Kỹ thuật gieo cấy giống lúa lai Thịnh Dụ 11
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:20, 04/11/2013
Xin giới thiệu với bà con nông dân quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa này:
Nguồn gốc, đặc điểm
Thịnh Dụ 11 là giống lúa lai 3 dòng do Công ty TNHH Giống cây trồng Thịnh Dụ (Tứ Xuyên, Trung Quốc) lai tạo, tuyển chọn, Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh cung ứng. Giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức vào năm 2012. Lúa lai Thịnh Dụ cấy được cả 2 vụ trong năm. Thời gian sinh trưởng 130-135 ngày ở vụ xuân, 105-110 ngày ở vụ mùa. Lúa cao cây, thân to, đẻ khỏe, chống đổ tốt, lá đòng màu xanh đậm, bông dài, nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc/bông cao. Chịu rét tốt, chống chịu khá tốt với bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu. Năng suất trung bình đạt 75-80 tạ/ha, thâm canh cao đạt trên 100 tạ/ha. Chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, mềm, có mùi thơm. Thích hợp gieo cấy ở chân vàn thấp, vàn, vàn cao, đất tốt, chủ động tưới, tiêu.
Thời vụ và kỹ thuật gieo cấy
Gieo mạ từ ngày 25-1 đến 10-2, có che phủ ni-lông, cấy khi mạ đạt 4-5 lá. Mật độ cấy 40-45 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm, cấy nông tay.
Phân bón và cách bón
- Lượng phân bón cho 1 sào: Phân chuồng 300-400 kg, Su-pe lân 15-20 kg, đạm u-rê 8-10 kg, ka-li 8-10 kg.
- Cách bón: Bón lót trước khi bừa cấy 100% phân chuồng + 100% su-pe lân + 40% đạm u-rê + 20% ka-li. Bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ, hồi xanh 50% đạm u-rê + 30% ka-li. Bón thúc lần 2 khi lúa đứng cái, làm đòng, bón toàn bộ lượng phân còn lại.
Chú ý: Điều tiết nước hợp lý, thường xuyên thăm đồng, phát hiện kịp thời và phòng, trừ có hiệu quả các đối tượng dịch hại. Thóc sau khi thu hoạch không dùng làm giống cho vụ sau.
(Theo Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh)