Gương mặt cuộc đời với “Công chứng thời gian”

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:41, 24/12/2013


Thời gian là dòng trôi vô định, luôn chứa trong nó một không gian vận động. Bởi vậy “Nó” đâu chỉ là vô hình, vô ảnh? Nó đã thật sự hóa thành “gương mặt cuộc đời” trước bao nhiêu thăng trầm, biến cố còn lưu lại, ngỡ như khó nắm cầm…

“Công chứng thời gian” của Tô Ngọc Thạch là tập thơ được hình thành và tô đậm trong ý thức ấy. Phần dịch thơ sang tiếng Anh của dịch giả Thiếu Khanh đã góp thêm phần sáng tạo, lần nữa đưa thơ tới công chúng rộng hơn trong âm hưởng và ảnh hưởng có được.

Ở “Công chứng thời gian” xuyên suốt phần thơ chọn, Tô Ngọc Thạch luôn bám chặt “diện kiến,” một thế mạnh của người từng mang bước chân mình rong ruổi qua nhiều châu lục. Sự phong lưu của mắt người từng ắp đầy sông núi. Một cái nhìn, cái nghĩ đã hóa thành dáng hình, giọng điệu, còn trên mỗi trang thơ lưu lại…Và như thế “Công chứng thời gian” công chứng “năm tháng đời ta” đã làm nên những khoảnh khắc không mất. Nó hóa thành muôn thuở khi “vạn  vật  thi thành”… Khi “Tâm hình chi quân/ Thần minh chi chủ…” đó chăng?

Câu hỏi, thời gian dài dặc ấy đã làm nên công chứng, hay vai trò thứ nhất, nơi cảm xúc tâm hồn, nơi năng lực liên tưởng, năng lực tái tạo và sáng tạo hiện thực của thi nhân.

Điều dễ thấy, trước tầng nổi choáng ngợp, nhà thơ và những câu thơ ở đây cũng ngổn ngang cùng không gian trong sự đồng hiện của bao nhiêu nét vẽ từ trực cảm, trực tả, từ những phác thảo, chấm phá thế này: “…Thế giới này/ Ngày không cạn sang đêm/ Giá trị đồng tiền hay thặng dư lãi suất/ Chiết khấu linh hồn trăm phần trăm thể xác/… Một thế giới riêng trên vùng đất hoang đường (Las Vegas).

Trên mạch đi này, nhà thơ của “Công chứng thời gian” rất cần một năng lượng vận động ở sức khái quát. Ở sự chọn lựa một thi liệu điển hình trước lượng thông tin từ nhiều phía. Ví như, khi đến với “Phố Bắc Kinh” hay ngắm “Bức tranh siêu thực” hay “Giấc mơ tái sinh” rồi “Uống cạn Xibia”… Rồi ở “Xibia đồng hành” (trích từ trường ca), thơ Tô Ngọc Thạch càng bộc lộ mạch trội này. Người đọc gặp “cái ngoài ta” thật bộn bề nơi cán cân giữa hai đầu giao cảm của tâm hồn và cuộc đời trước mặt. Một tâm cảm lặn chìm vào cảnh và sự. Một tiếng lắng lấp lánh ở phía sau nơi con sóng điệp xô. Một thi pháp để người viết ôm đồm, kể nhiều, tả nhiều được “cái tỷ phú” của cảnh, của sự nơi tháng năm mình “diện kiến”. Không ít lần làm sâu thêm những ý tưởng, phát hiện, Tô Ngọc Thạch đã tạo nên ra những “lát cắt” trong cách nhìn sự vật. Khi nhà thơ có “Một phản biện về Nữ thần tự do” hay “Bài học tâm linh”. Đấy là “cái tứ” tạo nên điểm sáng của thơ trước sức tỏa rạng và hội tụ.       

Bên dòng thơ “lấy chân dung của thế giới thứ nhất” làm  không gian thơ “Công chứng thời gian” của Tô Ngọc Thạch còn mạch ngầm mà người viết ý thức khơi sâu, tạo “sức động” cho thơ phát lộ. Đấy là “Hồn chữ”phần II tập thơ, phần tiêu biểu cho mạch tìm này. Phải nói từ “Hồn chữ", "Giọng văn", "Cánh diều mùa xuân",  "Sông Hóa"..., những bài thơ, những câu thơ có từ ngẫm suy, trải nghiệm. Từ ý thức mở ra vô thức. Từ cái thật “cái có” được ảo đi trong ranh giới cụ thể mà trừu tượng…Để có được dư vang, ấn tượng nơi con chữ nhập thần. “Hồn chữ” là ý thức hay khát vọng của nhà thơ trước mỗi trang thơ muốn vươn tới giá trị hữu ích? Ví như: “Đời người thơ/mong vài chữ từ hồn mình/sang làm tổ trong lòng người đọc… Rồi: “Đi tìm con chữ thép/Tìm con chữ đớn đau như sản phụ lâm bồn”(Hồn chữ)… Hoặc ở “Cánh diều mùa xuân” vẫn là gốc của nguồn thơ suy tưởng, những câu thơ “quằn” lên trong vẻ chau chuốt, cầu kỳ: “Tôi phất hồn mình thành cánh diều/mùa xuân thả vào bầu trời thơ ấu/Hương lúa thơm lừng lựng góc trời quê/Hạt thóc đớn đau cõng bao mưa nắng tái tê/Mẹ tãi nhọc nhằn ra phơi/trong những ngày giông gió/Lật tìm bóng mình dưới sá cày sấp ngửa…” (Giọng văn). Hoặc “Âm bản tháng năm dúm dó bóng cô đơn/Tôi lang thang/Tìm được giấc chiêm bao còn đang ngái ngủ/Đêm cuối năm vẹt mòn thềm quá khứ…” (Lửa tình)…         

Sau bút ký “Trôi dạt cõi người”, rồi tập thơ dịch các nhà thơ tiêu biểu của nước Nga-Xô viết, “Công chứng thời gian”  là tập thơ thứ sáu của Tô Ngọc Thạch. Với 27 bài được chọn trong tập, với hai văn bản, một nguyên bản thơ và một văn bản được dịch qua Anh văn, “Công chúng thời gian” chắc chắn tìm được lối mở đa diện trên con đường đến với nhiều bạn đọc, bạn viết.

KIM CHUÔNG