Tọa độ lửa trên đường 41
Tin tức - Ngày đăng : 05:49, 09/04/2014
Ngã ba Cò Nòi là một trong những địa điểm mà quân Pháp đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế của hậu phương ta cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Tượng đài thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi, "yết hầu" vào chiến trường Điện Biên Phủ -
nơi bộ đội và thanh niên xung phong đã chiến đấu ngoan cường làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp
chặt đứt đường tiếp viện của ta. Ảnh: TH
Nhận định chính xác điểm yếu này của ta, ngay lập tức, trên bản đồ tác chiến phòng thủ cánh đồng Mường Thanh, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương đã bổ sung các địa danh như đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi, đèo Lũng Lô, Phà Tả Khoa… là những địa điểm phải được đánh phá với sức mạnh tối đa nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế của hậu phương ta cho chiến trường Điện Biên Phủ. Riêng ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) là điểm nút giao thông đặc biệt quan trọng-nơi gặp nhau giữa hai trục đường số 13 (đi huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và tỉnh Yên Bái) và đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay) lên thị xã Sơn La - Điện Biên. Vị trí này được tướng Na-va chỉ thị cho cấp dưới phải biến nó thành tọa độ lửa để không còn một bóng người, một chuyến xe qua. Thiếu tướng Trần Minh Đức, nguyên Trưởng phòng Tham mưu hậu cần hỏa tuyến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Do địa hình núi non hiểm trở nên từ ngã ba Cò Nòi chỉ có con đường duy nhất tới Điện Biên. Tất cả nhân lực, vật lực phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, không có con đường nào khác mà đều phải đi qua đây.
Vì được ví như “yết hầu” của ống “thực quản” tiếp tế cho quân ta ở Điện Biên Phủ nên hằng ngày địch tập trung đánh phá ngã ba Cò Nòi rất ác liệt với mật độ bom đạn dày đặc. Cứ 13 phút máy bay của Pháp lại ném bom đánh phá một lần. Có ngày chúng thả xuống đây 300 quả bom, đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Ngoài việc dùng bom phá, bom nổ ngay, bom nổ chậm, bom Na-pan… quân Pháp còn thả cả mìn nảy, bom bươm bướm, chông sắt hòng cản trở bước chân của bộ đội, dân công và gây khó khăn cho các đoàn xe cơ giới hướng ra tiền tuyến. Sau này nhớ lại khi qua ngã ba Cò Nòi để ra mặt trận, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết trong cuốn hồi ký của mình: “Đến ngã ba Cò Nòi có cảm giác như đã ở mặt trận. Các con đường tới đây đã biến đi dưới những hố bom… Kể cả những đồi núi chung quanh cũng chỉ còn là một màu đất đỏ. Từ Cò Nòi tới Điện Biên Phủ là đường độc đạo. Tôi bắt đầu được chứng kiến hình ảnh cả nước ra trận”. Đặc biệt, từ khi ta mở màn tấn công vào mặt trận Điện Biên Phủ cho đến hết chiến dịch, không ngày nào máy bay địch không dội bom, bắn phá ngã ba này. Trước tình hình đó, Bác Hồ kêu gọi đối với thanh niên xung phong: "Âm mưu của địch là tích cực đánh phá đường vận tải của ta mong gây cho chúng ta những khó khăn về cung cấp, nhất là trong mùa mưa sắp tới. Vì vậy nhiệm vụ của anh, chị em rất nặng nề và quan trọng. Nó đòi hỏi một tinh thần hy sinh dũng cảm. Một tinh thần bền bỉ, dẻo dai cũng như tinh thần xung phong giết giặc của anh chị em chiến sĩ ở mặt trận. Mong anh, chị em ra sức thi đua bảo đảm đường sá thông suốt, bảo đảm cho bộ đội đủ cơm ăn và đủ vũ khí đạn dược để giết giặc, góp phần vào chiến dịch này". Đáp lời kêu gọi của Bác, các lực lượng của ta đã ngày đêm dầm mình trong mưa bom bão đạn để duy trì mạch máu giao thông trên con đường huyết mạch này.
Để đối phó với các trận oanh tạc của không quân địch tại ngã ba Cò Nòi, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bố trí các lực lượng pháo cao xạ, công binh, dân công mà chủ lực là 4 đại đội thanh niên xung phong thuộc đội 40 và 43 với khoảng 450 người. Ông Đoàn Khắc Châu, cựu thanh niên xung phong phục vụ tại ngã ba Cò Nòi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: "Bom đạn bọn địch dội xuống nhiều lắm, gần như ngày nào cũng có người hy sinh. Ban ngày, chúng tập trung chặn các lối ra vào ngã ba. Ban đêm, chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn rốc-két… nhằm tiêu diệt các lực lượng cứu đường của ta. Gian khổ và hiểm nguy nhất phải kể đến anh em gác bom trên đỉnh núi. Họ phải đếm từng loạt bom rơi, quả nào chưa nổ phải nhớ, rồi đánh dấu để bộ phận kỹ thuật tháo gỡ. Mặc cho cái chết luôn rình rập, cứ ngớt tiếng bom là bộ đội, thanh niên xung phong ào ra lấp hố bom, san gạt mặt đường".
Theo tài liệu thống kê của Bộ Tư lệnh công binh Việt Nam, trung bình mỗi ngày có gần 70 tấn bom thực dân Pháp ném xuống ngã ba Cò Nòi; đã có hơn 100 thanh niên xung phong hy sinh và nhiều người bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại đây. “Không có con đường ấy, không có chiến dịch này”, câu nói đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau ngày chiến thắng là một lời đánh giá khái quát và sâu sắc nhất về công lao của những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong ngày đêm bảo đảm giao thông để từng đoàn, từng đoàn bộ đội, dân công mà báo chí Pháp gọi họ là “những đàn kiến vô tận” đổ về Điện Biên Phủ, làm nên một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
LÊ THÀNH VINH