Chuyện động trời ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 15:37, 07/05/2014

Dưới sự “chỉ đạo” của Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, đã có hàng chục hồ sơ khống lợi dụng thẻ BHYT của người có công, rút ruột tiền thuốc của Nhà nước.

Lợi dụng tên tuổi người có công, rút ruột tiền thuốc

Việc trục lợi từ Bảo hiểm y tế (BHYT) thông qua “nhân bản” kết quả xét nghiệm không chỉ xảy ra ở BV Hoài Đức, mà còn xảy ra ở cả Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Nhưng với danh nghĩa một đơn vị công ích xã hội, cách trục lợi diễn ra ở Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lại được thực hiện tinh vi và khéo léo hơn nhiều.

115, cấp cứu, lợi dụng, BHYT, bệnh nhân, ăn cắp thuốc

3 chữ ký khác nhau của cùng 1 người đã được 115 Hà Nội sử dụng để ăn cắp thuốc.

Với những thẻ BHYT không phải trả bằng tiền mặt (thẻ dành cho người có công), hóa đơn khống để "ăn cắp thuốc” được nhân viên 115 “ghi khống” có khi lên tới 500.000 đồng.

Có những bệnh nhân trong vòng một tháng đi khám tới 3 lần tại 115 mà không hề hay biết. Đã có hàng trăm phiếu rút thuốc BHYT của 115 Hà Nội mang tên Tạ Thị Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Hoàng Hùng, Lê Thị Thuấn Anh... nhưng thực chất người lĩnh không phải là những người trên.

Bác Lê Thị Thuấn Anh (77 tuổi) ở phòng 304, số 6 Trần Nhân Tông (Q.Hoàn Kiếm) không bị tiểu đường nhưng cũng nằm trong danh sách cấp phát thuốc loại bệnh này.

Khi chúng tôi cung cấp đầy đủ bằng chứng trong một thời gian dài, tên tuổi của bác Thuấn Anh bị lợi dụng để 115 “ăn cắp thuốc", nhà giáo về hưu này mới nhớ lại cách đây vài tháng có nhân viên của 115 đem theo cả quà đến nhà riêng để xin xỏ.

Nội dung xin xỏ được bác Thuấn Anh khẳng định là, nếu có ai đến hỏi về việc cấp thuốc thì xin bác cứ nói là bác có đến khám và nhận thuốc đầy đủ.

Tương tự, bác Phạm Thị Lộc (73 tuổi) ở 11/823 đường Hồng Hà (Q.Hoàn Kiếm) cho biết, cách đây chưa lâu khi gia đình đang ăn cơm, một người nữ xưng là cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 xin đến gặp bác để ký vào hóa đơn cấp thuốc tiểu đường với lý do xin về cho mẹ dùng.

Do thời điểm lúc đó “tranh tối, tranh sáng”, lại nghe cô nhân viên nỉ non mủi lòng nên bác Lộc đã ký khống vào nhiều tờ hóa đơn mà không hề biết tên tuổi mình đang bị lợi dụng.

Dù có che đậy tinh vi đến đâu, nhưng bằng chứng là 3 tờ hóa đơn cấp thuốc của bác Phùng Đăng Bách ở Hàn Thuyên, Hai Bà Trưng với ba chữ ký khác nhau đã chứng tỏ hành vi “ăn cắp thuốc" táo tợn của Trung tâm Cấp cứu 115.

115, cấp cứu, lợi dụng, BHYT, bệnh nhân, ăn cắp thuốc

Một hồ sơ của bệnh nhân bị lợi dụng

Bác Bách khi được cung cấp bằng chứng về việc bị lợi dụng tên tuổi, bất bình cho biết, vào thời điểm ghi trên hóa đơn do không đồng tình với cung cách làm việc của 115, bác đã chuyển BHYT sang BV Hữu nghị Việt - Xô.

Sau khi xem kỹ 3 tờ hóa đơn, bác Bách khẳng định, mình không hề bị bệnh tiểu đường và không hề đi khám 3 lần trong một tháng. Các chữ ký ghi tên Phùng Đăng Bách đều là giả mạo.

Ở Cấp cứu 115 Hà Nội còn tồn tại một dịch vụ dùng thẻ BHYT để rút thuốc tốt đi phục vụ công tác “ngoại giao”. Việc này được GĐ Trần Văn Nam tin tưởng giao cho kế toán trưởng thực hiện.

Sự thật đằng sau những hồ sơ giả

Người cung cấp danh sách những người bị lợi dụng thẻ BHYT “ăn cắp thuốc" cho chúng tôi cũng là người từng được GĐ 115 gọi lên phòng riêng “phỉnh” rằng, cứ nhận lỗi để cứu cả tập thể. Nhưng vì ăn năn với hành động của mình, chị đã dũng cảm nói lên sự thật.

Dược sĩ Lê Thị Thu Hương - cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội - từng bị Thanh tra Sở Y tế kết luận sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ để lĩnh thuốc BHYT.

Lý do lĩnh thuốc này được đưa ra là về sử dụng cho... mẹ đẻ, sau khi tiếp xúc với chúng tôi đã quyết định “phản pháo”.

Trong đơn tường trình, chị Hương cho biết, số thuốc phải kê khai khống không tự bản thân làm, mà từ cuối năm 2012, GĐ 115 Trần Văn Nam có mở phòng khám tư tại nhà.

Thời gian đó, chị Nguyễn Thị Hảo là thủ quỹ phòng khám đưa chị Hương một số danh mục thuốc yêu cầu mang về phòng khám riêng của bác sĩ Nam. Sau này, đích thân bà Nguyễn Thị Thu Hằng là kế toán 115, theo lệnh của GĐ “chỉ đạo” dược sĩ Hương lập hồ sơ “khống”, lấy một số loại thuốc “xịn” để làm công tác ngoại giao.

Sau khi Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, phát hiện việc dược sĩ Hương lập 33 bộ hồ sơ cấp thuốc giả, GĐ Nam gặp riêng dược sĩ Hương gợi ý việc trả lời cơ quan chức năng lý do xin thuốc về cho mẹ đẻ bị bệnh tiểu đường.

Theo tố cáo của dược sĩ Hương, thì bản tường trình gửi cơ quan chức năng về nội dung vụ việc được lập tại phòng riêng của Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh và đích thân ông này đọc cho ghi.

Không chỉ có vậy, khi BHXH rà soát lần đầu phát hiện ra 33 bộ hồ sơ có thuốc tương đương với tổng số tiền là 8.656.079 đồng, dược sĩ Hương nói là không đủ tiền đóng, lập tức GĐ Nam đã rút ví đưa 3.800.000 đồng để bù vào.

Khi BHXH rà soát lần 2, phát hiện thêm 16 bộ hồ sơ, GĐ Nam đã gọi dược sĩ Hương tới phòng riêng Phó GĐ Nguyễn Văn Chánh khuyên tiếp tục nhận và bồi thường số tiền tương ứng 7 triệu đồng cho xong chuyện...

Theo kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội, việc dược sĩ Lê Thị Thu Hương sử dụng số thẻ BHYT của người khác, lập 33 hồ sơ và lĩnh thuốc BHYT về sử dụng cho mẹ đẻ là vi phạm quy định về sử dụng thẻ BHYT, cấp phát thuốc BHYT và vi phạm quy chế chuyên môn về khám, chẩn đoán, điều trị bệnh. Về vụ việc này đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để sớm có biện pháp xử lý sai phạm.

(Theo Lao động)