Tham luận

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 17:04, 13/01/2014

Trong một năm công tác của các cơ quan, địa phương, đơn vị có nhiều hội nghị, cuộc họp để đánh giá, sơ kết, tổng kết và triển khai công việc.


Bên cạnh các tham luận có chất lượng góp phần thành công cho các cuộc họp, vẫn có không ít các bài tham luận dài dòng, lan man, không đúng trọng tâm, gây lãng phí thời gian. Có những bài tham luận chẳng liên quan gì đến báo cáo được trình bày, bởi vì đại biểu dự họp được giao phát biểu và viết tham luận trước đó vài ngày mà không được nghiên cứu trước văn bản. Có những bài tham luận độ dài tới vài trang giấy A4 nhưng chỉ nặng về kể lể thành tích, còn những đề xuất, kiến nghị thì đề cập sơ sài, chiếu lệ. Có những cuộc họp phần thảo luận quá ngắn do phần diễn văn khai mạc, chào mừng và phần trình bày báo cáo. Có không ít đại biểu được mời phát biểu nhưng chưa nghiên cứu kỹ văn bản nên chất lượng tham luận không cao hoặc chỉ cho rằng “nhất trí cao” hoặc “hoàn toàn nhất trí” với báo cáo đã trình bày.

Do vậy, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần chuẩn bị cuộc họp chu đáo và khoa học, xác định rõ những nội dung nào cần trình bày chi tiết, tóm tắt, những nội dung nào đại biểu tự nghiên cứu tài liệu; xác định rõ thời gian cho từng nội dung; phân công rõ trách nhiệm người điều hành, khai mạc, báo cáo, tham luận, kết luận… Giấy triệu tập hoặc giấy mời cần gửi trước ít nhất là 3 ngày làm việc theo quy định, kèm theo tài liệu, văn bản, nội dung, yêu cầu và những gợi ý liên quan đến nội dung cuộc họp (trừ trường hợp các cuộc họp đột xuất) để các đại biểu nghiên cứu và chuẩn bị tham luận. Các tài liệu có thể gửi qua thư điện tử để đại biểu góp ý trực tiếp vào văn bản, góp phần giảm chi phí in ấn tài liệu. Đại biểu phát biểu tham luận phải hiểu được đặc điểm của một bài tham luận, tránh tình trạng bài tham luận giống như một bản báo cáo thành tích. Bài tham luận phải đề cập tới những vấn đề cần giải quyết hoặc cần nêu lên để hội nghị, hội thảo thấy được hiện trạng, vấn đề đặt ra. Tham luận phải đưa ra những thông tin có ích và có trọng tâm. Tham luận cũng phải có tính phản biện, nghĩa là phải có những ý kiến đồng tình hay phản bác về một vấn đề nào đó, cách giải quyết hiện tại hay đồng tình hoặc không đồng tình trước những đánh giá về ưu điểm, khuyết điểm nào đó. Trong bài tham luận, đại biểu ngoài việc tham gia vào một vấn đề nào đó còn phải nêu được những đề xuất, giải pháp, phương pháp để giải quyết những vấn đề mình đưa ra...

Trong điều kiện cả nước đang thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc đổi mới, nâng cao chất lượng các tham luận tại hội nghị đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính là việc làm có ý nghĩa thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

LÊ VĂN NGUYÊN(Cẩm Giàng)