Vướng mắc về thủ tục đầu tư cứ gọi điện cho chúng tôi
Kinh tế - Ngày đăng : 10:36, 27/03/2014
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển
Nằm cạnh các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh - những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh, xin hỏi đồng chí Chủ tịch, Hải Dương đặt ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội như thế nào?
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển: Chiến lược quan trọng nhất mà chúng tôi đặt ra đó là thu hút đầu tư, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển các khu công nghiệp; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến, tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp liên hoàn cung cấp nguyên liệu cho Thủ đô và các tỉnh lân cận, nhất là các nhà cung cấp các bữa ăn cho công nhân trong các khu công nghiệp. Mọi chiến lược được thực hiện đều hướng đến phát triển mang tính bền vững, tạo ra những cơ chế tốt nhất để các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi, để người nông dân sản xuất hiệu quả, cho họ cái “cần câu chứ không cho con cá”.
Với chiến lược ấy, năm 2013 vừa qua, Hải Dương đã đạt được những thành tựu gì thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển: Trong năm 2013, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 46.397 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2012, là một trong số ít tỉnh vượt thu ngân sách (vượt 9,5%). Nông nghiệp thực hiện khá tốt nhiều mô hình mới, nhiều trang trại… Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, nổi bật là làm đường giao thông nông thôn và nước sạch vệ sinh môi trường... Công nghiệp có bước khởi sắc, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 78.566 tỷ đồng, tăng 8,8%. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,7% so với năm 2012. Tỉnh đã quy hoạch 18 khu công nghiệp, trong đó có 10 khu công nghiệp đã triển khai xây dựng hạ tầng, nhiều khu có tỷ lệ lấp đầy cao. Trong năm 2013, Hải Dương tiếp tục đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Lai Cách, phân khu phía tây khu công nghiệp Phú Thái, khu công nghiệp Đại An mở rộng; tập trung xử lý các vướng mắc tại khu công nghiệp Lai Vu, khu công nghiệp Kenmark...
Thu hút FDI là thế mạnh của Hải Dương nhiều năm nay. Được biết, Hải Dương là tỉnh thứ 2 trong cả nước thực hiện mô hình mới, tạo ra các dịch vụ gia tăng để “giữ chân” nhà đầu tư. Đồng chí có thể nói rõ hơn về chiến lược này?
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển: Có thể nói rằng, Hải Dương là một trong những tỉnh thu hút FDI khá tốt. Hiện nay, số vốn đăng ký FDI là 5,7 tỷ USD với 225 doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2011, chúng tôi đã thực hiện theo mô hình mới, đó là tạo ra các dịch vụ gia tăng để thu hút các chuyên gia của các nhà máy, giới doanh nghiệp. Ngoài việc tạo mọi cơ hội, giảm giá đất, cấp phép, chúng tôi còn tạo nơi ăn, nơi ở, nơi vui chơi giải trí cho họ, để họ vừa có thể sống và làm việc một cách thoải mái nhất. Vừa rồi, chúng tôi tạo cơ chế ưu đãi để xây dựng các khu nhà ở cho các chuyên gia Nhật Bản, xây dựng hệ thống nhà hàng chuyên về món ăn Nhật, Hàn Quốc. Chúng tôi định hướng tiến tới sẽ đầu tư về trường học, nhà hàng cho tất cả những người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Trong khi có rất nhiều tỉnh "đau đầu" về câu chuyện “ly nông, ly hương” thì được biết Hải Dương lại kéo thêm được cả nhân lực các tỉnh ngoài. Vậy bí quyết của tỉnh là gì thưa đồng chí?
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển: Đúng vậy. Điều đáng vui mừng là từ năm 2012- 2013 theo khảo sát của chúng tôi tình trạng “ly hương” không còn nữa mà ngược lại dân số tăng nhanh (nhưng tỷ lệ sinh không tăng), lao động tại địa phương dồi dào, thậm chí lao động các tỉnh về sinh sống và lập nghiệp ở Hải Dương ngày một đông. Điều đáng mừng là không chỉ lao động phổ thông mà còn có cả lao động trí thức, lao động chất lượng cao. Các học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, rất nhiều người đã trở về quê hương lập nghiệp, xây dựng các trường học, các cơ sở sản xuất…
Có được thành quả đó, tôi nghĩ xuất phát từ những chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp mạnh sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Chúng tôi luôn có các chính sách cởi mở, chào đón tất cả các nguồn lực. Đặc biệt, để giúp đỡ người nông dân, tỉnh có cơ chế gắn kết công nghiệp chế biến với nông nghiệp. Từ đó, nông dân cung ứng nguyên liệu trực tiếp cho doanh nghiệp địa phương, lợi nhuận tốt hơn, công việc nhàn hơn, giải quyết lao động tại chỗ. Doanh nghiệp cũng có nguồn cung cấp nguyên liệu sạch, an toàn, giá cả hợp lý… Từ những điều rất nhỏ đó thôi, tôi nghĩ nó làm nên một hệ thống sản xuất có tính bền vững.
Năm 2014, Hải Dương chọn khâu nào để đột phá?
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển: Rất nhiều. Các mục tiêu đã và đang được thực hiện ngay từ quý I-2014 rồi như: Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiếp tục quan tâm xây dựng nông thôn mới; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước tái cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn… Chúng tôi định hướng tạo các chính sách thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các hộ gia đình.
Kinh tế còn khó nhưng không thể bó đầu tư, bó tiêu dùng. Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh mạnh dạn đầu tư, sản xuất. Vướng mắc gì về thủ tục hành chính, về cơ chế… cứ gọi cho lãnh đạo tỉnh bất cứ khi nào. Chúng tôi sẽ giải quyết nhanh nhất có thể. Tôi nghĩ trong bối cảnh này, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh là điều tiên quyết nhất. Mặt khác, quy hoạch phát triển khu công nghiệp song song với việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực bằng việc xây dựng thêm các trung tâm đào tạo kỹ thuật cao và các trường dạy nghề… cũng là chiến lược dài hơi của tỉnh.
Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và hy vọng Hải Dương sẽ chớp cơ hội bứt phá để phát triển bền vững!
HÀ VÂN (Nhà báo & Công luận)