Hướng dẫn xử lý tang vật là hàng hóa dễ hư hỏng

Tư vấn - Ngày đăng : 05:33, 02/12/2013

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 173/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.


Trong đó, đáng chú ý là quy định hướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.

Hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng bao gồm: thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy, nổ khác); thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật mà hạn sử dụng còn dưới 60 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; thực phẩm đã qua chế biến và các loại hàng hóa khác mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày theo hạn ghi trên bao bì, nhãn hàng; hàng hóa có tính chất thời vụ (hàng tiêu dùng theo mùa, phục vụ lễ, Tết), hàng điện tử cao cấp (các loại máy tính bảng, điện thoại thông minh) và các loại hàng hóa, vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sau khi có quyết định tạm giữ hoặc quyết định tịch thu sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng.

Theo đó, đối với những hàng hóa, vật phẩm đã bị hư hỏng không còn giá trị, người ra quyết định tạm giữ thành lập hội đồng xử lý để tiêu hủy. Tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của hàng hóa, vật phẩm và yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường, việc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm được thực hiện theo các hình thức như: sử dụng hóa chất; sử dụng biện pháp cơ học; hủy đốt; hủy chôn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Đối với hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng còn lại, người ra quyết định tạm giữ tang vật quyết định và tổ chức bán ngay hàng hóa, vật phẩm đó cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Giá bán hàng hóa, vật phẩm do người ra quyết định tạm giữ tang vật xác định căn cứ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và chất lượng của hàng hóa, vật phẩm đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5-1-2014.