Nhiều ưu điểm
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 04:53, 23/02/2014
Giá thành hợp lý, lượng chứa lớn, có thể xử lý chất thải chăn nuôi, bèo tây... để tạo ra khí sinh học là những ưu điểm chính của bể Cigar...
Giá thành xây dựng bể Cigar chỉ bằng 40-50% so với bể bi-ô-ga theo công nghệ KT1, KT2, composite.
Trong ảnh: Bể Cigar tại nhà anh Vũ Văn Mười ở thôn Hòa Bình (xã Cẩm Đoài, Cẩm Giàng)
Phù hợp cả chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ
Từ cuối năm 2012 đến nay, Trung tâm Tư vấn bồi dưỡng và Phát triển khoa học, công nghệ đã hướng dẫn người dân tại 4 xã, phường xây dựng, đưa vào sử dụng 5 bể Cigar. Xã Tân Hương (Ninh Giang) có 1 bể 40 m3. Hai xã Thanh Hồng (Thanh Hà) và Cẩm Đoài (Cẩm Giàng), mỗi nơi có 1 bể 30 m3. Phường Cộng Hòa (Chí Linh) có 1 bể 30 m3 và 1 bể 45 m3.
Nhà anh Vũ Văn Mười ở thôn Hòa Bình (xã Cẩm Đoài) thường xuyên nuôi 15 con lợn thịt, 1 con lợn nái, hàng chục gà, ngan. Trước đây chưa có bể Cigar, lượng chất thải chăn nuôi nhiều, anh Mười rất ngại vào chuồng dọn chất thải vì mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn chất thải chăn nuôi không tận dụng triệt để gây lãng phí. Mỗi tháng, anh phải chi khoảng 500 nghìn đồng để mua than, ga phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thấy nhiều người dùng bể bi-ô-ga xử lý chất thải chăn nuôi, tạo ra khí sinh học để đun nấu, anh Mười đã tìm hiểu công nghệ này. Ban đầu, anh dự định chi 13 triệu đồng để mua bể composite (dung tích khoảng 9 m3). Tuy nhiên, anh Mười lại đắn đo khi thấy một số người dùng bể này có chi phí đầu tư cao, khối lượng chứa chất thải ít, lượng khí ga tạo ra không nhiều. Sau khi được một người thân giới thiệu về bể Cigar, anh Mười đã tới nhà ông Nguyễn Văn Phượng ở xã Tân Hương (Ninh Giang) để tìm hiểu. Ông Phượng là hộ dân đầu tiên xây dựng bể Cigar ở tỉnh ta. Thấy dùng bể này có nhiều ưu điểm, ngày 9-4-2013, anh Mười bắt đầu xây dựng bể Cigar, hoàn thành vào ngày 12-4-2013. Tổng chi phí đầu tư hơn 15 triệu đồng. Bể được bố trí ở gần chuồng chăn nuôi. Chất thải được chuyển vào một hố ga, rồi dẫn vào hồ chứa kỵ khí được bao phủ bằng nhựa HDPE. Trong hồ chứa kỵ khí, chất thải được phân hủy sinh ra khí sinh học, một phần nước xả ra được chứa ở một hố ga. Nước xả này đã được khử bớt mùi, có thể sử dụng làm nước tưới cho cây trồng. Nguồn khí sinh học sinh ra, anh Mười để nấu ăn cho gia đình và nấu cám cho gia súc, gia cầm. Sau gần 1 năm sử dụng, anh Mười cho biết: “Dùng bể Cigar mang lại nhiều hiệu quả. Nhờ có nguồn khí sinh học dồi dào, mỗi tháng, tôi tiết kiệm khoảng 500 nghìn đồng tiền mua nhiên liệu. Lượng khí ga sinh ra có thể đun nấu thoải mái. Ngoài ra, chất thải được xử lý giúp chuồng trại sạch sẽ hơn”.
Để xử lý chất thải của hàng chục con lợn thịt, lợn nái, ông Nguyễn Mạnh Hải ở thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) cũng muốn xây bể bi-ô-ga. Qua tìm hiểu thấy bể Cigar có nhiều ưu điểm, giá thành thấp hơn so với bể KT1, KT2, composite có cùng thể tích nên ông quyết định xây dựng 1 bể vào tháng 4-2013. Sau 4 ngày thi công, một bể Cigar thể tích 30 m3 hoàn thành. Tổng chi phí đầu tư cho mua nhựa HDPE, cọc tre, đường ống, xây dựng… hết khoảng 16 triệu đồng. “Việc xây dựng bể rất nhanh, dễ làm. Chi phí đầu tư thấp hơn so với bể bi-ô-ga theo công nghệ KT1, KT2, composite có cùng thể tích. Mỗi tháng, nhà tôi tiết kiệm hàng trăm nghìn tiền mua nhiên liệu đun nấu vì được sử dụng khí ga từ bể Cigar. Khi chưa có bể Cigar, chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Giờ đây chất thải được thu gom, xử lý nên môi trường đã được cải thiện”, ông Hải cho biết.
Nguồn khí gas từ bể Cigar đã giúp gia đình ông Nguyễn Mạnh Hải ở thôn Lập Lễ, xã Thanh Hồng
(Thanh Hà) có đủ nhiên liệu đun nấu hằng ngày
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn bồi dưỡng và Phát triển khoa học, công nghệ, bể Cigar được dùng nhiều tại các tỉnh miền Nam, thể tích mỗi bể từ hàng chục đến hàng vạn m3. Tỉnh ta hiện có khoảng 14 nghìn bể bi-ô-ga, chủ yếu là các bể xây bằng vật liệu “cứng” theo công nghệ KT1, KT2, một số ít bể làm bằng vật liệu composite. Các bể bi-ô-ga theo công nghệ KT1, KT2, composite chỉ phù hợp với quy mô chăn nuôi nhỏ và vừa, nuôi khoảng dưới 50 con lợn. Những gia trại, trang trại nuôi hàng trăm gia súc, hàng trăm nghìn con gia cầm khó có thể dùng các loại bể này vì chi phí đầu tư cao. Ông Thái cho biết: “Chi phí xây bể Cigar chỉ bằng 40-50% so với bể KT1, KT2, composite. Cụ thể, xây bể Cigar có giá khoảng 500-600 nghìn đồng/m3, bể KT1, KT2 là 1,2-1,4 triệu đồng/m3, bể composite là 1,3-1,5 triệu đồng/m3. Bể Cigar có dung tích lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng vạn m3. Nó phù hợp với cả quy mô chăn nuôi lớn, vừa và nhỏ”. Ngoài xử lý chất thải chăn nuôi, bể Cigar có thể xử lý cả bèo tây, chất thải làng nghề chế biến nông sản, lò giết mổ gia súc, gia cầm. Việc thi công bể Cigar cũng rất nhanh, chỉ khoảng 4 ngày đối với 1 bể 30 m3. Vừa qua, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Cigar cũng đã đoạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8 (2012-2013).
Cần được nhân rộng
Một trong những khó khăn khi áp dụng bể Cigar là cần chọn mặt bằng ở chỗ thông thoáng, có nhiều ánh sáng. Phía trên bể Cigar lộ thiên để nhựa HDPE hấp thu nhiệt lượng cho quá trình phân hủy chất hữu cơ. Vì thế, bể Cigar không thể chôn ngầm hẳn như bể KT1, KT2, composite. Những bể chôn ngầm có thể tận dụng mặt bằng phía trên để sử dụng cho mục đích khác. Một số người lo lắng về độ bền của vật liệu HDPE khi làm bể Cigar. Ông Nguyễn Ngọc Thái khẳng định, nhựa HDPE có tuổi thọ 20-30 năm.
Hiện nay, Trung tâm Tư vấn bồi dưỡng và Phát triển khoa học, công nghệ đã lập dự án dùng bể Cigar để xử lý chất thải chăn nuôi, bèo tây trình UBND tỉnh. Dự kiến, trung tâm sẽ xây dựng một số bể Cigar để xử lý chất thải làng nghề bánh đa Hội Yên, chất thải chăn nuôi ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Với những ưu điểm của bể Cigar, Trung tâm Tư vấn bồi dưỡng và Phát triển khoa học, công nghệ mong muốn được cơ quan chức năng hỗ trợ để nhân rộng một công nghệ xử lý chất thải mới, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra nguồn năng lượng sạch.
TRỌNG TUÂN