“Thuốc” chưa đủ liều!

Môi trường - Ngày đăng : 05:02, 08/12/2013

Do chế tài chưa đủ mạnh nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây bức xúc trong dư luận...



Công ty CP Nhà khung thép và thiết bị công nghiệp (xã Tân Trường, Cẩm Giàng) vừa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, công ty này đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cơ quan chức năng đưa ra khỏi danh sách gây ô nhiễm môi trường


Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng ngăn chặn, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ONMT). Tuy nhiên, do chế tài chưa đủ mạnh, áp dụng chưa kiên quyết cùng với ý thức kém của nhiều chủ cơ sở nên tình trạng ONMT vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Xem ra “thuốc” để trị “bệnh” gây ONMT vẫn chưa đủ liều.

Kiểm soát và xử lý


Từ năm 2008 đến nay, mỗi năm UBND tỉnh đều phê duyệt danh sách các cơ sở gây ONMT dựa trên kết quả kiểm tra những cơ sở này. Đây là một biện pháp quan trọng để cơ quan chức năng theo dõi, yêu cầu cơ sở gây ONMT đầu tư công trình xử lý, bảo đảm thủ tục về môi trường, tiến tới ra khỏi danh sách gây ONMT. Ông Tạ Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hằng năm, sở đều xin ý kiến UBND tỉnh cho thành lập đoàn kiểm tra đánh giá kết quả khắc phục của các cơ sở. Việc kiểm tra nhằm nắm bắt những công việc đã làm, chỉ ra những thiếu sót, đồng thời hướng dẫn cơ sở đó khắc phục ONMT. Những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, cố tình không khắc phục ô nhiễm thì đoàn kiểm tra sẽ xử phạt nghiêm. Từ kết quả kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho UBND tỉnh đưa các cơ sở đủ tiêu chuẩn ra khỏi danh sách gây ô nhiễm. Đối với cơ sở chưa khắc phục được, sở tiếp tục kiểm tra, yêu cầu phải đầu tư công trình để xử lý ô nhiễm”.

Từ đầu năm đến giữa tháng 11 năm nay, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở, với số tiền phạt 192,5 triệu đồng. Các cơ sở này đều cố tình vi phạm về môi trường mặc dù đã được cơ quan chức năng nhắc nhở nhiều lần.

Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - PC49 (Công an tỉnh) cũng đã nhiều lần phát hiện, xử lý cơ sở gây ONMT. Từ đầu năm đến hết tháng 10 năm nay, PC49 đã phát hiện, xử lý 40 tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường, đề nghị xử phạt gần 587 triệu đồng. Ngày 21-8 năm nay, PC49 đã phát hiện Công ty TNHH Công nghiệp Oriental Spots Việt Nam (TP Hải Dương) vi phạm về quản lý chất thải nguy hại. PC49 đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt doanh nghiệp này vi phạm hành chính với số tiền 142 triệu đồng. Trước đó, ngày 10-8, PC49 cũng phát hiện Công ty TNHH Meyitsu Tongda Việt Nam (Cẩm Giàng) vi phạm quy định bảo vệ môi trường đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Trước đó, ngày 18-1-2013, PC49 phát hiện Công ty TNHH Chuyn Jaen (TP Hải Dương) không giám sát môi trường định kỳ, chôn lấp chất thải sai quy định. Sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt công ty này gần 18 triệu đồng.

Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng cũng áp dụng biện pháp mạnh với một số doanh nghiệp như yêu cầu đình chỉ sản xuất, tháo dỡ nhà xưởng. Điển hình là Công ty TNHH một thành viên Thương mại Trường Khánh (Kinh Môn) đã phải tháo dỡ xưởng sản xuất prô-niken.

Trước yêu cầu của cơ quan chức năng, không ít chủ cơ sở đã có ý thức chấp hành, thực hiện các biện pháp khắc phục ONMT. Điển hình là 6 cơ sở đã được chứng nhận ra khỏi danh sách gây ONMT, gồm: Chi nhánh Công ty CP Viglacera Từ Sơn - Nhà máy Hải Dương; Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương; khu công nghiệp Nam Sách; Nhà máy chế tạo thiết bị và đóng tàu Lilama 69-3; Xí nghiệp NPK Hải Dương, nhà hàng Nhất Ly. Ngoài ra, 11 cơ sở đã xử lý ô nhiễm, đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa ra khỏi danh sách là: Công ty TNHH Vimax, Công ty CP Sứ Hải Dương, Công ty TNHH ANT, Công ty CP Đại An, Công ty TNHH Minh Phúc, Công ty CP Golden Sun, Công ty Xi-măng Phúc Sơn, hộ kinh doanh cá thể Nguyễn Thượng Sách, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại dịch vụ Đại Phát, nhà hàng ăn uống và kinh doanh xăng dầu Trung Kiên, Chi nhánh Công ty CP L.Q Joton Hải Dương.

Chỉ vì lợi nhuận?

Hiện nay, vì lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp cố tình gây ONMT, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng. Năm nay, một đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra 41 cơ sở có dấu hiệu gây ô nhiễm qua ý kiến phản ánh của người dân. Kết quả cho thấy, hầu hết các cơ sở đều vi phạm về bảo vệ môi trường. Tính riêng từng lỗi vi phạm thì có 7 cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường, 8 cơ sở chưa có thủ tục hành chính về môi trường, 11 cơ sở chưa kê khai nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải, 11 cơ sở chưa hoàn thành xác nhận công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, 22 cơ sở chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ giám sát môi trường định kỳ, 26 cơ sở quản lý chất thải rắn, nguy hại chưa bảo đảm quy định. Trong đó, 7 cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường gồm: Công ty TNHH Embossa Việt Nam, Công ty TNHH Long Thành, Công ty CP Thế Giới, Công ty TNHH YA-AJM Việt Nam, Công ty CP Bê-tông ly tâm Vinaincon, Công ty TNHH Haivina, Công ty TNHH Hưng Phú.


Việc khai thác đá vôi của công ty TNHH Hoàng An phát sinh bụi, gây ô nhiễm môi trường không khí
đối với người dân khu 2, thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn)


Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 115 cơ sở thuộc danh sách gây ONMT. Qua kết quả kiểm tra, đến nay vẫn còn 23 cơ sở chưa hoàn thành đầu tư công trình, biện pháp xử lý môi trường. Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp đã nằm trong danh sách gây ONMT nhiều năm nhưng vẫn cố tình chưa khắc phục, điển hình là: cơ sở tái chế nhựa Lưu Văn Thuyên, Công ty TNHH Sees Vina, Công ty TNHH Ngọc Sơn, Công ty TNHH Lục Nam, Công ty Máy nông nghiệp Việt Trung, HTX Tiến Đạt, cơ sở tái chế nhựa Hà My, Công ty TNHH Shints BVT, Nhà máy Gạch ốp lát Hải Dương.

Vì sao nhiều cơ sở vẫn tiếp tục gây ONMT, không chịu khắc phục hành vi vi phạm? Trước hết do ý thức chấp hành pháp luật của chủ cơ sở còn kém, sẵn sàng đặt lợi ích kinh doanh cao hơn sức khỏe của người dân. Ngoài ra, ở nhiều vụ việc, cơ quan chức năng xử phạt còn nhẹ khiến doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục… vi phạm. Biện pháp xử lý chủ yếu mới dừng lại ở việc phạt hành chính, mức phạt còn thấp, những biện pháp mạnh hơn như đình chỉ sản xuất, kinh doanh ít khi áp dụng. Đây cũng là lý do khiến nhiều chủ cơ sở “nhờn luật”.

“Liều thuốc” trị “bệnh” gây ONMT đã có nhưng vẫn chưa đủ. Việc ngăn chặn, xử lý cơ sở gây ONMT không chỉ tiến hành ở phần “ngọn” (là khi cơ sở đó đã phát sinh hành vi vi phạm) mà phải phòng ngừa từ phần “gốc”. Cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngay từ khâu chấp thuận đầu tư, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng, giám sát hoạt động môi trường... Những cơ sở có loại hình sản xuất, kinh doanh dễ gây ONMT (hóa chất, luyện kim, tái chế nhựa…) thì việc quản lý, giám sát càng phải chặt chẽ hơn. Người dân địa phương là lực lượng đông đảo nhất để giám sát, phát hiện những cơ sở gây ONMT. Do vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp thu thập, tiếp nhận kịp thời thông tin do quần chúng cung cấp để làm cơ sở cho việc kiểm tra, xử lý. Chú trọng kiểm tra, thanh tra, quan trắc đột xuất để phát hiện ô nhiễm. Khi đã nắm chắc các cơ sở gây ONMT cũng cần phân định rõ từng nhóm riêng biệt. Nhóm các cơ sở gây ONMT nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, cố tình không khắc phục phải xử lý nghiêm minh, thậm chí đình chỉ hoạt động, truy tố trước pháp luật. Nhóm các cơ sở còn lại cần đưa ra lộ trình cụ thể, yêu cầu cơ sở này phải bảo vệ môi trường khi sản xuất, kinh doanh.

NINH TUÂN