Tín hiệu được mùa

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:08, 12/04/2014

Hai vụ gần đây, vải Thanh Hà được giá. Tỉnh và huyện cũng đã có nhiều biện pháp nhằm phát huy thế mạnh cây vải nơi đây.



Do 2 vụ trước quả vải được giá nên hiện nay hầu hết người trồng vải Thanh Hà đã chú ý chăm sóc cho cây.
Trong ảnh: Nông dân xã Thanh Bính phun thuốc trừ dịch hại trên cây vải


Người dân quan tâm chăm sóc

Từ lúc thu hoạch vải thiều năm ngoái đến nay, nông dân Thanh Hà đã quan tâm tới cây vải nhiều hơn do 2 vụ trước vải được giá, người trồng có lãi. Nông dân ở nhiều xã chủ động chặt bỏ những diện tích vải cằn cỗi, kém hiệu quả để trồng thay thế bằng cây mới.

Xã Thanh Bính hiện có 195 ha vải sớm. Theo chủ trương của huyện, UBND xã tuyên truyền nhân dân giữ ổn định diện tích vải sớm. Một số diện tích vải kém hiệu quả được chặt bỏ để trồng lại. Trong năm qua, xã đã cải tạo khoảng 7 ha vải cằn cỗi bằng biện pháp trồng cây mới. Đưa chúng tôi đi thăm vườn vải sớm, chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Phúc Giới cho biết: “Vụ vải trước tôi thu lãi hơn 60 triệu đồng. Năm nay, vải sớm đậu quả đạt 75-80% do vải ra nhiều hoa và tôi cũng chú ý chăm sóc, phòng, trừ dịch hại. Trước đây, tôi chủ yếu trồng vải u trứng. Do loại vải này không ngon nên cuối năm 2013, tôi đã thay thế bằng 300 cây vải u hồng, tàu lai”.

Ông Đặng Văn Hùng ở thôn Vĩnh Xá (xã Thanh Cường) cũng tích cực chăm sóc 1,5 mẫu vải của gia đình. “Sau khi thu hoạch quả, tôi tỉa bớt cành. Theo từng thời kỳ, tôi bón phân đầy đủ để vải sinh trưởng, ra hoa, đậu nhiều quả. Khi vải ra quả, tôi kiểm tra vườn vải thường xuyên, kịp thời phòng, trừ bệnh sương mai, sâu đục cuống quả, bọ xít...”, ông Hùng nói.

Yếu tố thời tiết thuận lợi cùng với sự chăm chút của người dân nên tỷ lệ đậu quả vải sớm ở Thanh Hà hiện đạt 80% và vải thiều ra hoa đạt 97-98%.

Nhiều dự án đầu tư

Vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định cấp 945 triệu đồng hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón Neb 26 cho 500 ha vải và 500 triệu hỗ trợ xây dựng bãi đỗ xe thu mua vải ở Thanh Hà. Trong đầu tháng 4 này, phân bón sẽ được cung ứng cho người dân ở 25 xã, thị trấn để kịp thời chăm sóc vải. Bãi đỗ xe được xây dựng tại xã Thanh Xá, có diện tích 4.500 - 5.000 m2. Ông Phạm Quốc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá cho biết: UBND xã quy hoạch sân vận động để làm bãi đỗ xe, vừa giúp giao thông trong mùa vải thông thoáng, vừa là điểm thu mua, tập kết vải. Đến nay, huyện Thanh Hà có 3 bãi đỗ xe ở các xã Thanh Bính, Thanh Thủy, Thanh Xá để phục vụ cho mùa thu hoạch vải tới đây.

Để giúp vải thiều có năng suất cao, chất lượng tốt, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả một số dự án sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện dự án “Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất tập trung đối với cây vải, ổi, na tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015”, huyện Thanh Hà được bố trí xây dựng các vùng sản xuất vải tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 100 ha. Qua hơn 2 năm triển khai, đến nay, huyện có gần 60 ha vải thiều sản xuất theo quy trình VietGap ở các xã Thanh Sơn, Thanh Khê và Thanh Thủy. Ông Trần Văn Quang ở thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn có 8 sào vải thiều canh tác theo tiêu chuẩn VietGap cho biết: “Trồng vải theo quy trình VietGap, người trồng phải ghi chép các công việc đã làm, khâu chăm sóc cần bảo đảm quy trình kỹ thuật. Quả vải không được dư thừa hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù áp dụng cách làm này có phức tạp hơn bình thường nhưng quả vải có chất lượng tốt hơn, an toàn cho người tiêu dùng, bán cao hơn giá vải bình thường  5.000-7.000 đồng/kg. Đến nay, tuy dự án không còn hỗ trợ nhưng tôi vẫn áp dụng quy trình VietGap để thâm canh vải”.

Năm 2013, tiểu dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng mô hình sản xuất rau an toàn theo VietGap xã Thanh Xá” được triển khai với quy mô 28 ha vải. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư dự án. Thực hiện dự án này, xã Thanh Xá được hỗ trợ xây dựng đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, nhà kho, hố thu gom rác thải, trang thiết bị quản lý chất thải, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, nông dân trong vùng dự án còn được tập huấn kỹ thuật sản xuất vải phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP. Những hộ nào sản xuất đúng quy trình sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Chuẩn bị cho mùa thu hoạch


Nhiều khả năng năm nay vải Thanh Hà sẽ đạt sản lượng cao. Hiện nay, UBND huyện đang tích cực thực hiện các giải pháp để việc tiêu thụ vải thuận lợi. Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: “UBND huyện Thanh Hà tăng cường tuyên truyền về quy trình sản xuất, chất lượng, thương hiệu quả vải trên thị trường. Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học giúp nông dân khai thác được tiềm năng và thế mạnh cây vải. UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn bám sát tình hình thực tế để khuyến cáo người dân kịp thời phòng, trừ dịch hại trên vải. Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất về mặt bằng, giao thông, an ninh trật tự... để việc mua bán vải được thuận lợi, đồng thời tiếp tục tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, mùa thu hoạch vải ở Thanh Hà sẽ bắt đầu. Để vải “được mùa, được giá”, người trồng, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Thanh Hà cần chăm sóc, bảo vệ tốt quả vải; khẩn trương xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

MINH NGUYỆT - MINH ANH