Lộn xộn kiến trúc xây dựng quanh Đảo Cò

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 10:57, 05/11/2013

Thời gian gần đây, việc xây dựng xung quanh Đảo Cò không theo quy hoạch đã ảnh hưởng tới vẻ đẹp của cảnh quan mà không bị bất kỳ biện pháp xử lý nào.




Dãy hàng quán lợp tôn lạc điệu giữa cảnh quan thiên nhiên khu vực Đảo Cò


Hạt sạn trong bát cơm ngon

Khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) hấp dẫn khách tham quan bởi hồ nước rộng, chấp chới những cánh cò bay lả bay la, bởi những hàng cây xanh tốt quanh hồ… Cảnh quan ấy tạo cảm giác bình yên, nhẹ nhõm khi con người đắm mình vào thiên nhiên. Nhưng thời gian gần đây, sự tự nhiên của cảnh quan đã bị ảnh hưởng bởi những công trình xây dựng quanh hồ.
Trước khi đến được với thiên nhiên, chiêm ngưỡng cảnh hồ và hàng chục nghìn con cò, vạc, chim các loại trên hai hòn đảo giữa hồ, du khách phải đi xuyên qua một dãy hàng quán dựng bằng cột sắt, mái tôn, bán nước giải khát, đồ lưu niệm. Hình ảnh đầu tiên du khách được “chiêm ngưỡng” ấy hoàn toàn không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Chị Lê Thị Thoan bán hàng nước ở đây cho biết, việc bán hàng của người dân có từ những ngày đầu tiên có khách du lịch, cách đây đã hơn chục năm. Lúc đầu việc bán hàng tự phát, người dân chỉ che bạt, dùng ô để ngồi bán. Vài năm gần đây, việc bán hàng cũng như các dịch vụ khác do Ban Quản lý Đảo Cò quản lý. Ban quản lý đã cho phép những người bán hàng dựng quầy bằng cột sắt, mái tôn để có chỗ ngồi tươm tất hơn.

Không chỉ đường xuống bến thuyền trông lộn xộn, không phù hợp với cảnh quan mà cạnh hồ còn mọc lên hai nhà nghỉ cao tầng có kiến trúc “lạc điệu” với không gian xung quanh. Giờ đây, khi du khách đứng trên bờ hay đi thuyền xung quanh hai đảo, ngoài việc ngắm cảnh thiên nhiên còn được “khuyến mãi” ngắm thêm một nhà nghỉ cao 4 tầng, màu sắc rực rỡ mà nhìn từ xa vẫn thấy nhô lên trên những rặng tre.

Những hàng quán hay nhà nghỉ phản ánh sự phát triển của du lịch nơi đây, phục vụ nhu cầu kinh doanh chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình không phù hợp với cảnh sắc thiên nhiên xung quanh khiến du khách tới tham quan có cảm giác giống như đang ăn một bát cơm ngon mà nhai phải vài hạt sạn.



Nhà nghỉ xây không đúng quy hoạch, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan


Bản quy hoạch vẫn nằm trên giấy

Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái Đảo Cò. Bản vẽ mô tả quy hoạch này được dựng ngay cạnh chỗ gửi xe của khu du lịch nên chắc chắn người dân ở đây ai cũng biết. Quy hoạch đã quy định chi tiết về tiêu chuẩn các công trình xây dựng nằm trong diện tích quy hoạch. Theo đó, dãy nhà dân hiện trạng ven bờ hồ sẽ được cải tạo thành nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch. Tại đây chỉ xây dựng nhà 1 - 2 tầng, mái dốc. Các công trình dịch vụ như hàng ăn, hàng nước cũng chỉ được lợp mái ngói hoặc mái lá để phù hợp với cảnh quan chung. Như vậy, những hàng quán xây dựng trên đường xuống bến thuyền cũng như hai nhà nghỉ cạnh hồ hiện nay đều có kiến trúc không đúng so với quy hoạch.

Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam cho biết, từ khi có quy hoạch chi tiết đến nay, khu du lịch sinh thái Đảo Cò vẫn chưa được đầu tư để thực hiện theo quy hoạch này. UBND xã Chi Lăng Nam biết công trình hàng quán, bến thuyền, hai nhà nghỉ ven hồ đều không đúng với quy hoạch, nhưng không điều chỉnh được vì nhiều lý do. Bến thuyền và hàng quán đều do người dân làm dịch vụ tự bỏ tiền ra tôn tạo. Số tiền này có hạn, không đủ để thực hiện đúng với quy hoạch. Mà để hiện trạng hàng quán lụp xụp, giương ô, chăng bạt như trước cũng gây xấu cảnh quan chung. Vì thế, trong khi chờ có dự án đầu tư để xây dựng đúng với quy hoạch, chính quyền đành chấp nhận để người dân tự xây dựng, cải tạo chỗ bán hàng.

Chị Vũ Thị Lán, chủ nhà nghỉ Đảo Cò cao 4 tầng cạnh hồ cho biết, nhà nghỉ mới hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 10-2012 (tức hơn 2 năm sau khi có quy hoạch) nhưng chị chỉ phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh chứ không phải xin giấy phép xây dựng. Chị cũng không nghe nói cần xin giấy phép xây dựng bao giờ. Với trường hợp nhà nghỉ của chị Lán cũng như nhà nghỉ Thanh Lịch cạnh hồ, ông Minh xác nhận là không có giấy phép xây dựng, vì hiện nay các công trình nhà ở của người dân ở nông thôn chưa phải xin giấy phép xây dựng. Theo ông Minh, đây là tình trạng phổ biến ở các xã, chưa thấy địa phương nào làm, cũng không được hướng dẫn, chỉ đạo nên UBND xã Chi Lăng Nam biết người dân xây dựng sai quy hoạch nhưng không có căn cứ để giải quyết. Khi người dân xây dựng, UBND xã và Ban Quản lý Đảo Cò tới vận động thực hiện theo đúng quy hoạch nhưng không thể xử lý nếu người dân không làm theo.

Ông Minh bày tỏ mong muốn có dự án đầu tư để thực hiện quy hoạch và có những văn bản pháp lý quy định, hướng dẫn về chức năng quản lý xây dựng của UBND cấp xã. Trên cơ sở ấy UBND xã Chi Lăng Nam mới có thể quản lý kiến trúc của các công trình xây dựng nằm trong phạm vi quy hoạch của khu du lịch sinh thái Đảo Cò.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã có những quy định của Nhà nước đối với những trường hợp này. Theo khoản 2, điều 19, mục 2, chương III của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ: “Việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã công bố quy hoạch xây dựng được duyệt nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch”. Như vậy, công trình xây dựng nhà nghỉ Đảo Cò nằm trong vùng đã công bố quy hoạch xây dựng nên cần xin giấy phép xây dựng tạm thời.

Tồn tại việc xây dựng sai quy hoạch tại khu vực Đảo Cò là do nhận thức của người dân còn hạn chế, UBND xã Chi Lăng Nam chưa nắm được những quy định của pháp luật về thẩm quyền của mình. Bên cạnh đó, việc triển khai quy hoạch chưa được thực hiện dù quy hoạch được phê duyệt và công bố đã hơn 4 năm cũng là một bất cập cần giải quyết để người dân không phấp phỏng vì sống trong vùng “quy hoạch treo”.        

LAM ANH

Theo khoản 7, điều 25, mục 2, chương III, Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12-2-2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phép bị đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, khoản 2, điều 11, chương 2, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ cũng quy định: Xây dựng công trình không phép trong trường hợp cần xin giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 40 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính đến 2 triệu đồng và buộc chủ đầu tư xây dựng công trình khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.