Thạch Khôi sẽ lên phường
Kinh tế - Ngày đăng : 05:24, 07/11/2013
Tại kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết đề nghị Chính phủ nâng cấp xã Thạch Khôi lên phường. Đây đánh dấu một bước phát triển lớn của Thạch Khôi.
Xã Thạch Khôi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh 100% đường giao thông nông thôn, đường nội đồng,
với tổng chiều dài hơn 27 km đã được bê-tông hóa. Ảnh: Thành Chung
Trước đây, Thạch Khôi là xã nông nghiệp. Năm 2000, trong cơ cấu kinh tế của xã, nông nghiệp-thủy sản chiếm 59,18%; tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 25,63% và dịch vụ chỉ chiếm 15,19%. Đến năm 2005, tỷ lệ này tương ứng là 44,49% - 34,18% -21,33%. Năm 2008, xã Thạch Khôi được chuyển từ huyện Gia Lộc về TP Hải Dương đã tạo động lực mới để địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong kinh tế, xã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Đối với nông nghiệp cũng khuyến khích nhân dân chuyển đổi, đưa các cây trồng, con giống có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đến năm 2012, cơ cấu kinh tế của xã đã thay đổi rõ rệt, nông nghiệp chỉ còn 16,3%; tiểu, thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 54,42% và dịch vụ chiếm 29,45%. Xã có 40 đội thợ xây dựng do người Thạch Khôi làm chủ với tổng số khoảng 1.200 lao động, hoạt động khắp cả nước. Làng nghề mộc Nguyễn Xá (được công nhận làng nghề từ năm 2000) giải quyết việc làm cho gần 400 lao động. Mức thu nhập của lao động thuộc 2 lĩnh vực này đạt từ 4-5 triệu đồng/người/ tháng. Xã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Hiện xã có khoảng 1.000 lao động làm việc ở các nước. Có 500 lao động đang làm xây dựng ở Ăng- gô-la với mức thu nhập bình quân 1.000 USD/người/tháng. Chợ cá Thạch Khôi được đầu tư trên 5 tỷ xây dựng, cải tạo, nâng cấp đã thu hút 40 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán. Dọc quốc lộ 37, người dân đua nhau mở hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ... Trong nông nghiệp, xã đã hình thành được các vùng chuyên canh rau màu ở các thôn Lê Quán và Nghĩa Xá chuyên trồng dưa hấu; thôn Trần Nội chuyên làm rau giống, trồng rau cần, hành; thôn Thái Bình chuyên trồng hoa, cây cảnh. Giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp năm 2012 đạt 200 triệu đồng. Do trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp Thạch Khôi và một số công ty, xí nghiệp nên người dân trong thôn còn làm dịch vụ nhà trọ...
Hội tụ các yếu tố
Với những cố gắng, nỗ lực của chính quyền địa phương, Thạch Khôi đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng được các tiêu chí của phường thuộc thành phố. Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500 của xã vừa được UBND TP Hải Dương phê duyệt. Tổng số dân địa phương trên 10 nhân khẩu, ngoài ra còn khá đông lao động trong các công ty, nhà máy ở trọ trên địa bàn. Thu nhập bình quân đầu người 6 tháng đầu năm 2013 ở xã Thạch Khôi đạt 15 triệu đồng, cả năm dự kiến đạt 30 triệu đồng. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của xã đạt 84,5%. Hộ nghèo giảm còn 1,86%. Hệ thống đường giao thông đã được bê-tông hóa 100%, độ rộng đều đạt 3 m trở lên, độ dày 20 cm. Đã có 7 trong tổng số 10 khu dân cư có nhà văn hóa, hiện đang chuẩn bị xây dựng 3 nhà ở 3 khu dân cư còn lại. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được cải tạo, nâng cấp. Trường mầm non đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trường tiểu học đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II. Công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh được thực hiện đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện chính sách xã hội luôn được địa phương quan tâm, những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn luôn được địa phương và các tổ chức đoàn thể quan tâm, chăm sóc, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra trọng án.
Việc xã Thạch Khôi chuẩn bị được lên phường đã làm cho cả cán bộ và nhân dân địa phương đều vui mừng. Ông Đàm Thanh Lập ở khu dân cư 2 cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi thấy xã Thạch Khôi ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Khi biết thành phố đã có văn bản đề nghị nâng cấp Thạch Khôi lên phường, chúng tôi rất vui mừng. Hy vọng đời sống của nhân dân cũng sẽ được nâng lên”. Cán bộ và lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Thạch Khôi cũng không giấu được niềm tự hào. Đồng chí Phạm Quang Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thạch Khôi cho biết: “Được đề nghị nâng cấp xã Thạch Khôi lên phường là sự ghi nhận những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và nhân dân Thạch Khôi đã dày công phấn đấu trong những năm qua. Khi lên phường, chúng tôi sẽ có thêm nhiều điều kiện để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống, thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời cũng đóng góp chung vào sự phát triển của thành phố”. Để cơ sở vật chất hoàn thiện hơn nữa, từ nay đến cuối năm, xã Thạch Khôi phấn đấu làm xong toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến giao thông và làm 3 nhà văn hóa ở 3 khu dân cư, tiếp tục nâng cấp, mở rộng Trạm Y tế xã...”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xã Thạch Khôi hiện cũng còn gặp những khó khăn nhất định. Những năm qua, xã đã tập trung nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến nợ xây dựng cơ bản vẫn chưa trả được. Nguồn thu thuế của địa phương đạt thấp, dẫn đến thiếu ngân sách cho các hoạt động. Tỷ lệ bình quân diện tích cây xanh theo đầu người người còn thấp...
Theo điều 7, Nghị định 62/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26-7-2011 thì phường thuộc thành phố của tỉnh được thành lập khi đạt các tiêu chuẩn sau đây: đạt từ 6.000 người/km2 trở lên; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 75% trở lên; hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ từng mặt hoặc đang được xây dựng tiến tới đồng bộ; có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với trường hợp phường được thành lập để mở rộng khu vực nội thành, nội thị phải đạt tiêu chuẩn có quy hoạch được phê duyệt và các tiêu chí phải đạt từ 70% trở lên. |
NGỌC THỦY