Những bước chân đi qua chiều - Nhuần nhị và sâu lắng

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 08:31, 11/03/2014


Mỗi khi nói đến Hà Cừ, bạn đọc không thể không nhắc tới hai câu thơ lục bát khá tiêu biểu của anh: “Chợ quê con tép cũng gầy/Con tôm con cá dính đầy bùn tươi”. Vẫn bắt nguồn từ những cảm xúc ấy ở các thi phẩm trước, từ in chung đến in riêng, sang tập thơ thứ 8 Những bước chân đi qua chiều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý I năm 2014 thì anh đã bước ra từ hồn mình, từ hồn chữ của miền quê lúa nước xứ Đông khá uyển chuyển, nhuần nhị và sâu lắng. Tôi cứ ngỡ Hà Cừ đang chèo con đò thơ trên dòng sông quê, hay đang “Anh bạc tóc trên một dòng sông nhớ” (Thơ những ngày xa). Cầm trên tay tập thơ với 47 bài với những cảm xúc chân tình lắng đọng, nhưng cũng không kém phần tinh tế mà tác giả đã sáng tác trong thời gian gần đây.

Xuyên suốt mạch nguồn cảm xúc ở Hà Cừ ta thấy nổi lên chủ đề chính là: Làng quê và thế sự. Thơ anh không dữ dội, gay cấn mà khá đằm thắm dịu êm, biên độ thơ ở tập này được nới rộng hơn. Mặc dù tuổi tác đã ở bên kia dốc hành trình, xa quê hơn bốn thập niên, quá nửa đời phiêu bạt, nhưng chất quê vẫn đeo bám, lắng đọng trong tâm hồn anh. Vì vậy những hình ảnh, hình tượng điển hình về làng quê trong thơ Hà Cừ được thể hiện khá giản dị và chân thực. Mở đầu tập thơ là bài Người quê ra phố với bao trăn trở suy tư, nhưng con chữ được chắt lọc: “Bỗng thành ngọn gió bơ vơ/Bỏ làng ra phố đến giờ chưa xong” hay: “Phố đông không nhập hồn người/Mái nghiêng che nửa tiếng cười nồng khê...”. Nỗi buồn man mác như có sợi dây giao cảm vô hình nào đó làm cho tác giả phải lặn ngụp trong thẳm sâu ký ức để tìm được những câu thơ giàu suy tư, chiêm nghiệm.

Tiếp nối với mạch nguồn thơ lục bát ấy, trong bài Vườn quê Hà Cừ tạo ra một nét riêng có sức vang và gợi: “Mong vườn vẫn ngát hương quê/Chớ theo ngọn gió bay về trời cao” hay trong bài Rằm giêng đi lễ chùa làng: “Tháng giêng vẫn cứ rộng dài/Tiếng chim ríu rít thức ngoài bờ tre… Bờ tre xa đã từ lâu/Tiếng làng thăm thẳm vẫn màu trong xanh…” Rồi một nỗi buồn lặng thấm, một xúc động nội tâm với những con chữ dung dị, hồn nhiên trong thời cơ chế thị trường làm “chất quê” đang dần bị nhạt phai: “Đồng tiền bạc chốn bùa mê/Có còn tìm được nẻo về mà trông…”. Hay: “Mình ta lủi thủi đi về/Lẻ loi ngay giữa bốn bề lao xao/Xóm làng cửa kín tường cao/Mà nghe vắng cả lời chào rỗng không” (Bây giờ xa đã là xa).

Cùng với “nỗi buồn heo may” đó, gợi cho ta nuối tiếc về một thời quá vãng đầy bí ẩn và làm nên một dư vị mùa thu đậm đặc. Trong các tập sáng tác trước Hà Cừ có khá nhiều thi phẩm hay viết về mùa thu, nhưng trong bài Thu cúc ở tập này, anh đã hòa mình vào sắc thu để câu thơ thăng hoa, sáng lên cả tâm thi cũng như hình thi và có lẽ đây là một trong những câu thơ gây được cảm tình nhất với bạn đọc: “Trời cao nắng cũng đa tình/Dòng sông thì biếc nhuộm mình thành thu”. Vẫn trung thành với lối viết nghiêng về truyền thống cổ điển trong âm hưởng, trong thi pháp, nhưng chính những xúc cảm này đã tạo ra những câu thơ thanh thoát, bảng lảng mà đắm say hơn: “Đã chín màu thu trong lá cây/Em còn nghe gió xác xao bay?/Những mùa thu cũ chừng đi mãi/Mà thu trong mắt vẫn dâng đầy...” (Những mùa thu đi qua).

Trong Những bước chân đi qua chiều một vấn đề nữa được phản ánh khá rõ nét, đó chính là các khía cạnh bức xúc của đời sống xã hội. Bằng cách nói trực tiếp hay gián tiếp, lối ví von tinh tế, chuyển tải những trở trăn của mình về các vấn đề nhân tình thế thái. Một anh thợ phục chế được mọi thứ, nhưng: “Không phục chế được tiếng cười trong veo một thời lãng mạn/Không phục chế được tuổi xuân của chính mình” (Phục chế). Rồi những câu thơ vạm vỡ, trần trụi, nhịp điệu phóng khoáng, màu thơ rặm ruội, nhưng đó là những xúc cảm đầy tâm trạng: “Nghe tiếng rao/Tôi bỗng thấy mình cũng thành đồng nát” (Đồng nát). Có những câu thơ đậm chất liệu dân gian, mang một thủ pháp nghệ thuật riêng, nhưng tạo ra bước đột khởi: “Riêng sự thật/Có thể nào che đậy trong bao bì/Trước sóng gió thời gian?” (Bao bì). Một cách so sánh khá nhạy cảm, người cầm bút đã tìm thấy cái động, cái vang ở sâu xa từ phía hồn mình. Những câu thơ giàu sức tưởng tượng, đôi lúc hư cấu về nghệ thuật, như đang vào một lối hẹp tưởng chừng không có lối thoát, nhưng câu kết lại bất ngờ ở tình huống mở, làm bài thơ được đánh thức: "Bao xương máu để “Người cày có ruộng”/“Tấc đất tấc vàng”- chân lý của nhà nông/Chân lý đổi thay ư?/Giờ nông dân bỏ ruộng/Ta ngơ ngác trên đồng, gió lạnh thốc sau lưng!” (Gió lạnh thổi trên đồng).

Thơ Hà Cừ không đi vào ngõ cụt tâm hồn của cá nhân, không than phiền, u sầu cho thân phận riêng tư, mà nghiêng về những bi kịch đớn đau của đồng loại. Rồi anh rưng rưng trước bao câu thơ với một nỗi niềm đắng đót: “Cả đời dở tỉnh dở say/Hóa thành thằng ngốc trắng tay vì lời!” (Lời). Hoặc “Niềm vui nào han rỉ/Nỗi buồn nào tươi nguyên” (Trở lại với con tàu). Cũng chính từ cái bản năng đó, anh đã tạo ra một giọng điệu riêng và người đọc càng trân trọng nhân cách, phẩm giá của người cầm bút. Viết về chủ đề thế sự, Hà Cừ có hàng loạt bài như: Những phiến đá thành nhà Hồ, Những câu hỏi một lần lên Yên Tử, Trước bon sai, Không đề, Học, Bao bì, Phản biện...”

Khi thăm lại chiến trường xưa tại Quảng Trị, Hà Cừ dường như không còn cảm giác của không gian thực tại mà anh đắm say trong không gian suy tưởng với những hình ảnh đậm nét: “Giữa chiều mà tưởng cõi mê/Chìm trong hương khói bốn bề cỏ xanh/Gió như sóng dậy Cổ Thành/Từ trong lòng đất cũng duềnh sóng xô... Kiếp người kiếp cỏ mỏng manh/Hóa thân liệu có ru lành nỗi đau” (Cỏ và nắng gió Cổ Thành). Hoặc khi vùng Cực Bắc, bao ký ức còn vương lại, tác giả đã dùng câu nghi vấn, giả định, chất vấn nội tâm làm khổ thơ trở nên độc đáo: “Xa Hà Giang/Một chiều/Vẫn còn nghe tiếng khèn/Trong ngực!...” (Tiếng khèn). Và, bao suy tư day trở của tác giả đứng trước số phận của quê hương đất nước bằng những câu thơ nhuần tươi, đa nghĩa đa tầng: “Đêm đêm/Như người mắc nợ/Đất nước trong tôi canh cánh bên lòng!... ” (Đất nước một bên lòng).

Với 47 bài thơ trong tập Những bước chân đi qua chiều của Hà Cừ là 47 gam màu trong bức tranh nghệ thuật đồng quê khá uyển chuyển, mềm mại, linh hoạt thiên về nội cảm, như một vệt loang làm sáng thêm một giọng điệu thơ.

TÔ NGỌC THẠCH