Ngôi chùa vùng địa linh

Di tích - Ngày đăng : 08:44, 06/12/2013

Như rất nhiều làng quê khác trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, thôn Hàm Hy (xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ) xưa kia cũng có một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng.



Khởi công xây dựng tòa tam bảo chùa Đồng

Theo truyền thuyết, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chùa làng Cõi (nay là thôn Hàm Hy) được xây dựng ở giữa thôn, gần đình làng. Năm ấy, một trận lụt lớn tràn về, ngôi chùa bị tàn phá, những đồ thờ tự bị cuốn trôi rồi tụ về gò đất giữa đồng làng. Khu đất này nằm cách trung tâm làng khoảng 300m về hướng tây bắc, xung quanh có nhiều gò với hình thù khác lạ như mâm bồng, long mã, sọt cỏ, hình chiêng, trống, võng lọng, con công... Sau khi xem xét thấy đây là vùng đất phong thủy hội tụ, cho là điềm trời, ý Phật đã định, người dân trong làng cùng phật tử thập phương chung sức dựng nên ngôi chùa tại mảnh đất này và đặt tên rất dân dã là chùa Đồng.

Trong ký ức của nhiều người già thôn Hàm Hy, chùa Đồng vừa gần gũi, thân quen lại vừa thiêng liêng. Bà Phạm Thị Chuyên năm nay 76 tuổi kể rằng, những ngày còn bé bà thường chăn trâu, cắt cỏ trên cánh đồng làng, từ hướng nào cũng nhìn thấy chùa Đồng ẩn hiện giữa vườn cây xanh tốt. Ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ nhất, ba gian, kết cấu chủ yếu bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói mũi. Trước và sau ngôi chùa có hai giếng nước rất to và trong lành. Ngày thường, đám trẻ con khi đó chỉ dám đứng từ xa ngóng nhìn; đến những ngày tuần rằm, mùng một, khi khăn áo chỉnh tề mới theo bố mẹ vào lễ chùa với lòng thành kính.

Trong hơn nửa thế kỷ, chùa Đồng đã là một trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng của người dân địa phương, là nơi nuôi dưỡng tấm lòng hướng thiện, cầu cho quốc thái, dân an, cuộc sống an bình, hạnh phúc.

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Đồng là nơi hoạt động cách mạng của địa phương. Từ đây, cán bộ, bộ đội và dân quân du kích trong vùng đã tấn công địch. Năm 1951, địch đóng bốt ở cầu Cõi trên đường 191, đơn vị bộ đội chủ lực Nguyễn Huệ đã về đây cùng với nhân dân, dân quân, du kích địa phương chống trả quyết liệt. Vì vậy, năm 1952 giặc Pháp đã cho quân phá dỡ chùa Đồng. Ngôi chùa cũ không còn nhưng những đồ thờ tự được người dân chuyển về đền, đình làng, tiếp tục thờ cúng. Trong hơn 60 năm sau đó, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn nên ngôi chùa vẫn chỉ còn trong ký ức. Ước mong khôi phục lại ngôi chùa vẫn canh cánh trong lòng nhiều thế hệ người dân thôn Hàm Hy...

Đến tháng 9-2013, ước mong ấy dần trở thành hiện thực khi lãnh đạo thôn và Ban hộ tự đã làm các thủ tục xin chủ trương và xin cấp phép xây dựng chùa Đồng. Ngày 21-10-2013, Ban Tôn giáo tỉnh đã có công văn đồng ý cho phép xây dựng khôi phục chùa Đồng. Sau đó, quy hoạch xây dựng chi tiết chùa Đồng đã được UBND huyện Tứ Kỳ phê duyệt và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng tòa tam bảo trên diện tích 202 m2. Để có kinh phí xây dựng, lãnh đạo thôn, Ban công tác mặt trận, Ban hộ tự đã xin phép UBND xã Cộng Lạc vận động cán bộ, nhân dân địa phương, những người con xa quê hương, phật tử bốn phương ủng hộ việc xây chùa.

Theo ông Lương Xuân Xe, Trưởng thôn Hàm Hy, việc xây dựng lại chùa Đồng phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân nên được mọi người nhiệt tình ủng hộ. Gò đất giữa cánh đồng làng, vị trí tọa lạc ngôi chùa Đồng cũ trải qua hơn 60 năm vẫn nổi tiếng linh thiêng nên không người dân nào có ý định sử dụng để canh tác hay dùng vào mục đích khác. Trải qua nhiều năm, gò đất cỏ mọc cao cả thước, dân làng tình nguyện bỏ công sức phát cỏ, san ủi tạo mặt bằng để xây chùa. Những buổi lao động đều vui như hội, tuy mệt nhọc nhưng ai cũng phấn khởi, có những ngày cả mấy chục người dân cùng ra đây phát cỏ, làm đất. Tuy kinh tế của nhiều hộ trong thôn còn khó khăn nhưng tất cả 437 hộ đều đóng góp sức người, sức của cho việc khôi phục ngôi chùa. Cho đến ngày động thổ, số tiền quyên góp cho việc xây chùa đã được hơn 210 triệu đồng.

Trở về quê trong ngày động thổ xây dựng tòa tam bảo chùa Đồng, ông Trịnh Quốc Tần đại diện cho những người con xa quê hương của thôn Hàm Hy xúc động nói: "Đây là dịp để những người con xa quê bày tỏ tấm lòng với quê hương. Mong rằng ngôi chùa sẽ sớm được hoàn thành để người dân có một nơi riêng thờ Phật, nuôi dưỡng đời sống tâm linh hướng thiện".

Để mong ước của ông Tần cũng như toàn thể người dân thôn Hàm Hy thành hiện thực, vẫn cần rất nhiều tấm lòng thành ủng hộ để ngôi chùa Đồng sống lại giữa vùng đất linh thiêng.

VIỆT HÒA