Đang bị lãng quên?

Di tích - Ngày đăng : 04:37, 02/06/2014

Mộ phần các bậc danh nhân là một hạng mục di sản văn hóa quan trọng. Tuy nhiên, nhiều phần mộ đã bị xâm lấn, mất đi sự tôn kính, thậm chí bị hư hại.



Chi chít các ngôi mộ gần kề, mộ danh nhân Phạm Đình Hổ mất hẳn sự tôn kính

Bị mộ... tấn công

Quan nghè Nguyễn Quý Tân sinh năm Giáp Tuất 1814, tại làng Bình Đê, xã Gia Khánh (Gia Lộc). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Dần (1842), được triều đình bổ chức tri phủ, nhưng vì không chịu ràng buộc, ông đệ đơn từ quan. Vua đặc cách phong cho ông làm thanh tra các quan lại ở Bắc Kỳ. Là người chính trực, sống liêm khiết, gần dân, ông nghè Tân được người đời tôn kính. Ông để lại cho đời di sản thơ ca phong phú cùng nhiều sáng tác ca trù nổi tiếng. Sau khi mất, mộ quan nghè được táng tại gò đất đầu làng Bình Đê. Vì là mệnh quan triều đình nên chính quyền phong kiến quy định dân thường không được phép táng mộ tại gò đất đó. Nhưng sau này do không ai quản lý, người ta bắt đầu chuyển mộ vào an táng tại gò. Ông Nguyễn Ngọc Ham, 80 tuổi, hậu duệ đời thứ 5 vị quan nghè cho biết: "Nhiều người cho rằng, mộ cụ quan nghè đặt tại huyệt đất phát nên họ muốn đặt mộ người thân bên cạnh để hưởng lộc". Họ bí mật chuyển mộ về an táng vào ban đêm. Cứ một dạo đã thấy có thêm mấy mộ mới. Người trong dòng họ bức xúc, song chẳng biết kêu ai. Theo ông Ham ra thăm mộ, chúng tôi thấy gò đất có phần mộ quan nghè Quý Tân đã bị người ta đặt mộ kín xung quanh. Muốn thắp cho cụ nén hương, chúng tôi phải trèo qua các mộ khác để vào.

Thời vua Minh Mạng, Phạm Đình Hổ (sinh năm 1768, tại thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, Bình Giang) được cử làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi danh cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Lầu bình thơ và mộ phần ông tại thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1999. Thế nhưng trước đó, do chưa được quan tâm, mộ phần danh nhân bị xâm lấn. Anh Nguyễn Văn Lợi, cán bộ văn hóa xã Nhân Quyền cho biết: Trước kia mộ cụ đắp bằng đất. Khi di tích được công nhận, hiện trạng mộ phần danh nhân đã bị xâm lấn, một số gia đình trong thôn đã chôn cất và xây dựng mộ người thân ngay sát cạnh. Trước thực trạng trên, Bảo tàng tỉnh đã thiết kế xây dựng ngôi mộ mới cho xứng với tầm vóc danh nhân. Nhưng với chi chít các ngôi mộ liền kề, mộ danh nhân Phạm Đình Hổ mất hẳn sự tôn kính.

Di tích nhà thờ các vị tiến sĩ dòng họ Nhữ ở thôn Hoạch Trạch, xã Thái Học (Bình Giang) đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1993. Nhưng mộ phần các vị tiến sĩ trong dòng họ cũng không tránh khỏi việc bị xâm lấn. Cụ thể là phần mộ cụ Nhữ Tiến Dụng đậu tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664), được phong chức giám sát ngự sử, lễ khoa đô cấp sự trung, từng hộ giá nhà vua đi đánh giặc; phần mộ tiến sĩ Nhữ Đình Hiền đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thân (1680) được thăng chức Hàn lâm viện Hiệu khảo, từng đi sứ Trung Quốc, được tôn là ông tổ nghề lược tre làng Hoạch Trạch... bị người dân đặt mồ mả xâm lấn. Trước tình trạng trên, con cháu trong dòng họ phải tiến hành xây tường bao xung quanh mới để bảo vệ.

Bị đào bới, xâm phạm

Theo các tài liệu lịch sử, cụ Nguyễn Phi Khanh là cha của Nguyễn Trãi, một công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Cụ quê ở phường Cộng Hòa (Chí Linh), từng thi đỗ Nhị giáp tiến sĩ năm 1374 đời vua Trần Duệ Tông, nhưng không được triều đình trọng dụng nên về quê dạy học. Đến khi Hồ Quý Ly truất ngôi nhà Trần, cụ đã ra làm quan cho nhà Hồ, được bổ nhiệm giữ chức Hàn lâm học sĩ rồi Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương với Hiệu trưởng của trường đại học bây giờ). Năm 1407, khi quân nhà Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt và giải về Trung Quốc, Nguyễn Trãi khóc chạy theo cha ra đến ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc. Sau này Nguyễn Trãi theo Lê Lợi đánh bại quân Minh. Sau khi cụ Nguyễn Phi Khanh mất, con cháu đã đưa hài cốt về an táng tại núi Báo Đức, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Từ đó đến nay đã 600 năm, ngôi mộ cụ vẫn nằm heo hút giữa núi rừng, chẳng nhận được bất kỳ sự quan tâm nào. Ông Vũ Hùng Mạnh, cán bộ văn hóa xã Hoàng Hoa Thám cho biết: "Ngôi mộ cụ Nguyễn Phi Khanh nằm trên đỉnh núi Báo Đức, cao so với mặt đất khoảng 700 m. Trước kia ngôi mộ được xếp bằng đá rộng bằng hai gian nhà, có bia chí. Năm 1992, ngôi mộ bị người trong xã đào bới tìm của cải. Khi nhân dân địa phương phát hiện báo chính quyền ngăn cản thì ngôi mộ đã bị phá hủy. Sau đó, mộ được xếp tạm lại bằng đá..." Khi được hỏi về vai trò của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, ông Mạnh thừa nhận: Ngôi mộ nằm ở giữa rừng núi heo hút, được đắp sơ sài bằng đá thì có gì để bảo tồn. Từ trước đến nay cũng đã có rất nhiều đoàn về khảo cứu. Địa phương cũng nhiều lần đề đạt nguyện vọng bảo tồn song không thấy hồi âm.

Việc đào bới, xâm phạm cũng đã từng xảy ra với mộ phần nữ tiến sĩ thời Mạc Nguyễn Thị Duệ ở khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (Chí Linh) hơn 10 năm về trước. Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Ngày trước, các triều đại đều có luật bảo vệ mộ phần các bậc danh nhân, trong đó quy định mộ xây cao bao nhiêu, phần diện tích đất các mộ khác không được táng vào, ai xâm phạm bị xử phạt rất nặng. Nhưng nay mộ phần các danh nhân bị xâm phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Nguyên nhân chính là do không có chế tài để bảo vệ, sự tắc trách, buông lỏng trong quản lý ở các địa phương.

Tỉnh ta là vùng đất gắn liền với tên tuổi của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Qua các triều đại thời phong kiến, tỉnh ta có 486 vị đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước. Gắn với tên tuổi của các bậc hiền sĩ là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, quý báu, trong đó có mộ phần.  Để tránh việc mộ phần các danh nhân bị xâm lấn, gây hư hại cũng như ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, các cấp, các ngành và các địa phương cần có những giải pháp cụ thể để gìn giữ, bảo tồn. Trước hết, cần rà soát thực trạng mộ phần các danh nhân trên địa bàn tỉnh, tổ chức tuyên truyền về vai trò, giá trị của các danh nhân cũng như di tích mộ phần; có cơ chế quản lý đất đai liên quan đến phần mộ của các bậc danh nhân để người dân biết và thực hiện. Các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm thỏa đáng để tu bổ, tôn tạo những ngôi mộ của các danh nhân có nguy cơ bị hư hại, tỏ lòng tri ân với các bậc tiền nhân.

NGỌC HÙNG