Trưng cầu ý dân tại Crimea

Tin tức - Ngày đăng : 10:25, 15/03/2014

Phương Tây đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao cuối cùng để thuyết phục Nga nhượng bộ trước thềm cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea...



Hai nhóm ủng hộ và chống Nga đụng độ ở Donetsk - Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, ngày 14-3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bay đến London (Anh) để đàm phán với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Kerry tìm cách thuyết phục Matxcơva can thiệp để hoãn cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea về việc sáp nhập vào Nga ngày 16-3. Tuy nhiên các chuyên gia và quan chức phương Tây nhận định khả năng này là rất khó xảy ra. Sau cuộc gặp, ông Lavrov tuyên bố Nga sẽ tôn trọng quyết định của người dân Crimea.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận điều Washington thật sự muốn là sau cuộc trưng cầu ý dân này, Nga sẽ không chính thức ra quyết định sáp nhập Crimea vào lãnh thổ nước mình. Khi đó, các bên sẽ có cơ hội đàm phán để tìm ra một giải pháp chính trị. Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết sẵn sàng chấp nhận việc Crimea mở rộng quyền tự trị.

Hai lựa chọn

Chứng khoán Nga và thế giới sụt giảm

Theo AFP, hôm qua thị trường chứng khoán Nga đã sụt giảm tới 5%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Nguyên nhân là do giới đầu tư lo ngại nguy cơ phương Tây cấm vận Matxcơva sau cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea. Từ đầu tháng 3 chứng khoán Nga đã giảm 18%. Căng thẳng Ukraine và thông tin kinh tế không khả quan từ Trung Quốc cũng khiến các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt sụt giảm.

Theo Hãng tin Nga RIA Novosti, 50 nhà quan sát từ 21 quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ đến Crimea để theo dõi cuộc trưng cầu ý dân. Cư dân Crimea chỉ có hai sự lựa chọn: sáp nhập vào Nga hoặc “vẫn thuộc Ukraine nhưng tăng cường đáng kể quyền tự trị”. Khoảng 1,52 triệu người dân Crimea có quyền đi bỏ phiếu. Với tỉ lệ dân gốc Nga chiếm gần 60% dân số Crimea, mọi chuyên gia đều dự báo kết quả cuộc bỏ phiếu sẽ là sáp nhập vào Nga.

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đã có bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) và kêu gọi Nga hủy cuộc trưng cầu ý dân, đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình. “Chúng ta cần phải đối thoại. Chúng tôi không muốn gây chiến” - ông Yatsenyuk nhấn mạnh. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cũng tuyên bố chính phủ và người dân Nga không muốn xảy ra chiến tranh. Giới quan sát nhận định chiến tranh sẽ không xảy ra, bởi Mỹ và phương Tây đều đã bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Crimea.

Nhưng hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ lắng dịu. Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đang mở cuộc tập trận với 8.500 binh sĩ cùng pháo cối và súng bắn rocket ở khu vực gần biên giới Ukraine. Ngoài ra, khoảng 4.000 lính dù Nga cũng đang tập trận tại vùng Rostov thuộc miền trung Nga.

Đây là lần thứ hai Nga tập trận sau khi khủng hoảng Crimea nổ ra. Một số quan chức phương Tây chỉ trích Matxcơva muốn nắn gân Kiev trước cuộc trưng cầu ý dân. Reuters cho biết hôm qua một tàu chiến Nga đã chở nhiều xe tải và binh sĩ đến Sevastopol.

Nguồn tin Reuters cho biết Ukraine đã đề nghị Mỹ hỗ trợ quân sự cho nước này và Washington đang xem xét yêu cầu này. Phía Kiev muốn Washington cung cấp cả thông tin tình báo lẫn súng đạn. Tuy nhiên Mỹ vẫn đang lo ngại nguy cơ căng thẳng với Nga leo thang.

Lãnh đạo cộng đồng người Tatar ở Crimea là Mustafa Dzhemilev cũng đề nghị NATO can thiệp vào Crimea để ngăn chặn “một cuộc thảm sát”. Ông Dzhemilev cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây đưa ra là vô nghĩa. Ông cũng kêu gọi người Tatar ở Crimea tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân ngày 16-3. Do bị đàn áp dưới thời Stalin, người Tatar luôn phản đối Nga.

Máu đổ ở Donetsk

Trước thềm cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea, các cuộc biểu tình ủng hộ hoặc chống Nga tiếp tục diễn ra ở khu vực miền đông Ukraine. Theo AFP, Bộ Nội vụ Ukraine cho biết hôm 13-3 hai phe đã đụng độ dữ dội tại thành phố Donetsk. Một thanh niên người Ukraine 22 tuổi đã bị đâm chết, ngoài ra còn có 29 người bị thương. Các nhân chứng mô tả đôi bên đã ném trứng, bom khói vào nhau rồi xông vào ẩu đả. Nga tuyên bố có quyền bảo vệ người dân nước này ở Ukraine. Đây được xem là một lời đe dọa Nga sẽ đưa quân vào lãnh thổ Ukraine.

Chính quyền Kiev cáo buộc Matxcơva đã kích động các cuộc biểu tình ủng hộ Nga ở miền đông Ukraine. Báo New York Times dẫn lời một quan chức EU khẳng định trong những ngày qua, một số lượng lớn người Nga đã đi xe buýt tới các thành phố Kharkov, Lugansk và Donetsk để kích động biểu tình chống chính quyền Kiev. Trên thực tế, nhân vật đã cắm cờ Nga tại tòa nhà chính phủ ở Kharkov trong một cuộc bạo động trước đó đã được xác định là Mikhail Ronkainen, một công dân Nga, thuộc tổ chức Mestnye ủng hộ điện Kremlin.

Chắc chắn ván cờ chính trị lớn tại Ukraine vẫn còn tiếp tục kéo dằng dai trong một thời gian dài nữa.

HIẾU TRUNG(Tuổi trẻ)