Lý Sơn gan góc và kiên cường
Tin tức - Ngày đăng : 09:03, 18/05/2014
Những người con đảo Lý Sơn anh dũng, kiên gan đang ngày đêm trấn giữ ngoài trùng khơi để bảo vệ vùng biển bạc thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, hơn lúc nào hết, chúng ta đặt niềm tin vào lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và những người con đảo Lý Sơn anh dũng, kiên gan đang ngày đêm trấn giữ ngoài trùng khơi để bảo vệ vùng biển bạc thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân đảo Lý Sơn rước các sắc phong đền đình làng An Vĩnh làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Ảnh: Tiến Thành
Những ngày qua, cái tên Hoàng Sa, Lý Sơn liên tục được nhắc tới. Nhân dân cả nước đang hướng về Biển Đông với bao trạng thái tình cảm: tự hào trước tinh thần dũng cảm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và ngư dân; lo lắng khi trang thiết bị của ta trên biển chưa thật mạnh; tức giận, căm phẫn trước sự ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Hơn lúc nào hết, chúng ta đặt niềm tin vào những người con anh dũng, kiên gan đang ngày đêm trấn giữ ngoài trùng khơi để bảo vệ vùng biển bạc thiêng liêng của Tổ quốc. Riêng tôi, nhớ lại chuyến đi đến đảo Lý Sơn cách đây 2 năm mà tôi được tham gia, càng nhớ và thêm tin tưởng vào sự vững vàng của quân và dân ta nơi đầu sóng ngọn gió.
Trung tuần tháng 4-2012, thực hiện nhiệm vụ công tác và lời hứa với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi anh em, đoàn cán bộ Tỉnh đoàn Hải Dương đã tới thăm, tặng quà đồng bào và chiến sĩ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
"Biển động, gió cấp 6... Cấm mọi loại tàu thuyền ra khơi", thông tin trên truyền hình Quảng Ngãi trưa 21-4 làm cả đoàn công tác lo lắng. Nhưng khi sang làm việc với Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Thượng tá Hứa Văn Minh, Phó Chủ nhiệm chính trị cười tươi: "Vẫn lên đường, chúng ta sẽ đi tàu của Hải đội 2, tàu chiến đấy..." Vậy là thở phào, đoàn công tác ra đảo được bổ sung thêm 5 anh em của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và phóng viên, 7 chiến sĩ biên phòng... Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Phó Phòng Vận động quần chúng (Bộ Tư lệnh Biên phòng) đi cùng đoàn nhận xét trước khi xuống tàu: "Dân đi biển ở Lý Sơn là “lì” nhất đấy... vậy thì kiểm chứng nào".
15 giờ, tàu xuất phát, chỉ có mỗi tàu của chúng tôi ra biển, xa xa hàng loạt tàu của ngư dân đang hối hả về cảng. Chỉ sau 20 phút ra khỏi khu neo đậu tại vịnh cảng Sa Kỳ, anh Tỉnh, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Hải Dương và một số anh em trên boong mũi đã phải xuống ngay bởi gió bấc to quá, sóng nhồi dữ quá, nước bắn ào ào... Mấy nữ sĩ quan biên phòng xinh tươi, sôi nổi nãy giờ phút chốc say sóng nhắm nghiền mắt, lử đử cả... Mấy thủy thủ cũng nhắc chúng tôi xuống phía cuối tàu, tìm chỗ chắc chắn mà ngồi... Về boong sau đã thấy các anh Hồng Sáng, Trác Dương, Văn Đức ôm ụ đại liên gật gù... Sóng dữ dội, nước biển sẫm lại, con tàu trồi lên, ngụp xuống, lắc lư nhưng vẫn mạnh mẽ và quyết liệt len theo luồng lạch rẽ sóng nhằm hướng Lý Sơn thẳng tiến.
“... Dù hiểm nguy, tai ương cỡ mấy, nhưng đã là ngư dân là phải bám biển đến cùng để nuôi sống gia đình. Hoàng Sa là mảnh đất mà ông bà, tổ tiên mình để lại thì cớ gì mình lại sợ mà không ra đó đánh bắt?" |
Miên man với những suy nghĩ, 3 tiếng đồng hồ của rung, giật, nhồi, lắc... cũng trôi qua, những cánh tay ấm chắc của những chiến sĩ biên phòng và đoàn viên đón chúng tôi trên cầu cảng dần xua tan những mệt nhọc. Chiều đã buông, nhưng ánh sáng vẫn còn đủ để nhận thấy những vạt hành, tỏi xanh mướt xen lẫn với ngô, khoai... Tỏi Lý Sơn đã trở thành thương hiệu, cay đấy mà không gắt, nồng đấy mà không quá dậy mùi, một đặc sản vừa là gia vị, vị thuốc quý và hiếm.
19 giờ 30, giao lưu ấm áp tình quân dân cá nước, các thành viên trong đoàn hát, khiêu vũ cùng thanh niên và lính đảo thật tưng bừng. Màu xanh áo đoàn hòa cùng áo lính, bàn tay trắng hồng của thiếu nữ tình nguyện đan chặt với bàn tay nâu rám, chai sạn của lính đảo. Dang dở Lời của gió thì chuyển sang Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây... tay thì lăm vông, chân thì chachacha, disco... chả sao cả, cuối cùng thì Nối vòng tay lớn. Lính đảo với làn da rất... biển, rắn rỏi thế, tưởng là cứng quèo quèo mà sao thật mềm mại trong các điệu luân vũ... Lần lượt từng món quà thật ý nghĩa được trao tặng: 10 tấn phân vi sinh (đã được thử nghiệm cho kết quả khá tốt trên vùng đất cát ven biển, với hy vọng sẽ giúp hành tỏi trên Lý Sơn thêm thơm nồng và bội thu); ti - vi, đàn ghi-ta, dụng cụ thể thao, bộ trống thiếu nhi, bánh đậu xanh, sách kinh phật và hàng nghìn cuốn vở, đồ dùng học tập, dép trẻ em... (ước tính khoảng 130 triệu đồng) là tấm lòng của các doanh nghiệp trẻ, Nhà Thiếu nhi, nhà chùa, nhà hảo tâm và tuổi trẻ Hải Dương gửi tới đồng bào và chiến sĩ trên đảo. Đêm ấy, bên ly rượu Phú Lộc - đặc sản tỉnh Đông, chén mắm tỏi và những sản vật vùng biển, dưới tán bàng vuông, tiếng đàn, tiếng hát còn vang mãi: "Nếu em tới thăm đảo tôi/Em sẽ vui niềm vui của người chiến sĩ ngoài biển khơi/Và em sẽ yêu vô cùng, đảo của chúng tôi"...
Chợp mắt tí chút, bình minh đã lên, đoàn công tác tới thắp hương và tặng quà tại nhà thờ tổ dòng họ Đặng nơi lưu giữ sắc chỉ của vua Minh Mạng khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa (sắc chỉ nguyên vẹn bản gốc), thăm bảo tàng và tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải... những trang sử hào hùng lại chầm chậm hiện hữu. Ngày ấy, trước khi ra Hoàng Sa, mỗi người lính ngoài chuẩn bị lương thực trong 6 tháng còn có 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, một đôi chiếu, một thẻ bài ghi tên họ, bản quán... những hành trang tiên liệu cho sự bất an nhất, để ngộ nhỡ gặp nạn trên đường thì đồng đội bó xác lại rồi thả xuống biển với hy vọng nếu trôi được vào đất liền thì còn biết được tông tích khi vớt xác. Bi hùng thế mà tuyệt nhiên không ai có ý phản kháng. Phải chăng “sắc chỉ” vua ban trùng với tâm nguyện chinh phục Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn?...Vậy nên có rất nhiều mộ gió trên đảo (mộ không có xác, chỉ có các hình nhân bằng đất được cúng cho hồn nhập vào rồi đem chôn) và cứ tháng ba hằng năm trên đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân các bậc tiền nhân đã có công lập quốc (ngày xưa là khao quân lên đường ra Hoàng Sa) đồng thời động viên các chàng trai trẻ của Lý Sơn tiếp tục bám biển.
Thật là trùng hợp, đêm 21 rạng sáng 22-4-2012, 21 ngư dân Lý Sơn trên tàu cá QNg - 66074TS sau 49 ngày bị Trung Quốc bắt giữ đã trở về. Và ngay tại cầu cảng, trong niềm vui của sự đoàn tụ ấy, bên cạnh người vợ trẻ, vừa bồng trong tay đứa con thơ mới 40 ngày tuổi, thuyền trưởng Trần Hiền khẳng định: "Dù hiểm nguy, tai ương cỡ mấy, nhưng đã là ngư dân là phải bám biển đến cùng để nuôi sống gia đình. Hoàng Sa là mảnh đất mà ông bà, tổ tiên mình để lại thì cớ gì mình lại sợ mà không ra đó đánh bắt?..."
Hành trang trở về của chúng tôi ngoài những nhánh tỏi khô mà các bạn đoàn viên gửi tặng còn đầy ắp những kỷ niệm, những tình cảm và cả lòng cảm phục sự “lì lợm” của những ngư dân Lý Sơn gan góc và kiên cường... "Rừng núi dang tay nối lại biển xa/Biển xanh sông gấm nối trọn một vùng Việt Nam".
NGUYỄN VĨNH SƠN