Thôn "tắc đường"
Tin tức - Ngày đăng : 02:30, 27/04/2014
Đường thôn ngày nào cũng tắc, chuyện nghe lạ, nhưng ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) lại là chuyện thường.
Đường chính vào thôn Lê Xã giờ cao điểm ngày nào cũng tắc
Dịch vụ phát triển
Lê Xá có 430 hộ với 1.600 dân. Năm 2006, khu công nghiệp Phúc Điền đi vào hoạt động, Lê Xá mất 70% ruộng. Đổi lại họ có hàng nghìn công nhân trong khu công nghiệp sang thuê nhà ở trọ. Những năm 2010 và 2011, công nhân thuê trọ trong thôn lên tới hơn 2.000 người, khi đông nhất gần 3.000 người. Chính vì vậy một số loại hình kinh doanh trong thôn bùng phát.
Trước hết là dịch vụ cho thuê trọ. Toàn xã có trên 1.000 phòng trọ. Hộ xây dựng nhiều có tới 30 phòng trọ, hộ ít khoảng 5 phòng. Giá thuê trọ trung bình 500 nghìn đồng/phòng/tháng. Cả thôn có 60% số hộ làm dịch vụ này. Đây là dịch vụ cho thu nhập đều đều. Con đường trục chính dài hơn 500 mét, hai bên san sát cửa hàng dịch vụ. Nào cửa hàng bán quần áo, điện thoại, mỹ phẩm, hàng tạp phẩm, gạo, rau, thịt cá, hoa quả, nước uống; dịch vụ cắt tóc, gội đầu… Trên 100 hộ làm các loại hình dịch vụ này, trong đó có 80% của người bản địa mở, 20% còn lại của người kinh doanh các nơi về thuê nhà mặt đường mở. Thôn cũng có một chợ nhỏ đáp ứng nhu cầu mua bán của công nhân và nhân dân.
Công nghiệp tràn về vùng quê Cẩm Phúc, đời sống, sinh hoạt, kinh tế - xã hội ở đây thay đổi hẳn. Ông Bùi Trọng Khoa, Trưởng thôn Lê Xá cho biết, thu nhập từ dịch vụ cho công nhân cao hơn nhiều lần làm nông nghiệp. Bên cạnh kinh tế dịch vụ, thôn còn duy trì làng nghề mộc với 50 hộ sản xuất đồ gia dụng, tạo việc làm cho gần 400 lao động. Thôn Lê Xá còn có trên 150 người đi lao động ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Các gia đình có con em đi lao động nước ngoài đều xây dựng được nhà cửa khang trang. Toàn thôn đã có 150 nhà xây theo mô hình biệt thự. 100% đường thôn được bê-tông hóa. Sau nhiều năm điện yếu, giờ đây riêng Lê Xá có một trạm biến áp 560 kVA và một trạm 400 kVA, là thôn tiêu thụ điện nhiều nhất xã. Thu nhập bình quân mỗi người trong thôn đạt hơn 20 triệu đồng/năm.
Hệ lụy từ công nghiệp
Bên cạnh những cái được thì hệ lụy đã rõ ràng. Trước hết do người đông, chất thải sinh hoạt nhiều nên ô nhiễm môi trường gia tăng. Toàn bộ nước thải chảy ra cánh đồng, xuống mương thủy lợi. Từ dầu gội đầu, xà phòng, các chất hữu cơ phân hủy, chất thải của con người đều ra đây. 50% diện tích trồng lúa còn lại của xã Cẩm Phúc đã bị ô nhiễm, năng suất thấp hoặc hỏng ăn; nhiều bà con bỏ ruộng không cấy bởi lúa thường bị lốp, bị đổ và chuột cắn phá. Do doanh nghiệp xây dựng chặn mương thoát nước, nên xóm Buộm trong thôn cứ mưa to là ngập nước.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nan giải ở Lê Xá. Trong thôn có 50 hộ làm nghề mộc, gây bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Nhân dân trong thôn mong muốn tỉnh và huyện quan tâm dành đất cho làng nghề sản xuất tập trung, xa khu dân cư; hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống cống thoát nước tránh ô nhiễm vùng trồng lúa.
Mới đây, thôn Lê Xá đã huy động người dân xây đường cống, lấp một phần rãnh nước bẩn tạo điểm họp chợ, hạn chế ùn tắc giao thông. Thôn cũng vận động người dân đóng góp xây dựng, mở tuyến đường mới, nền đường rộng 6 mét, mặt đường đổ bê-tông rộng 3,5 mét làm tuyến đường thứ 2 vào thôn, giảm lưu lượng người, xe trên tuyến chính trong giờ cao điểm.
Nhịp sống công nghiệp rất sôi động, song Lê Xá vẫn duy trì phong tục, tập quán xưa. Những cố gắng của địa phương chưa giải quyết được mặt hạn chế của phát triển công nghiệp. Cũng do đông người tới sinh sống, các tệ nạn tệ cờ bạc, trộm cắp phát triển. Những vấn đề này rất cần huyện Cẩm Giàng quan tâm.
TRẦN TUẤN