Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị mắc sởi
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 23:27, 22/02/2014
Tránh để con tiếp xúc với nguồn lây bệnh, chú ý các triệu chứng đặc trưng của sởi, dấu hiệu khởi phát có thể là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc hoặc viêm thanh quản (một trong những triệu chứng rất hay gặp ở trẻ bị sởi, trẻ sẽ khóc khàn tiếng). Khi có biểu hiện sốt phát ban cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, điều trị tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra. Những trường hợp mắc sởi nhẹ được hướng dẫn điều trị tại nhà thì cha mẹ đừng cố gắng đưa con vào viện vì lúc này rất đông bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm cao. Cần cách ly, hạn chế tiếp xúc, người lớn chưa được miễn dịch với sởi cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nên vẫn phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Tiêm phòng sởi 1 mũi chưa đủ khả năng tạo miễn dịch cao nên cần tiêm đủ 2 mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng lúc 9 tháng tuổi và lần thứ 2 vào 18 tháng tuổi.
Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc- xin sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra. Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm. Khi khỏi có thể tiêm được. Không tiêm khi có dị ứng với vắc-xin; không nên tiêm cho phụ nữ có thai; không tiêm cho các trường hợp suy giảm miễn dịch. Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc-xin sởi.
Nếu không có các biến chứng thì điều trị sởi quan trọng nhất là chăm sóc cho trẻ, bảo đảm vệ sinh da, mắt, miệng, họng… bảo đảm đủ dinh dưỡng nâng sức đề kháng cho trẻ, dùng vi-ta-min A tránh biến chứng về mắt do sởi gây nên, cung cấp đủ dịch và cách ly chặt chẽ trong suốt giai đoạn có viêm long đường hô hấp cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.
(Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh)