Người Việt ở Pháp đấu tranh cho Hoàng Sa
Tin tức - Ngày đăng : 08:04, 17/01/2014
Bốn diễn giả tham gia buổi tọa đàm trực tiếp về Hoàng Sa và Trường Sa trên mục “Kiosque” của Đài TV5: 1/ Joav Toker - nhà báo Israel hiện đang giảng dạy quan hệ quốc tế cho ĐH Sorbonne (Paris) - 2/Alexandra Szacka - nhà báo Canada làm việc cho Đài Radio - Canada - 3/ Võ Trung Dung - nhà báo Pháp gốc Việt - 4/ Louis Keumayou - nhà báo chính trị của Cameroon, chủ tịch Hiệp hội Báo chí Liên Phi (APPA) - Ảnh trích từ chương trình TV5 cùa Pháp. |
Ngày 11-1 là một ngày đặc biệt với ông Quốc Minh. Đã 75 tuổi vậy mà hôm đó với cây ba toong hỗ trợ, ông đi lại nhanh nhẹn thấy rõ, trên hè phố quận 13 - mệnh danh là khu châu Á tại Paris.
Ở nhà thờ có tuổi thọ đã 110 năm ấy, hôm 11-1 Hội cựu thủy thủ của Việt Nam Cộng hòa tại Pháp - một tổ chức bạn hữu phi chính trị - tổ chức buổi họp mặt thông tin về lịch sử và tình hình hiện tại trên biển Đông của Việt Nam. Ai thích thì đến nghe. Nhưng cũng có đến 120 khán giả, trong đó 40% là Việt kiều trẻ, 20% là những người Pháp.
Câu chuyện ngày hôm đó nhắc nhiều đến cuộc chiến tháng 1-1974 trên biển Đông và nỗ lực của mọi người Việt cùng tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước.
Sống chết cùng đồng đội
Ông Quốc Minh từng là hạ sĩ quan truyền tin của hải quân Việt Nam Cộng hòa, đóng tại Đà Nẵng. Ông đảm trách việc liên lạc mật mã giữa trung tâm chỉ huy hải quân và các tàu chiến Việt Nam tham gia cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa.
Ông nhớ lại: “Trong suốt một tuần, tôi ăn ngủ tại chỗ với mong ước sống chết cùng đồng đội đang bảo vệ đất nước. Do đảm trách việc liên lạc sóng vô tuyến nên tôi gần như nắm bắt diễn tiến các sự việc từng phút. Thật sự là đôi khi tôi cảm thấy bất lực vì ở xa quá, không thể tham chiến cùng đồng đội!”.
Sau vài phút lặng đi như thể để kìm nén xúc động, ông Minh tiếp tục nối mạch câu chuyện với hiện tại: “Hôm nay tôi thấy hạnh phúc khi mọi người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, tiếp tục bảo vệ đất nước và sẽ làm mọi việc để lấy lại toàn vẹn Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề này trên phương diện pháp quyền và trong đối thoại, để mọi người, cả người Việt, người Trung Quốc (TQ) được chung sống trong hòa bình và cùng phát triển trong sự tôn trọng lẫn nhau”.
Cuộc đấu tranh trên mạng xã hội
Những ngày này Paris lạnh giá nhưng nhiệt độ lại đang tăng nhanh trên Facebook, Twitter và các blog của người Việt tại Pháp. Các Việt kiều trẻ, du học sinh Việt Nam tại Pháp và giới trí thức Pháp gốc Việt đang làm nóng các mạng xã hội này với các bài phân tích, bình luận, các hồ sơ về Hoàng Sa bằng tiếng Pháp, tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Họ tin chắc những câu chuyện, tài liệu của mình đăng tải sẽ nhanh chóng truyền đến công luận ở châu Âu.
Góp phần tích cực là tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, một tiến sĩ trẻ chuyên ngành cầu đường đang làm việc ở Tập đoàn công nghệ Systran của Pháp. Ngoài công việc chuyên môn, anh còn tham gia nghiên cứu với nhóm nghiên cứu về biển Đông và thành viên thành lập của Quỹ nghiên cứu biển Đông. Anh vừa có bài viết đăng trên blog chuyên về châu Á của nhật báo Pháp Le Monde hôm 12-1.
Qua email, tiến sĩ Tĩnh khẳng định: “Với bài này, tôi muốn nhắc lại với thế giới chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, lên án hành vi cưỡng đoạt của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế. Thông điệp cụ thể cho người Pháp rút ra từ đó là: Trung Quốc đã làm những điều trái công pháp quốc tế trong quá khứ, và nước này lại đang có những hành động gây hấn trong hiện tại. Nhìn lại lịch sử, theo dõi chuỗi hành động của Trung Quốc để hiểu ý nghĩa của hiện tại và đoán trước một tương lai sẽ không tươi sáng nếu người Pháp và thế giới không có những phản ứng rõ rệt. Hi vọng dư luận Pháp hiểu được rằng việc nhiều lần vi phạm những giá trị phổ quát của con người như công bằng, hòa bình, luật pháp quốc tế của Trung Quốc mà không ai phản đối sẽ là tiền lệ cho những điều xấu hơn trong tương lai”.
Anh cũng đề cập vai trò của người Việt ở nước ngoài: “Người Việt ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng. Họ có khả năng tiếp cận với các định chế, tổ chức quốc tế để yêu cầu, kêu gọi sự quan tâm, phản đối của quốc tế đối với các hành động ngang ngược của Trung Quốc”.
Về phía Quỹ nghiên cứu biển Đông, do các chuyên gia, trí thức và sinh viên Việt Nam tại Pháp thành lập, họ vừa đưa ra bản thỉnh nguyện thư để gửi đến Liên Hiệp Quốc. Chiến dịch này đã nhanh chóng lan tỏa qua Internet, thông qua các mạng xã hội và được chia sẻ rất nhanh. Báo chí trên mạng ở Pháp cũng vào cuộc. Một blogger người Pháp có tên “Le carnet du Nem” viết: “Cha tôi là người Việt, mẹ tôi người Pháp, tôi sinh ra ở Pháp và cũng chỉ biết đôi chút về Việt Nam. Dẫu thế tôi cảm thấy rất lưu tâm đến việc bảo vệ đất nước của cha tôi vì đó cũng là một nửa dòng máu của tôi. Tôi tin vào hiệu quả và sự lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội”. Anh cũng nhấn mạnh: “Nay đã cấp thiết lắm rồi xét theo sự leo thang từ phía Trung Quốc, như việc đơn phương lập ra Vùng nhận dạng phòng không (ADZ) trên biển Hoa Đông cũng như quy định buộc các tàu đánh cá quốc tế phải khai báo khi hoạt động. Rõ là chúng ta phải làm mọi cách để lấy lại những vùng lãnh thổ của mình dù rằng tôi hiểu việc đó sẽ dài lâu và khó khăn. Nhưng cần phải bắt đầu ngay từ bây giờ...”.
Và... truyền hình
Nhờ vào các mạng xã hội mà cánh nhà báo (thông qua đó tìm kiếm thêm nguồn thông tin) mạng và phát thanh truyền hình Pháp đã chú ý đến thông tin về kỷ niệm vụ Trung Quốc tấn công chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam và những thách thức trên biển Đông hiện nay. Chẳng hạn hôm 12-1, Đài TV5 Monde, một đài truyền hình tiếng Pháp bản phát quốc tế có nhiều khán giả, đã làm chương trình về cuộc hải chiến Hoàng Sa và những thách thức chiến lược về biển Đông hiện nay trong mục “Kiosque”.
Trong chương trình đó, sau phần giới thiệu một video clip kể lại các sự kiện chính tháng 1-1974, nhà báo Võ Trung Dung, một cộng tác viên tại Pháp của Tuổi Trẻ, trong vai trò diễn giả đã nhấn mạnh: “Những thách thức trên biển Đông đã vượt quá khuôn khổ khu vực. Nó liên quan đến cộng đồng quốc tế xét theo tầm mức địa chính trị chiến lược của phần khu vực này ở Thái Bình Dương. Trung Quốc nhìn thấy ở đây các lợi ích sống còn: đường hàng hải với 1/3 số tàu thuyền thương mại đi qua, những nguồn khoáng sản quý hiếm và những eo biển sâu thuận lợi cho việc ra vào của tàu ngầm. Trung Quốc không muốn có tài phán quốc tế ở những vùng lãnh thổ đang tranh chấp tại đây. Thế nhưng đó lại là phương cách duy nhất để đạt đến giải pháp dài lâu và mang tính toàn cầu”.
* * *
...Giờ đã là 16g30 ngày 11-1. Trời đã sụp tối ở nhà thờ St Hippolyte. Mùa đông nên trời nhanh tối. Ông Quốc Minh chia tay cử tọa còn đang bồi hồi nhiều cảm xúc về những câu chuyện quá khứ và hiện tại. Có vẻ ông Minh cũng thấm mệt sau hai giờ nói chuyện liên tục với các Việt kiều trẻ, với những người bạn Pháp về lịch sử của quần đảo Hoàng Sa, về cuộc chiến giành lại nó...
(Nguồn: Tuổi trẻ)