Đứng vững trong khó khăn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:14, 20/11/2013

Với hướng đi phù hợp, cơ sở sản xuất và kinh doanh nội thất Tuấn Huề của anh Phạm Tuấn Anh ở xã Thống Nhất, (Gia Lộc) đã đứng vững trong khó khăn...



Mỗi năm, 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Phạm Tuấn Anh mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu  đồng


Do có bố làm nghề mộc nên từ nhỏ anh Tuấn Anh đã đam mê với gỗ. Năm 10 tuổi, anh bắt đầu học làm các sản phẩm giường, tủ... Đến năm 15 tuổi, anh trở thành thợ lành nghề. Nhận thấy chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng thì không thể thoát nghèo, năm 1996 anh quyết định đi vào TP Hồ Chí Minh rồi đến TP Hải Phòng để tìm hướng phát triển nghề mộc. Mỗi chuyến đi chỉ vỏn vẹn vài tháng nhưng đã mở ra cho anh hướng phát triển mới là đầu tư vào gỗ công nghiệp. Trở về quê, anh vay vốn thuê đất mở xưởng, mua máy nén khí, máy cưa, máy soi để phục vụ sản xuất giường, tủ, bàn ghế, hoành phi, câu đối... Năm đầu khởi nghiệp rất khó khăn, anh phải tự mình tìm nguồn nguyên liệu để sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi đầu ra ổn định, năm 2000, anh mở thêm nhà xưởng, mua máy móc hiện đại, tạo việc làm cho hàng chục công nhân, cung cấp sản phẩm nội thất cho nhân dân trong huyện và nhiều huyện lân cận như Tứ Kỳ, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Nam Sách… Năm 2004, anh mở rộng diện tích đất làm nhà xưởng lên đến hơn 300 m2. Năm 2005, anh vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Gia Lộc, đầu tư 360 m2 đất ở xã Trùng Khánh để mở thêm 1 chi nhánh Tuấn Huề. Nhận thấy thị trường bắt đầu có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm gỗ tự nhiên, anh lại đi tìm hiểu khắp nơi để nhập các sản phẩm nội thất bằng gỗ tự nhiên có chất lượng về kinh doanh. Từ năm 2010 đến nay, đầu ra cho sản phẩm gỗ công nghiệp rất khó khăn, nhiều lúc anh đã phải quyết định bán sản phẩm gần như hòa vốn để duy trì sản xuất. Để đứng vững được trong lúc thị trường khó khăn, tiêu thụ chậm, anh kết hợp kinh doanh thêm các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm.

Vì áp dụng nhiều giải pháp hợp lý, đến nay 2 cơ sở Tuấn Huề đang tạo việc làm cho 14 lao động địa phương với thu nhập từ 3,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Những năm gần đây, doanh thu từ 2 cơ sở đều tăng, năm ngoái đạt hơn 6 tỷ đồng, ước tính năm nay đạt hơn 7 tỷ đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng. Anh dự định đến năm 2014 sẽ mở cửa hàng ở thị trấn Gia Lộc để thuận tiện cho việc giới thiệu và kinh doanh sản phẩm và khi điều kiện thuận lợi sẽ thành lập công ty để phát triển sản xuất. Không chỉ tập trung vào sản xuất, kinh doanh, anh Phạm Tuấn Anh còn dạy nghề cho nhiều lao động. Đến nay, đã có 2 công nhân tự mở xưởng riêng. Gia đình anh đã 2 lần được Hội Nông dân tỉnh cấp giấy chứng nhận "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" năm 2004 và năm 2012.

VIỆT QUỲNH