Các bệnh viện quá tải

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 02:00, 06/04/2014

Những ngày qua thời tiết giao mùa, mưa phùn kèm theo độ ẩm cao khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, gây tình trạng quá tải tại các khoa hô hấp, nhi...



Bệnh nhi mắc sốt phát ban dạng sởi tăng nhanh

Những ngày qua thời tiết giao mùa, mưa phùn kèm theo độ ẩm cao khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, gây tình trạng quá tải tại các khoa hô hấp, nhi... Cùng với đó, các bệnh dịch mùa đông xuân như thủy đậu, sốt phát ban dạng sởi, quai bị, cúm tăng nhanh.

Bệnh viện nào cũng đông

Chiều 2-4, Bệnh viện Nhi Hải Dương chật kín người đưa các cháu bé đến khám và nhập viện. Hầu hết các khoa của bệnh viện đều quá tải bệnh nhân. Hành lang các khoa Truyền nhiễm, Hô hấp, Nội tổng hợp đều được bố trí kê thêm giường. Vào các buổi tối, khi người nhà được vào chăm sóc bệnh nhân không khí càng ngột ngạt. Hành lang các khoa chỉ còn những lối đi nhỏ vì giường của bệnh nhân và võng của thân nhân người bệnh kê san sát. Trong tuần cuối tháng ba, bệnh viện đã khám cho 1.007 lượt bệnh nhân, trong đó 410 bệnh nhân đã nhập viện. Ngày cao điểm nhất là 30-3 có đến 477 bệnh nhân nhập viện, trong khi số giường thực kê của bệnh viện chỉ có 312, dẫn đến phải nằm hai, thậm chí ba bệnh nhân một giường. Theo bác sĩ Vũ Đức Cung, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Hải Dương, tới chiều 2-4, tuy một số lớn bệnh nhân được điều trị ngoại trú, nhưng vẫn còn 93 bệnh nhi, gấp đôi số giường thực kê của khoa. Để giảm bớt quá tải cho Khoa Hô hấp, bệnh viện đã phải san sẻ bệnh nhân sang các khoa khác như Nội tổng hợp, Tiêu hóa, Truyền nhiễm…

Thạc sĩ Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng cho biết: "Những ngày thời tiết ẩm ướt kéo dài và đang giao mùa, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng đột biến nên khó tránh được tình trạng bệnh nhân phải ghép chung một giường. Để tránh tình trạng quá tải, bệnh viện đã phân bổ hợp lý bệnh nhân từ Khoa Cấp cứu sàng lọc ban đầu, đồng thời kê thêm giường tại các khoa trọng điểm như Nội hô hấp, Tim mạch, Hồi sức tích cực và chống độc...

Các bệnh viện: Lao và Bệnh phổi, Đa khoa TP Hải Dương và các bệnh viện tuyến huyện đều chung tình trạng quá tải bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Bệnh hô hấp và truyền nhiễm tăng đột biến

Các bác sĩ ở Phòng khám, Bệnh viện Nhi cho biết, trung bình những ngày này, bệnh viện khám tới 200 bệnh nhi/ngày, trong đó trên 70 trẻ phải nhập viện và gần 90% trong số này liên quan tới các bệnh về đường hô hấp như: viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhân nhập viện liên quan đến các bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi cũng gia tăng. Khoa Nội 2 hiện có 105 bệnh nhân điều trị, trong khi ngày thường chỉ dao động từ 40 - 45 bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực bằng thở máy tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu liên quan tới các bệnh như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.

Thời tiết đông xuân ẩm ướt cũng khiến số lượng bệnh nhân liên quan tới các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Chỉ tính riêng trong tháng 3, số ca mắc sốt phát ban dạng sởi tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi tỉnh đã lên tới 93 bệnh nhân, hiện tại khoa vẫn đang điều trị cho 36 trẻ mắc bệnh. Nhiều trẻ sốt phát ban dạng sởi có biến chứng sang viêm phế quản và viêm phổi. Cùng với đó, số trẻ mắc các bệnh thủy đậu, quai bị và cúm A cũng tăng theo.


Nhiều người già nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực


Bác sĩ Hoàng Thạch Quyền, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khoa có 35 giường thực kê song hiện tại đang điều trị cho 60 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân mắc sốt phát ban dạng sởi, thủy đậu (10 ca), cúm (8 ca)… Trong tháng 2 và tháng 3, khoa điều trị 90 bệnh nhân sốt phát ban dạng sởi. Số lượng bệnh nhân điều trị tại Khoa Truyền nhiễm năm nay tăng đột biến và duy trì ở mức cao, trung bình từ 60 - 70 bệnh nhân/ngày trong suốt tháng 3 vừa qua. Cùng thời điểm này những năm trước, số lượng bệnh nhân tại khoa chỉ khoảng 40 - 45 người/ngày".

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thời tiết ẩm ướt kèm theo giao mùa, khí hậu diễn biến bất thường tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh. Trẻ em thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh, dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Vì vậy, trong thời điểm giao mùa như hiện nay, cha mẹ cần chú ý theo dõi và có biện pháp để giữ gìn sức khỏe cho con em mình. Bác sĩ Vũ Đức Cung, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi tỉnh khuyến cáo: Hiện một số lượng lớn trẻ phải điều trị tại khoa kéo dài, có trẻ 15 ngày vẫn chưa được ra viện do các bậc phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống, dẫn tới phản ứng nhờn thuốc. Nhiều phụ huynh cho trẻ dùng kháng sinh corticoid gây hiện tượng che lấp triệu chứng, gây khó khăn trong việc điều trị và phát hiện bệnh. Đối với thời tiết ẩm ướt và giao mùa như hiện nay, việc phòng bệnh cho trẻ là hết sức cần thiết. Các phụ huynh hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, nơi gió lùa mạnh, đi đường cần bịt khẩu trang kín để tránh tác động xấu tới đường hô hấp khi hít phải không khí ô nhiễm. Trẻ cần được mặc ấm vừa đủ và ăn uống đủ chất, vệ sinh sạch sẽ. Các gia đình nên dùng máy hút ẩm hoặc lau khô nhà thường xuyên.

Các bệnh về đường hô hấp và truyền nhiễm rất dễ lây qua tiếp xúc, trong gia đình khi có người nhiễm bệnh cần có ý thức phòng tránh bằng cách sử dụng các vật dụng cá nhân riêng cho người bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần... để không lây bệnh sang các thành viên khác. Đối với những bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính, cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn phòng bệnh và điều trị dự phòng của bác sĩ, đến các cơ sở y tế chuyên sâu để điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra khi đến trong tình trạng suy hô hấp nặng.

ĐỨC THÀNH