Trung Quốc "bóp méo" Công hàm 1958
Tin tức - Ngày đăng : 08:34, 24/05/2014
Cán bộ, chiến sĩ các tàu Cảnh sát biển Việt Nam kiêm trì đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút ngay
giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam
Trung Quốc mới đây lại viện dẫn Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một "bằng chứng" về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Song đây là một "vở diễn lại" quá lố của Trung Quốc bởi công luận Việt Nam đã từng phân tích sáng tỏ nội dung Công hàm 1958, khẳng định rằng văn bản này được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Xuyên tạc lịch sử
Công hàm 1958 có 2 nội dung rất rõ ràng. Một là, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý. Hai là, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng Công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Trong Công hàm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó là không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại 2 quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đương nhiên chỉ tán thành những tuyên bố của Trung Quốc có nội dung hợp pháp được cộng đồng quốc tế thừa nhận trên cơ sở luật pháp quốc tế cho đến giai đoạn đó. Chính phủ VNDCCH trong bối cảnh quan hệ hữu nghị rất đặc thù với Trung Quốc đã khẳng định lập trường ghi nhận, tán thành tuyên bố giới hạn 12 hải lý về lãnh hải của Trung Quốc, còn những nội dung cụ thể diễn giải vượt quá phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc theo các hiệp ước quốc tế đã không được đề cập tới như là một sự mặc nhiên thừa nhận sự vô hiệu của nó dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế.
Trong khi đó, Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954 đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh điểm của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn này là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc) cho rằng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do.
Nhật, Mỹ đứng về phía Việt Nam
Nhật Bản và Việt Nam vừa đạt thỏa thuận tăng cường quan hệ an ninh hàng hải và chỉ trích Trung Quốc có hành động khiêu khích trên Biển Đông. Theo báo Japan Times, sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam ở Tokyo (Tô-ki-ô), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) tuyên bố: “Tôi vô cùng lo ngại về căng thẳng trong khu vực do hành vi khoan dầu đơn phương của Trung Quốc”. Ông Abe cho biết, Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng khẳng định Tokyo rất quan ngại với chính sách biển của Bắc Kinh bởi trong thời gian qua Bắc Kinh liên tục đưa tàu đến quần đảo Senkaku (Xen-ca-cư)/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn sự ủng hộ của Nhật Bản và cho biết Việt Nam đã nỗ lực giảm căng thẳng bằng các biện pháp ngoại giao. Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và cam kết Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong khi đó, sáng 23-5 (giờ Việt Nam), chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã tuyên bố sẽ ủng hộ việc Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam. Phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell (Pa-trích Ven-tren) nói: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng luật pháp quốc tế; giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như bay trên vùng trời tại Biển Đông. Mỹ ủng hộ việc sử dụng ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để quản lý và giải quyết những bất đồng, trong đó có việc tận dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác".
PHƯƠNG LINH(tổng hợp)
Tàu Việt Nam còn cách giàn khoan từ 4-5 hải lý Trong vài ngày qua, tình hình tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam đã có phần lắng dịu. Theo lực lượng kiểm ngư Việt Nam, những ngày qua không có ghi nhận mới về các vụ va chạm cũng như thiệt hại từ các tàu của lực lượng này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn sử dụng các máy bay tuần thám bay phía trên tàu lực lượng Việt Nam nhiều vòng ở độ cao khoảng 300m và thực hiện quay phim chụp ảnh. Theo thông tin từ Cục Kiểm ngư, các tàu chấp pháp của lực lượng kiểm ngư mấy ngày qua đã tiến sâu hơn vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981 và duy trì ở cự ly cách giàn khoan khoảng 4-5 hải lý. Từ cự ly này đến giàn khoan, tàu của Trung Quốc tập trung thành các nhóm khoảng 8 - 10 tàu (gồm tàu cá, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu kéo) nhằm vây ép, sẵn sàng đâm va, phun nước vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam. Kiểm ngư Việt Nam vẫn duy trì số tàu tại khu vực và tiến vào sâu hơn, áp sát giàn khoan đồng thời phát loa phóng thanh tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và rời khỏi khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. |