Cười một chút, khóc dài dài

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:51, 27/11/2013

Thời gian gần đây, “mốt” tiêu khiển mới của một bộ phận giới trẻ là hít khí cười. Chỉ với 35-50 nghìn đồng, người chơi có thể cười vật vã kèm theo cảm giác “lạ”.


Khách sử dụng bóng cười và shisha ngay tại một quán bar trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Vũ Anh

Các “dân chơi” hàng này không hề biết việc hít khí cười là có hại cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Dụng cụ đựng khí cười được gọi là bóng cười (hay còn gọi là funky ball hoặc hippy crack) xuất hiện từ năm 2010 ở châu Âu và thời gian gần đây nó là “món ăn chơi lạ” của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, nay tới TP Hồ Chí Minh. Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm khí nitrous oxide (N2O - dinitơ oxid).

“Đầu nậu”

Chiều 21-11, thông qua một dân chơi bóng cười giới thiệu, chúng tôi liên hệ với anh “Bar” - một mối chuyên cung cấp bóng cười ở Sài Gòn. “Bar” khoảng 25 tuổi, hiện là sinh viên ngành quản trị du lịch tại một trường ĐH ở TP.HCM. Giá mỗi hộp bóng cười có 10 ống bằng kim loại bằng ngón tay chứa khí N2O (giới mua bán gọi tắt là cây) có giá 290.000-350.000 đồng, dụng cụ để chiết khí cười từ ống kim loại vào bóng gọi là đầu bơm có giá 300.000 đồng/cái.

Chưa có quy định để xử lý

Ông Nguyễn Thành Rum, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, cho biết hiện nay ban giám đốc sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra của sở vào cuộc cùng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa của Q.1 khảo sát một số quán bar, vũ trường trên địa bàn quận này về việc mua bán, cung cấp hoặc khách tự mang bóng cười vào quán bar, vũ trường để sử dụng.

Ông Rum nhận xét do loại hình bóng cười còn quá mới nên trước mắt phải có một đơn vị chức năng nào đó thẩm định, đánh giá về tác hại của chất gây cười trong bóng cười. Hiện chưa có đơn vị nào thẩm định việc này nên trước mắt rất khó nói về tác hại của bóng cười.

Theo ông Rum, thanh tra của sở có biết thông tin về một số quán bar, vũ trường có tình trạng khách sử dụng bóng cười. Tuy nhiên hiện chưa có quy định để xử lý đối với người bán, người sử dụng bóng cười.

Khi hỏi mua ở đâu, “Bar” nói: “Không có điểm bán cố định, hàng này đang bị dòm ngó. Em bán đâu có giấy phép kinh doanh. Nếu bị bắt là mất hàng, phạt hành chính”. “Bar” nói các mối khác thường mua lại của “Bar” với giá 500.000 đồng/hộp. “Bar” cho hay khí cười này có xuất xứ từ Mỹ, mỗi thùng chứa hàng ngàn cây. Khách đồng ý mua thì cần thỏa thuận giá cả, số lượng, sau đó khoảng 30 phút là có hàng giao tận tay khách. Đối với khách ở tỉnh, “Bar” nhận tiền qua tài khoản, gửi hàng đến tận địa chỉ.

Khoảng 30 phút sau, tại điểm hẹn là quán cà phê trên đường Giải Phóng (Q.Tân Bình), “Bar” cùng một thanh niên mang hàng đến. Chúng tôi nói sợ chơi không cười “tới bến”, “Bar” khẳng định: “Tụi em bán cho nhiều người rồi, quảng cáo sao thì nó như vậy”. Người thanh niên đi cùng “Bar” tiếp lời: “Trước khi bán tụi em thử hết rồi, đảm bảo cho anh luôn. Tùy vào thể trạng, người như em chơi khoảng ba cái là loay quay loay quay, gặp người lờn thuốc thì phải chơi nhiều hơn. Em không biết cơ địa anh như thế nào, lờn thuốc hay chưa, căn bản là chơi hai trái là cười tới”. Theo “Bar”, do hàng không hóa đơn, chứng từ nên từng bị cơ quan chức năng thu giữ vài trăm ống chứa khí gây cười, vẫn còn giấy đóng phạt 5 triệu đồng.

Qua Facebook cá nhân, chúng tôi liên hệ với cô gái tên Dương (24 tuổi, ở Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), chuyên cung cấp khí cười giá sỉ. Dương báo: “Một thùng 360 cây giá 7.920.000 đồng, năm thùng hàng trở lên giá là 7,2 triệu đồng/thùng. Đầu bơm 15 chiếc trở lên giá 150.000 đồng”. Dương nói việc giao dịch hàng khá đơn giản, chỉ cần gửi tiền qua tài khoản, trong một ngày có hàng gửi đến tận địa chỉ tại TP.HCM, chi phí vận chuyển này do người mua chịu. Hàng của Úc. Khi hỏi chất lượng, Dương trả lời: “Đảm bảo tinh khiết, không có vấn đề gì đâu”.

Cười... thả ga

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thú chơi bóng cười hiện đang nhen nhóm ở lớp tuổi thanh niên, còn ở mức độ tự phát. Nhân viên của quán bar tại P.Bến Nghé (Q.1) cho biết cách đây ít lâu tại bar nơi anh làm có phục vụ chơi bóng cười nhưng nay bar này không bán nữa. “Nếu mấy anh có nhu cầu thì liên hệ trước, bên em sẽ phục vụ” - nhân viên này nói. Một nữ nhân viên tiếp tân ở một bar trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) thì nói: “Bên em hết chương trình đó rồi, hàng đó giờ cấm rồi”.

Đêm 23-11, Minh (23 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cùng nhóm bạn bốn người lên khu phố Tây (đường Phạm Ngũ Lão, Q.1) để nhậu “tăng hai”. Khi vừa tấp vào lề đường Phạm Ngũ Lão, Minh cùng nhóm bạn rẽ vào hẻm 175 gửi xe, Minh mách nước: “Có mang sẵn đồ chơi rồi”.

Lúc này có rất đông thanh thiếu niên ở quán cà phê nhạc sôi động trong hẻm. Minh vào quán kêu 10 chai bia cùng nhóm bạn dập dìu theo tiếng nhạc. 10 phút sau, Minh kêu một bình shisha rồi vào nhà vệ sinh hí hoáy mang ra hai trái bong bóng màu trắng bơm đầy khí gây cười. Sau khi kéo nhiều hơi shisha, Minh cầm một trái bóng ngậm vào đầu quả bóng, hít khí trong quả bóng rồi lại thổi ngược ra cho quả bóng to lên, rồi lại hít khí. Minh lặp lại thao tác này nhiều lần. Có vẻ chưa đủ “đô”, Minh tiếp tục chơi trái bóng còn lại, sau gần một phút thì Minh ôm bụng cười phá lên, khua tay múa chân quay cuồng theo tiếng nhạc, tiếng cười của Minh kéo dài gần một phút làm nhiều thanh niên trố mắt nhìn ngạc nhiên. Minh khoe mới biết tới bóng cười trong một lần đi ăn sinh nhật bạn, sau khi “thử” vài trái thấy có hiệu quả để giải rượu và cảm giác lạ nên tìm mua về xài.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức: Rước hại vào thân

Sở dĩ các bạn trẻ thích hít khí cười qua sử dụng “bóng cười” vì nó giống như ma túy nhẹ tạo sự phấn khích và ảo giác. Nên lưu ý, khi hít khí cười qua bóng cười, cơ thể rất khó kiểm soát được lượng khí bởi bản thân người sử dụng lúc ấy không thể đong đếm được lượng khí hít vào. Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyến cáo hít nhiều khí này sẽ bị ngộ độc, thậm chí cả ung thư và gây các rối loạn khác trong cơ thể.

Điều đáng nói là giới trẻ lạm dụng khí cười chỉ để tìm cảm giác ảo. Nhờ ảo giác mà các bạn trẻ cảm thấy hưng phấn, vừa hít bóng cười vừa ôm nhau nhảy trong tiếng nhạc ầm ĩ, cuồng loạn và thấy thế mới là cuộc vui đích thực. Nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự, thậm chí là sử dụng ma túy. Khi quen với cảm giác “phê” ảo giác, các bạn trẻ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn.

NGỌC KHẢI - VŨ ANH (TT)