Đình Chí Linh kêu cứu
Di tích - Ngày đăng : 04:13, 05/11/2013
Đình Chí Linh ở xã Nhân Huệ (Chí Linh) là một trong số những đình cổ nhất của tỉnh còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật và cổ vật quý giá.
Tượng Phỗng (thời Lê) đang bị xuống cấp, bong tróc sơn
Tuy nhiên trải qua thời gian, nhiều hạng mục, hiện vật đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng cần được quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo.
Nét độc đáo
Theo các tài liệu ghi lại, đình Chí Linh thờ 3 vị thần là: Cao Sơn quốc trạng Đại Vương (thường gọi là Thánh Cả), Đường cảnh Thành hoàng Quảng Bác Đại Vương (tức Phạm Cường), Đường cảnh Thành hoàng Hùng Duệ Vương (Phạm Úy). Cao Sơn Quốc trạng Đại Vương là nội tộc Tản viên Quốc vương thứ hai thời Hùng Vương tên là Cao Hiển tinh thông văn võ, đã “âm phù” giúp vua Lý Thái Tông đánh giặc cứu nước. Cao Sơn Đại Vương hóa thân thành một vị tướng tài của vua Lý cầm quân đi đánh giặc. Đến Ba Gia Trang, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương gặp 2 anh em sinh đôi là Phạm Cường, Phạm Úy văn võ kiêm toàn, Hiển Công liền chiêu mộ làm bộ tướng của mình. Sau khi thắng giặc trở về qua Ba Gia Trang khao quân, Hiển Công và 2 bộ tướng Phạm Cường, Phạm Úy hóa cùng một ngày.
Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử và ý thức về cội nguồn dân tộc, năm 1572 (triều hậu Lê), nhân dân thôn Chí Linh đã xây dựng ngôi đình này. Đình được làm theo kiểu chữ đinh, quay về hướng tây. Đến triều Nguyễn, đình được xây dựng thêm 5 gian nhà ngoài làm tiền bái, vì vậy kiến trúc đình kết cấu thành kiểu chữ Tam phổ biến gồm 3 tòa: tiền bái, trung từ và hậu cung. Trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo, dấu tích kiến trúc điêu khắc mỹ thuật đình Chí Linh mang nét đặc thù của phong cách tạo hình thời Nguyễn, phần nào điểm xuyết phong cách tạo hình thời Hậu Lê. Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho rằng, đình Chí Linh là một di tích kiến trúc nghệ thuật hiếm có ở Chí Linh và trong tỉnh. Các mảng chạm khắc được thể hiện tinh xảo, công phu với các hình trang trí “tứ linh” (long, ly, quy, phượng) và “tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai) dưới nhiều biến thể khác nhau, tạo nên không gian linh thiêng nơi thờ tự. Hệ thống cấu kiện nâng đỡ mái là kè, bẩy, đao góc được bào soi, chạm rồng, vân xoắn, lá nổi. Tại đình giữa trang trí rồng mây, cụm đao lửa dưới dạng biến thể từ “trúc, mai, đào, mây, nước..." những kiểu thức thể hiện hóa thân của rồng từ cỏ cây tạo nên nét đẹp độc đáo. Đây cũng là nét tương phản trong phong cách thể hiện giữa đình trong và đình ngoài.
Ngoài độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, đình Chí Linh còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ từ đồ thờ đến đồ tế như bộ tượng tam vị thần hoàng; đôi kiệu bát cống được tạo năm Tự Đức thứ 9 (1856). Bên cạnh đó, đình Chí Linh còn giữ được 9 đạo sắc phong của các vua nhà Nguyễn cho tam vị Thành hoàng, hệ thống bia ký hiện còn 16 chiếc, phần lớn là bia công đức qua các thời kỳ lịch sử trùng tu tôn tạo. Trong đó, tấm bia “Thần tích bi ký” đặc biệt quan trọng có niên đại từ thời vua Tự Đức. Tấm bia quý này nói về nội dung lịch sử thờ tam vị Thành hoàng. Đây là tư liệu quý cần được bảo quản thật tốt. Ngoài ra, đình còn có hệ thống cổ vật có giá trị như: bản văn tế, tượng Phỗng thời Lê, nậm sứ, bát hương sứ, bộ hạc rùa đồng, quả đài đồng, lư hương đồng, loa đồng, chiêng đồng, chuông đồng thời Nguyễn...
Năm 1995, đình Chí Linh được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm vào ngày 10 - 3 (âm lịch), nhân dân trong thôn, trong xã lại tổ chức lễ hội thu hút đông đảo con em quê hương, du khách thập phương tham gia.
Cần bảo vệ
Trải qua hàng trăm năm, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn được nhân dân thôn Chí Linh bảo vệ, lưu giữ, thờ cúng. Năm 1989, chính quyền địa phương và nhân dân đóng góp công sức xây dựng tường bao và cổng vào di tích khang trang sạch đẹp, đồng thời tiến hành đảo ngói tòa đại bái. Năm 1990, Ban Quản lý di tích tu bổ đình Chí Linh được thành lập, phân công người trông nom, gác đêm thường xuyên và vận động nhân dân công đức xây dựng đình. Năm 1993, hai gian hồi đình trong được xây dựng thêm thay cho sàn đình đã mất trước đây. Tháng 10-1993, do ảnh hưởng của bão, bức tường đốc trung từ (đình trong gian trái) bị sụt đổ, Ban Quản lý đình đã vận động nhân dân sửa chữa kịp thời. Năm 2007, được cấp kinh phí, xã đã tiến hành trùng tu một số hạng mục như đảo ngói, thay một số hàng tàu, hoành của đình ngoài, đình giữa; trị mối một số cột đình.
Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều hạng mục, hiện vật của đình tiếp tục xuống cấp. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng như một số mảng chạm khắc hoa văn ở gian giữa nhà đại bái bị bong tróc, rơi rụng, mái đình ngoài bị võng, ngói vỡ, dột, cửa đình ngoài và đình giữa mục xuống cấp. Một số bức tường hoành của đình ngoài, đình giữa, hậu cung bị nứt, mối mọt, mục ruỗng và gẫy. Nền nhà hậu cung ẩm thấp. Hệ thống máng nước đã bị long lở. Một số cổ vật như nhang án, kiệu, bát biểu, tượng bị gẫy, hỏng. Anh Trần Văn Dân, Phó Chủ tịch UBND xã không khỏi bùi ngùi: “Đây là những hiện vật cổ từ thời Nguyễn. Xã không có kinh phí để khôi phục, gắn lại được nên tạm thời xếp ra một chỗ chờ xin kinh phí”.
Ông Vũ Đình Trước, Phó Chủ tịch HĐND xã, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích đình Chí Linh kể: Cũng do cửa đình xuống cấp nên đã có lần kẻ gian đột nhập vào đình lấy trộm một đôi hạc đồng cổ quý giá bán sang Trung Quốc. Sau đó, kẻ trộm bị bắt và phải đền tiền nhưng nhân dân trong thôn ai cũng tiếc đôi hạc đồng. Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: "Nếu không có phương án, biện pháp trùng tu, tôn tạo, một số hiện vật cổ quý giá bị xuống cấp của đình sẽ mất hẳn thì thật tiếc”.
VIỆT CƯỜNG