Một số yêu cầu kỹ thuật khi thực hiện tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 20:37, 06/03/2014
Muốn tiêu độc khử trùng đạt hiệu quả cần quan tâm những yêu cầu kỹ thuật sau:
Đối tượng tiêu độc sát trùng
- Chuồng trại chăn nuôi và tất cả các vật dụng, thiết bị chăn nuôi có tiếp xúc với gia súc, gia cầm;
- Phương tiện vận chuyển và máy móc, thiết bị chứa nước trong khu vực chăn nuôi.
Yêu cầu việc tiêu độc
- Người chăn nuôi phải lựa chọn thuốc sát trùng có phổ khử khuẩn rộng, phù hợp với đối tượng tiêu độc khử trùng, ít độc hại với môi trường và con người.
- Nhân viên tiêu độc khử trùng phải biết về mối nguy hiểm của mầm bệnh và thuốc sát trùng, có đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc, tuân thủ từng bước tiêu độc khử trùng;
Nguyên tắc của việc tiêu độc khử trùng
- Phải làm sạch cơ học trước khi tiêu độc khử trùng;
- Vệ sinh tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện từ khu vực sạch đến khu vực bẩn. Tuyệt đối không làm ngược lại.
Chuẩn bị cho việc tiêu độc khử trùng
+ Dụng cụ:
- Chổi quét rác, cuốc, xẻng, thùng chứa rác…
- Nguồn nước sạch có áp lực (nước ngầm hoặc nước máy).
- Chất tẩy rửa: xà phòng, Sodium Carbonat, Sodium Bicarbonate.
+ Máy phun thuốc sát trùng (dung điện hoặc dùng tay)
+ Dụng cụ, quần áo bảo hộ, kính, ủng, khẩu trang, mũ, găng tay, ủng cao su
+ Thuốc sát trùng: Benkocid, Chloramin B, Iodine...
+ Nước sạch để pha sát trùng;
Phương pháp pha thuốc sát trùng
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Phương pháp tiêu độc khử trùng cho từng đối tượng
a/ Đối với chuồng trống
Bước 1: Làm sạch khu vực chuồng trại
- Tháo gỡ các vật dụng trong chuồng nuôi và xếp ra ngoài để vệ sinh tiêu độc.
- Thu gom toàn bộ phân gia súc, vật rẻ tiền mau hỏng để ủ và chôn cách mặt đất 0.5 - 1m hoặt đốt.
- Có thể phun nước trên bề mặt chất độn chuồng để giảm độ bụi khi thu dọn. Làm sạch bụi, mạng nhện trên trần, chuồng nuôi.
- Dùng nước sạch rửa toàn bộ nền, vách, tường, máng ăn, máng uống sau đó dùng xà phòng hoặc NaHCO3 với nồng độ 2 - 3% pha vào nước để rửa. Sau khoảng 1 - 2 giờ khi bề mặt đã ráo nước thì tiến hành phun thuốc sát trùng.
Bước 2: Phun thuốc sát trùng
Thuốc sát trùng được phun làm ướt đẫm bề mặt theo thứ tự sau:
- Trần, vách ngăn, tường theo chiều từ trên xuống theo đường dích dắc với lượng 80 - 100ml/m2.
- Sau đó phun thuốc trên nền chuồng, máng ăn, máng uống theo đường dích dắc với lượng 80 - 100ml/m2 và để chuồng trống.
- Trước khi nuôi trở lại tiến hành tiêu độc khử trùng lần thứ 2 tương tự như trên. Sau ít nhất 12 giờ mới tiến hành thả nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng.
b/ Đối với dụng cụ chăn nuôi
- Thu dọn vật dụng chăn nuôi ra khỏi chuồng. Dùng nước rửa sạch dụng cụ trước khi sát trùng;
- Ngâm máng ăn, máng uống trong dung dịch thuốc sát trùng sau thời gian ít nhất 60 - 120 phút và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời;
- Các dụng cụ không thể rửa hoặc phun thuốc sát trùng thì có thể xông bằng hỗn hợp Formol + KMnO4.
c/ Đối với phương tiện vận chuyển
- Bao gồm các đối tượng: xe vận chuyển thức ăn, thiết bị chăn nuôi thì thu gom, quét sạch phân rác, chất thải trong xe và rửa bằng nước sạch, xà phòng, chất tẩy rửa;
- Phun thuốc sát trùng 80 - 120ml/m2 diện tích sàn, thành xe (cả trong và ngoài), sau thời gian ít nhất 60 phút mới xếp hàng hóa lên xe.
d/ Tiêu độc khử trùng đối với chuồng đang nuôi gia súc, gia cầm
- Yêu cầu chọn thuốc sát trùng không gây kích ứng da cho gia súc, gia cầm và người tiếp xúc ví dụ: BKA...
- Tính thể tích của chuồng nuôi cần tiêu độc: (dài x rộng x cao) m3
- Dùng bình xịt có áp lực để phun thuốc sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Phun thuốc sát trùng lượng 1,2 - 1,5 lít dung dịch/100 m3 chuồng nuôi với thời gian từ 1 - 2 ngày/lần trong thời gian có dịch bệnh uy hiếp, hoặc định kỳ 1 - 2 tuần/ lần.
e/ Tiêu độc khử trùng đối với nguồn nước sử dụng
- Tháo hết nước cũ còn trong bể đã bị nhiễm bẩn, rửa bể bằng nước sạch và tiến hành hun thuốc sát trùng toàn bộ thể tích của bể bằng dung dịch Cloramin B nồng độ từ 2 - 3%. Sau 60 phút thì rửa lại bằng nước sạch và bơm nước mới vào bể.
(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương)