Xử lý nửa vời?
Môi trường - Ngày đăng : 03:59, 09/03/2014
Dù 2 trang trại chăn nuôi lợn ở xã Bình Xuyên (Bình Giang) cam kết bồi thường cho người dân bị thiệt hại do ô nhiễm nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được tiền...
Mương nước phía sau trang trại của ông Nguyễn Bá Trịnh bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến năng suất lúa
Trong khi nhiều hộ dân ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện) và xã Bình Xuyên (Bình Giang) bức xúc vì nhiều diện tích lúa bị mất trắng do ô nhiễm môi trường thì cả hai trang trại gây ra cơ sự này đều một mực kêu oan. Chỉ đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, mọi việc mới rõ ràng. Tuy nhiên, đến nay hai trang trại này vẫn chưa bị xử lý.
Người dân bức xúc
Hai năm trở lại đây, nhiều diện tích lúa của thôn La Xá, xã Thanh Tùng gần như mất trắng. Vụ mùa năm 2013, một số diện tích lúa của thôn Kênh, xã Bình Xuyên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo phản ánh của người dân thì nguyên nhân mất mùa là do nước bẩn thải ra từ hai trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Đức Toan (diện tích gần 4 ha) và của ông Nguyễn Bá Trịnh (diện tích 4,3 ha). Hai trang trại này nằm sát nhau ở giữa cánh đồng thuộc địa phận xã Bình Xuyên, giáp ranh với cánh đồng của thôn La Xá, xã Thanh Tùng (Thanh Miện).
Khi chúng tôi xuống cánh đồng thôn La Xá, mùi phân lợn bốc lên nồng nặc, nước trong mương vẫn đen ngòm, sầu bọt. Nước đen vẫn rỉ ra từ chân tường bao của trang trại. Ông Cao Văn Hoành ở thôn La Xá cho biết: “Tôi đấu thầu 3 mẫu ruộng ở khu vực này đã 5 vụ mà không được ăn. Hai năm nay, phần lớn diện tích lúa bị lốp, không thu hoạch được”.
Vụ chiêm năm 2013, cánh đồng của đội 11, thôn La Xá có tới 5 mẫu bị ảnh hưởng, trong đó có 3 mẫu bị thiệt hại từ 50 - 100%. Những diện tích được thu hoạch cũng cho năng suất rất thấp, chỉ khoảng 20 - 30 kg/sào. Ngày 30 - 5 - 2013, ông Trần Đức Thắng là người quản lý trang trại của ông Trịnh đã đại diện cho trang trại này ký biên bản hỗ trợ cho người dân 15 triệu đồng. Vụ mùa năm 2013, diện tích lúa bị thiệt hại là 5 mẫu nhưng trang trại không ký biên bản mà chỉ hỗ trợ 4 triệu đồng. Thiệt hại quá lớn khiến một số hộ đã bỏ ruộng ở khu vực này. Bà Nguyễn Thị Vẻ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Tùng cho biết: “Có 3 sào ruộng người dân bỏ, Hội Phụ nữ xã nhận cấy nhưng kết quả cũng chẳng khác gì. Chúng tôi đi làm đồng gần như ngạt thở vì mùi phân lợn hôi thối nồng nặc. Lội xuống ruộng mà không đi ủng, đeo găng tay thì ngay lập tức tay chân nổi mẩn, ngứa ngáy”.
Vụ mùa 2013, thôn Kênh bị thiệt hại 12,5 mẫu lúa. Ngày 23 - 9 - 2013, ông Nguyễn Đức Toan đã ký biên bản đền bù 112,5 triệu đồng cho người dân thôn Kênh, nhưng đến nay vẫn chưa trả.
Cần xử lý dứt điểm
Ông Nguyễn Năng Chương, cán bộ xã Thanh Tùng cho biết, xã đã 2 lần kiểm tra, phát hiện và tịch thu ống xả nước thải của trang trại ông Nguyễn Bá Trịnh. Tuy nhiên, phía trang trại không ra làm việc với cán bộ xã tại hiện trường. Ngày 28 - 5 - 2013, ông Thắng, đại diện trang trại đã ký biên bản trong đó có nội dung trang trại “có xả nước thải tràn sang ruộng lúa đồng Buộm đường Ngang, đội 11, thôn La Xá”.
Ông Chương cho biết thêm: "Hai năm gần đây, mỗi vụ UBND xã Thanh Tùng đều cùng làm việc với đại diện trang trại ông Trịnh từ 2 - 3 lần. Xã, thôn, đội phải tự cử cán bộ đi nghiệm thu, đánh giá diện tích bị thiệt hại để đề nghị trang trại hỗ trợ cho bà con. Hiện nay, xã phải xoay ngang lô ruộng để hạn chế nước thải tràn vào ruộng. Đồng thời, UBND xã phải cử người thường xuyên đi kiểm tra. Do cánh đồng cách xa khu dân cư nên việc kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Nếu tình trạng trên không được xử lý nghiêm và triệt để thì diện tích đất bị ô nhiễm ngày càng lan rộng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người dân".
Ông Phạm Thành Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Xuyên cho biết: "Năm 2012, trang trại của ông Trịnh gây ảnh hưởng đến diện tích lúa của xã Thanh Tùng. Sau khi có đơn đề nghị, trang trại đã làm việc với địa phương. Vụ mùa năm 2013, trang trại của ông Toan gây ảnh hưởng đến diện tích lúa thôn Kênh và thôn Bình Cách. Ông Toan đã ký biên bản bồi thường cho các hộ bị thiệt hại nhưng đến nay người dân chưa nhận được tiền. Xã đã xuống kiểm tra và phát hiện khu vực trang trại của ông Toan có ống dẫn nước ra cánh đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra thì không có hiện tượng nước chảy ra ngoài. Cả hai trang trại đều chưa có hệ thống tiêu thoát nước nên khi mưa lớn, có thể nước thải đã ùn ứ ra ruộng canh tác".
Ngày 9-12-2013, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Miện, cán bộ địa chính các xã có liên quan để lấy mẫu nước thải, nước mặt tại cơ sở chăn nuôi của ông Trịnh. Qua kiểm tra, phát hiện các mẫu này có nhiều thông số vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Ngày 26 - 12 - 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn đề nghị huyện Bình Giang chỉ đạo kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở chăn nuôi của ông Trịnh và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.
Những vi phạm và thiệt hại do trang trại của ông Nguyễn Bá Trịnh và ông Nguyễn Đức Toan gây ra đối với môi trường xung quanh đã rõ ràng và được cơ quan chức năng kiểm tra, xác định. Tuy nhiên, ngày 20 - 2 vừa qua, khi chúng tôi đến làm việc, đại diện hai trang trại vẫn phủ nhận việc gây ô nhiễm môi trường. Ông Trần Đức Thắng, đại diện cho trang trại của ông Trịnh quả quyết: “Chúng tôi không xả nước thải ra nên không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại. Được chính quyền vận động, chúng tôi đã trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ bà con”. Về việc lấy mẫu nước tại trang trại để xét nghiệm, ông Thắng cho biết trang trại vẫn chưa nhận được kết quả. Theo ông Thắng, trang trại hiện nuôi 600 con lợn nái, hệ thống xử lý nước thải gồm 3 hầm biogas, 9 hồ điều hòa và 400 m mương máng. Còn ông Phạm Văn Soạn, công nhân trang trại của ông Toan cho biết: "Trang trại không hề có ống dẫn nước thải chăn nuôi ra ngoài mà chỉ có một rạch dẫn nước thải sinh hoạt ra cánh đồng". Tuy nhiên, chính ông Soạn lại nói rằng: "Khi nước trong ao quá lớn, chúng tôi sẽ bơm sang rạch này". Được biết, trước đây, trang trại của ông Toan nuôi 2.700 con lợn thịt, có 6 hầm biogas và 2 ao để xử lý nước thải. Tuy nhiên, từ 2 - 3 tháng nay trang trại tạm ngừng hoạt động nên ông Toan thường xuyên vắng mặt.
Đề nghị các cơ quan chức năng và UBND huyện Bình Giang vào cuộc, xử lý nghiêm những vi phạm trên để bảo vệ đồng ruộng và quyền lợi chính đáng của người dân địa phương.
Mẫu nước thải trước khi đổ vào hệ thống ao nuôi cá của trang trại có 7 trong tổng số 12 thông số vượt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. Cụ thể: COD vượt 4,67 lần, BOD5 vượt 8,42 lần, TSS vượt 2,88 lần, NH4+ - N vượt 31 lần, Coliform vượt 92 lần... Mẫu nước lấy tại ruộng canh tác của xã Thanh Tùng có các thông số: COD vượt 3,7 lần, BOD5 vượt 4,4 lần, NH4+ - N vượt 123 lần, NO2- - N vượt 75 lần...Mẫu nước lấy tại mương thoát nước phía sau trang trại có các thông số: COD vượt 3 lần, BOD5 vượt 3,3 lần, NH4+ - N vượt 162 lần, NO2- - N vượt 52,5 lần, Coliform vượt 2,8 lần... quy chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT. |
KHÁNH CHI