Vui, buồn nghề thủ cống

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:38, 25/02/2014

Hai cống Cầu Xe và An Thổ (Tứ Kỳ) có nhiều thủ cống nhất tỉnh. Do ở cuối nguồn nên việc vận hành và bảo vệ cống cũng lắm gian nan.




Công việc hằng ngày của những người làm nghề thủ cống là phải đo mực nước sông mỗi giờ một lần, bất kể ngày hay đêm


Ăn, ngủ bên cống

Xây dựng từ năm 1966, gần nửa thế kỷ qua, cống Cầu Xe gắn bó với biết bao vui buồn, vất vả, nhọc nhằn của những công nhân quản lý và vận hành. Cống hiện có 10 công nhân vận hành quản lý cống (thủ cống). Công việc của họ là mỗi tiếng một lần, kể cả đêm hay ngày, nắng hay mưa phải đo mực nước sông để mở, đóng cống hợp lý. Đều đặn hằng tuần họ phải lau dầu, kiểm tra hệ thống vận hành cống. Ông Nguyễn Ngọc Chung, người cao tuổi nhất và cũng là người gắn bó với cống Cầu Xe đã hơn 20 năm nay, chia sẻ: "Công việc thủ cống đơn điệu, nặng nhọc lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi sống cùng cống, cùng con nước dòng sông Mía này. Để vận hành cống kịp thời, những người "đo nước" phải thu thập nguồn tin liên tục, chính xác". Muốn đo mực nước, người thủ cống phải lội xuống nước, nguy hiểm luôn rập rình, nhất là mùa mưa bão. "Mùa lũ năm ngoái, 2 giờ đêm đi đo nước, vừa lội xuống sông tôi bị trượt chân ngã. Nhờ được huấn luyện lại là con nhà sông nước nên tôi cố gắng vượt qua dòng nước xiết bơi được vào bờ. Suýt nữa thì bị thủy thần cướp mất mạng".

Những người làm nghề thủ cống luôn phải thức đêm. Mỗi tiếng đồng hồ người trực phải quan sát hiện tượng của nước, đo mực nước tại các điểm sông trong và ngoài cống để lấy độ chênh lệch của mực nước. Từ đó, nhóm điều hành cống có thể mở hoặc đóng cống phù hợp đáp ứng yêu cầu thời vụ. Mùa mưa bão, mỗi khi nghe dự báo bão đi qua khu vực Hải Dương, thủ cống phải sẵn sàng "chiến đấu". Những ngày đó họ phải trực 24 giờ trong ngày để đo mực nước, thông báo số liệu chính xác về cho những đơn vị liên quan điều tiết nước hợp lý. Không những vậy, do gắn bó nhiều với sông nước nên những người thủ cống phải hiểu "tính" sông. Ông Nguyễn Ngọc Chung cho biết thêm: "Con sông Mía mùa này hiền hòa nhưng mùa lũ không kém phần hung dữ. Vào những ngày nước lớn, bèo từ các nhánh sông phía thượng nguồn đổ về kết thành những bè lớn gây ách tắc dòng chảy. Lúc đó, để tiêu thoát nước nhanh, những thành viên trong tổ lại phải hì hụi bơi lặn vớt bèo, rác. Dòng nước dưới sông lúc ấy như muốn nuốt trôi tất cả”.

Những người làm nghề thủ cống ở đây cho biết, khi đã chọn nghề này thì phải dũng cảm. Bởi ngoài công việc vận hành cống, đo mực nước sông, họ còn phải quản lý hơn 40 km đê ở những nơi heo hút, xa dân. "Tuần đầu đi làm, em được giao đo nước và tuần đê. Vào đúng 1 giờ đêm 28-10-2013, khi bão số 8 quét qua tỉnh ta, một mình em đi tuần trên bờ đê heo hút, mưa quất vào mặt mà tim đập, chân run. Thế nhưng, nghĩ đến công việc kiểm tra, đo nước tại các điểm sông, nếu không thông báo chính xác, không phát hiện sự cố kịp thời, để vỡ đê, sẽ ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân nên em cố gắng bước tiếp. Dày dạn với sương gió nhiều rồi cũng thành quen", thủ cống trẻ Đào Văn Đại chia sẻ.

Mùa mưa bão, có ngày thủ cống phải ăn cơm tại cống để kịp thời sửa, mở cống giúp nhanh thoát lũ, cứu hàng nghìn ha lúa ở vùng thượng lưu bị ngập trắng. Quan trọng nhất với những người thủ cống là phải hiểu được con nước. Người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn dòng chảy của nước là biết nước lên hay xuống, rồi nhìn màu nước là có thể đoán được độ mặn của nước tăng hay giảm.

Gắn bó với nghề

Men theo con đường bê-tông nhỏ, chúng tôi đến dãy nhà cấp 4, nơi làm việc của những công nhân vận hành, quản lý cống An Thổ. Nhấp chén trà xanh, câu chuyện giữa tôi và những người công nhân nơi đây rất rôm rả, bởi lâu lắm mới có người lạ đến chơi. Nhiều người đã ở cơ quan hằng tháng trời và coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Đến đây, điều đầu tiên chúng tôi thấy là vườn rau với đủ loại xanh ngắt. Phía bên trái của dãy nhà là chuồng gà, chuồng vịt, ao cá. "Đất rộng nên anh em tăng gia làm thức ăn hằng ngày đấy. Ở đây chỉ có cánh đàn ông nhưng việc bếp núc cũng thạo lắm!", ông Nguyễn Văn Họa, Tổ trưởng quản lý 8 công nhân ở cống An Thổ nói. Dãy hành lang khu nhà trực của những thủ cống có nhiều cây cảnh với đủ các dáng, thế khác nhau. Những cây này do những người làm nghề thủ cống trước đó trồng. Những người đến sau lại thay nhau chăm sóc với mong muốn môi trường sống của cơ quan gần gũi như ở nhà.

Những người thủ cống Cầu Xe và cống An Thổ phần lớn đã có gia đình ở các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Bình Giang. Người gần nhất cũng cách nơi làm việc hơn chục cây số, xa nhất cách hơn 30 cây số. Vì đặc thù phải thức đêm làm việc nên hầu như những người thủ cống thường ở lại, ít khi về nhà. Để có thời gian cho gia đình, các anh em trong tổ phải chia nhau trực và chia nhau nghỉ.

Cống Cầu Xe và cống An Thổ từ nhiều năm nay không tuyển được công nhân nữ. "Có lẽ vì đặc thù công việc luôn coi cơ quan là nhà nên chẳng có cô gái nào dám nộp hồ sơ vào đây. Vì thế từ bao năm nay nơi này chỉ toàn đàn ông thôi", anh Vũ Trí Hoàng, nhân viên quản lý cống An Thổ cười nói.

Cống Cầu Xe và An Thổ hiện có 18 thành viên, người ít tuổi nhất sinh năm 1987, người nhiều tuổi nhất cũng đã ngoài 50, có hơn 20 năm gắn bó với nghề. Tuy mức lương của người thủ cống không cao, chỉ bình quân 3 triệu đồng/người/tháng nhưng họ vẫn sống vui vẻ, vẫn bám trụ với nghề. Điều mong mỏi lớn nhất của họ hiện nay là Nhà nước nhanh chóng thực hiện dự án đầu tư xây mới cống Cầu Xe, sửa chữa cống An Thổ và trang bị thêm những thiết bị hiện đại bảo đảm đo nước, kiểm tra độ mặn chính xác để kịp thời điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

LAN ANH