho người trên phố toàn là những người sinh ra ở phố chắc? Có chí làm quan, có gan làm giàu… Ông chỉ được cái chưa… đã run… Ông không nghe tôi là để tuột mất thời cơ làm ăn đấy…
Vẽo đành im lặng nghe bạn nói. Thấy Vẽo có vẻ chú ý nghe, ông bạn liền nói liên hồi. Chuyện gì cũng chắc như đinh đóng cột. Nào là đã có bao nhiêu người trả ruộng, bán nhà lên phố giờ mở mày, mở mặt lắm. Bây giờ cây lúa nhà nông phải oằn mình cõng không biết bao nhiêu là lệ phí. Đến vụ trừ đầu, trừ đuôi hỏi sào lúa còn được bao nhiêu? Tính ra chẳng bằng mấy ngày làm ở trên phố. Trên ấy sẵn việc lắm. Nhiều người chỉ ngồi bán vặt chén nước, điếu thuốc đầu phố mà cũng ngang với hộ trung nông dưới quê. Ngày nay lại là thời của du lịch. Khách ta, khách Tây lúc nào cũng cứ nầm nập. Khách sạn, nhà hàng mọc lên như nấm sau mưa mà có ai ế đâu. Nhất là mở cửa hàng ăn. Lãi lắm. Dễ dàng lắm…Thời đặc sản “hương đồng, gió nội” lại đang thịnh hành. Cứ gọi là “vừa bán vừa la cũng đắt hàng…”
Vẽo nghe, thấy bùi tai, hấp dẫn. Vợ Vẽo thì còn đắn đo, do dự lắm. Vẽo lại phải thuyết phục mãi mới xuôi. Vẽo cũng lặp lại lời bạn: “Đừng để mất thời cơ”. Đã quyết thì phải làm. Thế là chỉ mấy hôm sau vợ chồng Vẽo đã kiên quyết trả lại cho HTX một mẫu rưỡi ruộng. Thổ cư có hai sào, anh cũng cắt bán cho người làng một sào, chỉ để lại một nửa với căn nhà cấp bốn, mái ngói, tường đá đã nứt nẻ. Vẽo còn vác bìa đất lên ngân hàng huyện thế chấp vay một trăm triệu đầu tư cho “Dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện phong trào xóa đói giảm nghèo”. Một cái tên dự án rất kêu và đúng hướng đầu tư của chính sách ngân hàng nên vay được ngay.
Tuy đã có vốn trong tay gần nửa tỷ bạc, nhưng số tiền ấy ở trên phố thì cũng chỉ đủ cho vợ chồng Vẽo thuê nhà mở cửa hàng và chi phí ban đầu thôi. Công việc thuận lợi, Vẽo thuê ngay được một căn hộ hai tầng của một gia đình đóng cửa lên Hà Nội theo con cháu. Vợ chồng anh và hai đứa con, cậu con trai lớp mười, cô con gái lớp bảy ở tầng trên. Tầng dưới làm bếp và bày bàn ăn.
Theo lời “sư phụ”, vợ chồng Vẽo đi vào khoản “đặc sản hương quê”. Anh thuê vẽ một tấm biển khá to xanh đỏ lòe loẹt đập mạnh vào mắt người qua lại. Biển trưng lên nhiều món rất thời thượng, hấp dẫn. Nào là lợn rừng, gà đồi, ốc núi… Nào là lươn, cua, ba ba, ốc, ếch… Giá bình dân. Dưới nhà bếp Vẽo còn bày mấy chiếc lồng sắt to nhốt mấy con lợn nhỏ còi cọc và những con gà chỉ bằng vốc tay. Lợn, gà trông rất “rừng”, là “đồi”… Ai ngồi bàn ngoài cũng đều được thực mục sở thị… Vẽo tính, mình lính mới, vốn nhỏ bước đầu hãy “khiêm tốn” như vậy, chứ đâu dám đua với những khách sạn, nhà hàng ba sao, năm sao…
Vợ chồng Vẽo nông dân thuần túy, đâu có biết gì chuyện bếp núc làm ăn, nhất lại là ở thành thị nên phải thuê một tay trung cấp nấu ăn phụ trách kỹ thuật và hai người làm nữa. Còn việc bưng bê, hầu bàn bước đầu vợ chồng đảm nhiệm. Sau ăn nên, làm ra sẽ tính tiếp… Như thế là tạm ổn. Nhà thuê mười triệu một tháng. Đầu bếp kỹ thuật bốn triệu, hai người làm mỗi người ba triệu. Làm ăn được sẽ “tăng lương” cho họ sau. Vẽo hứa với họ như vậy. Còn bốn khẩu gia đình nữa. Như thế chí ít tháng phải đạt doanh thu ba mươi triệu trở lên thì mới trụ được.
Năm đầu vợ chồng Vẽo làm ăn khá. Khách quen hàng dần dần tăng nhanh. Vợ chồng phấn khởi lắm. Nhớ ơn người dẫn dắt, vợ chồng anh mời “sư phụ”, “quân sư” đến đánh chén thường xuyên. Lần nào, có chút men Vẽo cũng ngả nghiêng, miệng nở nụ cười hết cỡ nói với vợ:
- Đấy bà thấy không… nhân bảo như thần bảo mà… Chứ cứ mấy cây lúa, con lợn, con gà ở quê thì bao giờ mà ngẩng mặt lên được… Hí! Hí!..
Những lúc ngà ngà say, “sư phụ” cũng ngả người ngắm vợ chồng Vẽo khen:
- Ông bà giờ trông đã ra dáng người kẻ chợ rồi đấy…
Vẽo ngây ngô lắc đầu:
- Sao lại là kẻ chợ? Vợ chồng tôi lên phố có phải lê la ngồi chợ đâu…
“Sư phụ” nhìn Vẽo định giải thích, nhưng nghĩ sao lại thôi, anh chỉ nâng cốc ực một hơi bia rồi khẽ lắc đầu, cười mủm:
- Trông ông đã trắng trẻo, béo tốt hẳn ra, chứ chẳng còn là cái anh chàng Vẽo đen đúa, gầy gò, khắc khổ lại lòng khòng mà làng xóm quen gọi vui là “cò Vẽo” nữa”…Hì! Hì! Cả bà cũng vậy… trông đã “ruyên ráng”, mỡ miều thế kia còn gì…
Vợ chồng Vẽo tít mắt cười, lòng vui nở từng khúc ruột non, ruột già. Cũng từ đấy vợ chồng Vẽo về làng đã đèo nhau vèo vèo bằng chiếc xe máy mới tinh, chứ chả phải gò lưng cọc cạch đạp cái xe đạp cà tàng như trước nữa. Dân làng gặp ai cũng nức nở khen làm cho vợ chồng Vẽo càng thêm hy vọng, tin tưởng vào con đường làm ăn mới mẻ của mình.
Phố xá thì càng ngày càng phát triển mạnh về mọi mặt. Dần dần ngay dãy phố dài chưa đầy trăm mét ấy cũng đã mọc lên bốn cửa hàng ăn uống còn sang trọng gấp mấy cửa hàng nhà Vẽo. Những món ăn cũng đặc sản, nhưng cao cấp hơn nhiều. Nào là dê núi, dê cỏ, thịt cá sấu, kỳ đà, đà điểu, thú rừng, cá biển… nào là ba ba, tôm, cua biển… át hẳn cái cửa hàng “mùi đồng, mùi cỏ” của nhà Vẽo kia… Họ hút hết cả khách. Thì thời đại tiến lên mà, bây giờ đã đến lúc người ta cần ăn sang, ăn ngon rồi. Ngày ngày nhìn khách đi qua không thèm nhìn vào nhà hàng mình, vợ chồng Vẽo thấy tức ứ lên đến tận cổ. Đến mấy cái ông lao động cơ bắp cũng còn sĩ nữa là… Toàn những kẻ “viêm màng túi” mà cũng cứ lao vào các cửa hàng sang trọng thế kia…
Giữa lúc ấy thì chết cha, chết tiệt ở đâu lại nổi lên những chuyện xì xầm đồn đại về quán nhà Vẽo. Rằng chỉ làm ăn “đểu”. Lợn con, gà ri tha ở chợ về lại bảo là lợn rừng, gà đồi. Ốc thì toàn ốc bươu vàng, ở quê diệt không xuể. Có người còn bảo có bữa thấy nhà ấy mua cả gà rù, gà toi. Thịt nạc thì trộn lẫn với lươn… Lại còn cho cả những chất gì vào nồi xương hầm, nồi canh mới ngọt như thế. Lòng lợn cũng chả biết cho chất gì vào mà cứ trắng như ngó cần, nhai giòn sừn sựt. ăn thì khoái khẩu đấy, nhưng chỉ tổ sinh bệnh. Không trách bây giờ lắm ung thư thế… Đúng là ở đời còn lắm kẻ ghen ăn, tức ở, độc mồm độc miệng… Vợ chồng Vẽo thì đố có bắt được ai nói để mà “vả cho vỡ mồm ra”. Khách thì chả biết thực hư ra sao, thôi thì cứ tránh ra là xong.
Cửa hàng nhà Vẽo cứ mỗi ngày một thưa khách. Thu nhập sa sút. Không đủ tiền trả công, người làm xin nghỉ việc. Vợ chồng lo lắm. Đêm nằm không ngủ, Vẽo mới lại sực nhớ đến câu người ta đã nói “thương trường là chiến trường”, cạnh tranh gay gắt, cá lớn nuốt cá bé… Khéo mà lại phải dọn về quê mất. Nhưng còn mặt mũi nào mà về! Hôm trả ruộng, lại đã trót nặng lời với mấy ông cán bộ thôn rồi. Bây giờ còn biết ăn, biết nói làm sao. Ở quê mấy năm nay phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” lại đang phát triển mạnh, mùa màng liên tục bội thu. Làm nông nghiệp bây giờ lại “được” lắm. Về bây giờ cũng biết ăn ở ra sao. Căn nhà bỏ không đã xuống cấp lắm rồi, trận lốc xoáy năm ngoái lại sụt hết cả nửa mái ngói. Tiền đâu mà sửa… Nghĩ, vợ chồng Vẽo lại thấy tiếc, thấy ân hận, lại thầm trách cái ông "sư phụ”, ông “quân sư”. Mà ông ta cũng đã mất hút con mẹ hàng lươn đâu mất rồi…
Đang lúc bí bách thì nhà chủ lại liên tục đến đòi thanh toán tiền thuê nhà. Đã thế ngân hàng lại cũng đã sức giấy về nhắc sắp đến hạn thanh toán. Vợ chồng ngày nào cũng đã tiếng chì, tiếng bấc. Dùi đục, mắm cáy vãi ra suốt ngày. Nhiều lúc vợ chồng Vẽo muốn đóng cửa trong nhà bảo nhau mà cũng không được nữa.
Một hôm vợ chồng đang sắp thượng cẳng tay, hạ cẳng chân thì có thầy giáo chủ nhiệm và anh công an phường dắt “ông quý tử” về. Thầy giáo nói:
- Báo cáo với ông bà, công an bắt được cháu nó đang ở đám tiêm chích… Lâu nay cậu cũng bỏ học luôn đấy ạ…
Anh công an tiếp lời:
- Xem ra cháu nó nghiện nặng rồi đấy. Lại còn xài cả ma tuý đá nữa… Phải đưa đi trại cai nghiện gấp thôi… ông bà ạ…
Vợ Vẽo muốn ngất xỉu. Chị nấc lên:
- Ối giời ơi là giời… Sao mà đến nông nỗi này hỡi con ơi là con ơi…ở quê là một đứa học sinh chăm ngoan, học giỏi, năm nào cũng là học sinh tiên tiến…mà sao lên đây lại đổ đốn ra như thế…
Rồi chị chỉ mặt chồng như muốn gào lên:
- Chỉ tại ông… Ông chỉ vùi đầu vào chuyện lo làm giàu, chẳng trông nom gì đến việc học hành của con cái… Trên phố lắm tệ nạn… mà nó được thả lỏng như thế thì làm gì mà chả hư hỏng…
Vẽo cũng sừng sộ quát lại vợ:
- Cũng tại bà… chiều chuộng nó lắm vào... Hễ nó đòi tiền là bà đưa. Nó bảo nó đi học thêm, rồi đóng góp khoản này, khoản nọ bao nhiêu là bà đưa bấy nhiêu… Mấy lần nó cậy tủ lấy hàng triệu bạc đi phung phí bà cũng giấu tôi… Bà còn nói cái gì?…
Không khí vẫn đang căng thẳng thì bà chủ cho thuê nhà lại ập đến. Bà chào mọi người rồi nói luôn với vợ chồng Vẽo:
- Anh chị có khả năng thanh toán tiền thuê nhà cho vợ chồng tôi không? Chúng tôi muốn lấy lại nhà, hiện đang có ba người muốn thuê với giá cao hơn đấy. Hẹn anh chị ba ngày nữa, nếu anh chị không trả thì xin phép tôi cho người đến dọn đồ đạc nhà anh chị ra đường…
Nói xong bà ta chào mọi người rồi quay ngoắt bước ra. Vợ Vẽo thì chả cần để ý đến sự có mặt của ông giáo và anh công an nữa, cứ gào lên với chồng:
- Thế là hết… ông Vẽo ơi là ông Vẽo… Đào đâu ra ngần ấy tiền mà trả người ta, mà thanh toán với ngân hàng… sung sướng chưa… Thôi chuẩn bị ra mà đứng đường… Ối giời ơi là giời…
Truyện ngắn của THANH THẢN