Hoài niệm nghề xưa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:35, 02/02/2014

Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, nhiều nghề thủ công truyền thống đã mai một, thất truyền.


Tuy nhiên, nhiều bậc cao niên vẫn nhớ như in những tháng năm sôi động của làng nghề một thời.



Ngôi đình thờ tổ nghề khắc ván in mộc bản ở thôn Liễu Tràng, xã Tân Hưng (TP Hải Dương) vẫn còn lưu giữ những mộc bản


Một thời vang bóng

Một buổi chiều muộn trong ngôi đình rêu phong, cổ kính thờ Thám hoa Lương Như Hộc, ông tổ nghề khắc ván in Hồng Lục - Liễu Tràng, mấy cụ già trong ban quản lý di tích vừa lần tìm những quyển sách đã ngả màu thời gian, một vài tấm ván khắc in đã cũ vừa kể về nghề thủ công "độc nhất vô nhị" của quê hương với giọng đầy tự hào. Từ hai học trò đầu tiên, nghề khắc ván in hình thành ở các thôn Hồng Lục, Liễu Tràng rồi lan sang thôn Khuê Liễu. Không bao lâu, nghề khắc và in mộc bản ở đây trở nên nổi tiếng, đảm đương việc khắc in những bộ sách đồ sộ của triều đình phong kiến, kinh sách cho các nhà chùa hoặc học trò in sách của thầy học. Với bàn tay tài hoa và bộ óc sáng tạo, những người thợ nơi đây đã đưa nghề khắc ván in mộc bản lên đỉnh cao, thể hiện rõ nhất nét tinh hoa và đặc trưng của con người xứ Đông: tỉ mỉ, kiên nhẫn và chứa đựng nhiều nét văn hóa độc đáo.

Do biến thiên của thời gian, số lượng người còn giữ được nghề khắc ván in chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Năm nay đã 80 tuổi, cụ Phạm Văn Vỹ ở số nhà 131C phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), một trong số rất ít người Hồng Lục - Liễu Tràng còn theo nghề truyền thống của quê hương, vẫn nhớ như in thời kỳ sôi động của làng nghề: "Thời đó, gần như cả làng cùng làm nghề, cứ đến buổi chiều là tiếng đục gỗ lách cách vang lên khắp làng trên xóm dưới. Trước hiên nhà, những người đàn ông miệt mài khắc chữ, phụ nữ mải miết in sách. Sang đến đầu thế kỷ XX, mặc dù kỹ thuật in phương Tây du nhập vào nước ta, nhưng nghề khắc ván in vẫn khá thịnh hành".

Xứ Đông có nhiều nơi làm nghề nhuộm, nhưng nổi tiếng nhuộm các sắc màu với trình độ điêu luyện, đáp ứng được yêu cầu từ vua chúa đến thứ dân phải là thợ nhuộm làng Đan Loan, xã Nhân Quyền (Bình Giang). Dân gian biết đến Đan Loan nhờ bàn tay của người thợ nhuộm trước khi biết đến một Đan Loan là quê hương của Phạm Đình Hổ, tác giả của Vũ Trung tùy bút. Theo các tài liệu lịch sử, nghề nhuộm xuất hiện ở Đan Loan từ khá sớm, bởi đến thế kỷ XVII, những người thợ nhuộm Đan Loan đã có mặt đông đảo ở phố Hàng Đào thuộc kinh thành Thăng Long. Chỉ bằng những nguyên liệu từ tự nhiên như: củ nâu, lá chàm, lá sồi, lá bàng, lá rum, cánh kiến, bùn đen... thông qua bàn tay tài hoa của người thợ, sắc màu rực rỡ sẽ xuất hiện trên từng mảnh vải tùy theo yêu cầu của khách hàng. Anh Nguyễn Quốc Dụng, một trong 4 gia đình còn giữ nghề nhuộm truyền thống của thôn cho biết: "Chỉ cách nay vài chục năm, hầu như nhà nào trong làng cũng theo nghề nhuộm. Ngày ấy, người thợ nhuộm không ngồi nhà chờ khách mà phải đến các chợ, phố thị, làng quê nhận hàng nhuộm tại chỗ. Vào những lúc nông nhàn, nhất là dịp giáp Tết, chúng tôi lại đòn gánh trên vai, quẩy đôi bì lớn bằng vầu sơn đi đến các làng, các chợ, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác để nhuộm quần áo và các đồ dùng bằng vải cho đình, chùa".

Cách nay gần hai chục năm, chiếc lược bí vẫn còn là vật bất ly thân của các bà, các mẹ từ thành thị đến nông thôn. Chiếc lược tre tuy đơn sơ, giản dị, nhưng lại thể hiện nét tài hoa, khéo léo của những người dân quê. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Hoạch Trạch thì nghề làm lược tre ra đời cách nay trên 300 năm do một người con của làng là tiến sĩ Nhữ Đình Hiền học được trong một lần đi sứ. Thời kỳ cực thịnh của nghề làm lược tre là từ sau năm 1975 đến trước năm 2000. “Lúc cao điểm, mỗi tháng làng Vạc làm ra được khoảng 1 triệu chiếc lược. Mỗi khi làm xong, các gia đình lại mang lược ra chợ làng bán buôn. Hầu như ngày nào cũng có xe ô-tô về lấy hàng mang vào miền Nam tiêu thụ. Cũng có người mang lược bán ở chợ tỉnh, lên Hà Nội hoặc các tỉnh phía Bắc”, ông Thắng bồi hồi nhớ lại.

Lưu giữ lấy nghề xưa

Theo đánh giá của nhà sử học Tăng Bá Hoành, tỉnh ta có nhiều nghề thủ công xuất hiện sớm, đáp ứng hầu hết các nhu cầu trọng yếu của đời sống nhân dân. Ngành dệt vải lụa có nhiều trung tâm nổi tiếng như: đũi Thông, vải Mao Điền... Làm cho lụa đẹp có làng Đan Loan nhuộm màu. May vá có làng Phú Khê xe chỉ. Thêu thùa có làng Xuân Nẻo. Chiếu hoa, chiếu đậu đã có các xã khu Hà Đông (Thanh Hà) đảm nhiệm. Xây dựng đình, chùa có thợ Cúc Bồ. Thợ Đông Giao chuyên chạm khắc đồ thờ tự. Gốm Chu Đậu đã nổi tiếng toàn thế giới. Món ăn ngon có bánh gai Ninh Giang, bánh đậu xanh Hải Dương. Phục vụ nông nghiệp có nghề mây tre đan Đan Giáp, giần sàng Thị Tranh, ấp vịt Đông Phan... Một số nghề đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của triều đình, quan lại và nhân dân cả nước như khắc ván in Hồng Lục - Liễu Tràng, giầy dép da Tam Lâm, lược tre làng Vạc, vàng bạc Châu Khê. Nhiều thợ lành nghề làm việc ở Thăng Long - Hà Nội đã lập nên những phố hàng nghề nổi tiếng như Hàng Đào, Hàng Lược, Thợ Nhuộm, Hàng Bạc... Trình độ nghề nghiệp của người thợ thủ công xứ Đông không kém thợ thủ công của nhiều nước trên thế giới, có thể tạo ra nhiều mặt hàng cao cấp, tinh xảo.

Tuy nhiên, do sự biến động của lịch sử, nhu cầu và thị hiếu của người dân thay đổi nên có nhiều làng nghề chỉ còn trong ký ức hoặc có nguy cơ mai một. Về Liễu Tràng bây giờ, ngôi đình lớn thờ ông tổ nghề khắc ván in mộc bản Lương Như Hộc vẫn còn giữ nhiều sắc phong của các triều đại và câu đối, đại tự, thần tích ca ngợi công lao của ông, nhưng người làm nghề thì không còn nhiều. Thôn Hồng Lục đã đổi tên thành Thanh Liễu. Tam Dương hay Quán Sếu là nơi khách nghỉ chân khi về tìm thợ khắc in cũng đã tiêu điều, không còn sầm uất như xưa. Hiện chỉ còn vài người thợ đã chuyển sang nghề khắc dấu mưu sinh ở TP Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng. Ông Phạm Văn Vỹ lo lắng: "Chẳng lẽ lại để nghề thủ công độc đáo này bị thất truyền. Lớp người như chúng tôi không còn nhiều. Tôi mong chính quyền tổ chức những lớp truyền nghề để chúng tôi truyền lại cho con cháu, hy vọng giữ được nét văn hóa độc đáo của quê hương".

Nghề làm lược tre ở làng Vạc cũng đìu hiu khi những chiếc lược nhựa bền, đẹp đã thay thế cho những chiếc lược tre bình dị, đơn sơ. Lược tre bây giờ được lái buôn chuyển vào miền Nam rồi xuất sang Lào, Cam-pu-chia. Làng nhuộm Đan Loan nổi tiếng một thời, nay cũng chỉ còn vài gia đình theo nghề. Những gói phẩm màu công nghiệp đã thay thế cho đôi bàn tay tài hoa và con mắt tinh tường của người thợ.

Dù sao so với các nghề đã thất truyền thì lược Vạc, nhuộm Đan Loan hay một vài nghề khác vẫn may mắn là còn có người theo nghề. Việc giữ nghề và truyền nghề lại cho lớp cháu con là điều cần thiết để lớp hậu sinh hiểu được những giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng sản phẩm của cha ông.

VỊ THỦY