Khó giữ lao động trẻ cho làng nghề
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:10, 03/12/2013
Gần đây không ít nghề có nguy cơ thất truyền do lao động trẻ ngại học nghề và làm việc ở làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Yểng ở làng Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc), người đã có kinh nghiệm làm nghề đan tre gần 20 năm nay,
đang rất muốn truyền lại nghề truyền thống cho con cháu nhưng không người nào muốn học
Hải Dương hiện có hơn 60 làng nghề đã và đang góp phần quan trọng tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, gần đây không ít nghề có nguy cơ thất truyền do lao động trẻ ngại học nghề và làm việc ở làng nghề.
Ngại học nghề
Các cụ cao niên ở làng Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc) kể: Những năm 1960-1970, nghề đan tre ở làng này phát triển rầm rộ. Khi ấy, gần như cả làng cùng làm nghề. Sản phẩm tre đan của làng đã được đem bán ở thành phố. Những năm gần đây nhu cầu sử dụng các sản phẩm đan bằng tre giảm mạnh. Sức tiêu thụ chậm, sản phẩm không bán được, thu nhập thấp khiến nhiều lao động bỏ nghề đi làm công nhân, nhất là những lao động trẻ. Thôn Chằm hiện chỉ còn gần 100 hộ làm nghề đan tre truyền thống với hơn 200 lao động, giảm 70% so với 5 năm trước. Ông Nguyễn Đức Ngoan, Chủ tịch UBND xã Phương Hưng trăn trở: "Để duy trì và phát triển nghề đan tre truyền thống làng Chằm, vào dịp hè xã đã tổ chức các lớp dạy nghề cho học sinh THPT, THCS và những lao động chưa có việc làm ổn định. Tuy nhiên, số người đi học không nhiều, trong khi số thanh niên trẻ biết nghề càng ít dần. Chúng tôi rất lo lắng cho việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống trong thời gian tới". Ông Mai Văn Thạo, con trai của nghệ nhân Mai Văn Thông, người đã vinh dự được đan tặng gia đình Thủ tướng Phạm Văn Đồng cặp giần sàng lo lắng: "Cả làng Chằm còn 200 lao động gắn bó với nghề thì có tới gần 80% là người trung niên và cao tuổi. Lao động trẻ không còn mấy. Nếu cứ tình trạng này, vài năm tới nghề có nguy cơ mai một".
Làng nghề chiếu cói Tiên Kiều, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) cũng trong tình cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Hương làm nghề dệt chiếu hơn chục năm nay chia sẻ: "Tôi rất muốn truyền nghề này cho con dâu nhưng cháu cho rằng nghề của mẹ "không sang lại khó giàu" nên đã xin đi làm công nhân may cho Công ty CP TBT ở xã Thanh Hải". Số lao động làm nghề dệt chiếu truyền thống ở Tiên Kiều giảm rõ rệt qua từng năm. Theo thống kê của xã Thanh Hồng, hiện cả thôn Tiên Kiều chỉ còn hơn 150 hộ làm nghề dệt chiếu, giảm gần 50% so với năm 2012.
Hiện nay ở nhiều làng nghề khác như: mộc Phương Độ, xã Hưng Thịnh (Bình Giang), thêu tranh Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), nghề nấu rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)... số lao động trẻ học nghề, giữ nghề truyền thống cũng giảm dần qua các năm. Nguyên nhân khiến lao động trẻ không mặn mà với việc học nghề và làm nghề truyền thống là do công việc ở các làng nghề không ổn định, mang tính thời vụ. Nghề truyền thống hầu hết đều đòi hỏi tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn nhưng lại cho thu nhập thấp. Đó còn chưa kể nhiều làng nghề khó tiêu thụ sản phẩm. "Thu nhập của người lao động làng nghề chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đi làm công nhân mỗi tháng cũng được ít nhất 3,5 triệu đồng", anh Nguyễn Văn Nam ở làng nghề mộc thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) giải thích về việc không muốn làm nghề mộc truyền thống của làng. Bên cạnh đó, hiện nay không ít các doanh nghiệp đã về nông thôn mở xưởng sản xuất, tạo việc làm ổn định. Người lao động lại được đóng bảo hiểm nên nhiều người đã bỏ việc ở làng nghề đi làm công nhân, nhất là những thanh niên trẻ.
Cách nào để giữ lao động trẻ?
Ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh cho biết: "Lao động trẻ có vai trò quan trọng trong việc giữ và phát triển nghề truyền thống. Do đó, cách tốt nhất để giữ được lao động ở các làng nghề, nhất là giúp các lao động trẻ gắn bó với nghề là các làng nghề phải tự cứu lấy mình. Trước hết, các làng nghề phải liên kết, trao đổi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Khi sản phẩm bán chạy, doanh thu cao cũng đồng nghĩa với việc lao động sẽ có thu nhập tốt, ổn định và thêm gắn bó với nghề do cha ông truyền lại. Ngoài ra, việc đào tạo nghề, truyền nghề cũng cần phải bài bản, khoa học để thu hút người học. Tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm".
Ông Vũ Văn Thép, chủ Doanh nghiệp tư nhân mỹ nghệ Xuân Thép ở làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) cho rằng: "Để giữ lao động ở làng nghề, nhất là lao động trẻ thì việc đầu tiên là các cơ sở sản xuất ở làng nghề phải tạo việc làm ổn định và nâng thu nhập cho họ. Các làng nghề phải xây dựng được thương hiệu, nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường..."
Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ vốn và khoa học kỹ thuật nhiều hơn nữa cho các làng nghề để các làng này tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Sở Công thương cũng cần tăng cường hỗ trợ kinh phí khuyến công trong đào tạo, hỗ trợ các làng nghề. Thường xuyên tổ chức và duy trì các hoạt động như: tôn vinh nghề truyền thống qua các cuộc thi sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hội thi tay nghề giỏi; tổ chức cho các lao động trẻ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở các làng nghề đang duy trì và phát triển.
HẢI MINH
Qua điều tra về tình hình lao động tại 30 nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2011-2012 cho thấy, có hơn 24 nghìn lao động từ 30 đến trên 60 tuổi, chiếm hơn 60% tổng số lao động ở các làng nghề, chỉ có hơn 18 nghìn lao động tuổi từ 18-30, chiếm gần 40%. |