Đối mặt với nguy cơ nước biển dâng
Môi trường - Ngày đăng : 14:59, 05/06/2014
Nước biển dâng sẽ khiến các con sông lớn ở tỉnh Hải Dương bị nhiễm mặn nhiều hơn, khả năng cấp nước cho nội đồng sẽ hạn chế hơn trước.
Nước sông nhiễm mặn ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước cho nội đồng, đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực
cấp nước của hệ thống thủy lợi. Trong ảnh: Trạm bơm Bình Hàn (Tứ Kỳ) bơm nước tưới dưỡng cho lúa. (Ảnh tư liệu)
Nguy cơ xâm nhập mặn
Hiện tượng trái đất nóng lên làm các khối băng ở Bắc Cực, Nam Cực tan dần khiến mực nước biển dâng lên. Tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đối với các quốc gia, đặc biệt những nước ven biển, hải đảo. Ở nước ta, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng được nhận định là những vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất trước nguy cơ nước biển dâng, trong khi đây là 2 vựa lúa lớn nhất cả nước.
Theo dự báo, ở nước ta đến năm 2020, nước biển có khả năng dâng cao 7-8 cm, đến năm 2030 dâng lên 10-13 cm, tới năm 2050 ở mức 19-26 cm và tiếp tục gia tăng theo thời gian. Ông Nguyễn Văn Hoạch, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh cho biết: “Nước biển dâng cao sẽ làm tăng khả năng xâm nhập mặn vào các sông, ảnh hưởng tới việc lấy nước tưới vào nội đồng. Ở các vùng gần cửa sông, đất canh tác có nguy cơ mất giá trị sử dụng do có thể bị nhiễm mặn. Ngoài ra, nước biển dâng cao tại hạ lưu các con sông trong tỉnh sẽ tạo ra tổ hợp thiên tai nguy hiểm khi kết hợp với bão, lũ lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phòng, chống lũ của hệ thống đê điều”.
Hai yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới sự xâm nhập mặn từ biển vào hạ lưu các sông là hoạt động của thủy triều và lượng nước từ thượng nguồn chảy về cửa sông. Tổng lượng triều trung bình hằng năm chảy qua mặt cắt sông Gùa tại Trạm Thuỷ văn Bá Nha đạt 1,2 tỷ m3, sông Kinh Thầy tại Trạm Thuỷ văn Bến Bình đạt 0,39 tỷ m3, sông Lai Vu tại Trạm Thuỷ văn Quảng Đạt ở mức 0,29 tỷ m3.
Khi nước biển càng dâng cao thì thủy triều càng xâm nhập mạnh vào hạ lưu các sông, nước sông càng bị nhiễm mặn nhiều hơn. Càng về mùa khô, khi lượng nước từ thượng nguồn chảy về ít thì mặn sẽ càng xâm nhập sâu hơn. Tại tỉnh ta, hiện tượng nước sông nhiễm mặn thường xuyên xảy ra trên các sông: Kinh Thầy, Thái Bình, Văn Úc, Kinh Môn... Ngày 28-1-2013, kết quả đo đạc tại cống An Trung (xã Thái Thịnh, Kinh Môn) cho thấy nước sông khu vực này bị nhiễm mặn với nồng độ 0,05 phần nghìn. Trước đó, vào trung tuần tháng 2-2010, tại điểm đo ở cống Cầu Xe (Tứ Kỳ), nước sông bị nhiễm mặn với nồng độ 1,9 phần nghìn. Theo kết quả đo đạc giai đoạn 1965-2007 của cơ quan chức năng, độ mặn nước sông lớn nhất ở mức 4 phần nghìn đã xâm nhập vào sâu 30 km trên sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Nồng độ mặn 1 phần nghìn đã xâm nhập vào sâu 47-49 km trên sông Kinh Thầy, Thái Bình và 31 km sông Văn Úc.
Một lượng lớn nước ngọt cung cấp vào nội đồng ở tỉnh ta là tận dụng nước triều cường ở các sông. Nếu nước sông có độ mặn vượt quá 1 phần nghìn sẽ ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của cây trồng nên không thể lấy nước này để canh tác.
Đe dọa đê điều
Nước biển dâng có thể kết hợp với lũ, bão tạo ra tổ hợp thiên tai nguy hiểm, uy hiếp hệ thống đê điều, nhất là hệ thống đê tại các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành, Kinh Môn. Khi triều cường kết hợp với lũ hoặc bão hoặc cả 3 yếu tố trên cùng xuất hiện sẽ khiến mực nước lũ dâng cao và nhanh hơn, có thể vượt mức nước lũ thiết kế, tiềm ẩn nhiều tai họa khó lường. Sáng 11-11-2013, Trạm Thủy văn Bá Nha (Thanh Hà) ghi nhận nước sông Gùa dâng cao thêm 70 cm so với quy luật triều bình thường do ảnh hưởng của bão HaiYan trùng với kỳ triều cường. Mực nước dâng lớn nhất trên sông Gùa do kết hợp giữa bão và triều cường được ghi nhận vào ngày 21-7-1977 với mực nước dâng cao hơn 1,15 m so với con triều bình thường. Bão kết hợp triều cường sẽ tạo thành từng con sóng vỗ mạnh vào bờ, có thể dẫn tới sạt lở đê, nước tràn qua đê vào nội đồng.
Tích cực tu bổ đê điều là giải pháp quan trọng để ứng phó với nước biển dâng. T
rong ảnh: Làm tường chắn nước ở đê sông Kinh Môn qua xã Hiến Thành (Kinh Môn). Ảnh: Lan Anh
Triều cường không chỉ gây nguy hiểm cho hệ thống đê điều mà còn là yếu tố có thể tạo ra những mối nguy hiểm ở nội đồng. Nếu xảy ra mưa lớn, mực nước ở các sông nội đồng dâng cao vượt thiết kế, tai họa vỡ bờ vùng, bờ kênh dễ xảy ra nhưng gặp triều cường ở sông ngoài thì việc tháo nước từ nội đồng ra sông ngoài có thể không thực hiện được.
Theo thời gian, nguy cơ nước biển dâng sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với hệ thống thủy lợi, đê điều, sản xuất nông nghiệp... Do đó, các cơ quan chức năng cần căn cứ vào các kịch bản nước biển dâng để đề ra giải pháp phòng ngừa, ứng phó thích hợp. Những giải pháp đó là tiếp tục củng cố hệ thống đê điều để thích ứng với mực nước biển dâng, hệ thống thủy lợi có khả năng cung ứng đủ nước ngọt khi nguy cơ nước sông nhiễm mặn kéo dài, tìm ra các giống cây trồng có khả năng chịu mặn tốt hơn, chuyển đổi vùng đất nhiễm mặn cho mục đích khác...
NINH TUÂN
Kịch bản nước biển dâng ở Việt Nam:
Kịch bản | Nước biển dâng (cm) theo các mốc thời gian | (Nguồn: Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2017 và định hướng đến năm 2025) | |||||||
Thấp | 7-8 | 10-12 | 14-17 | 19-22 | 23-29 | ||||
Trung bình | 7-8 | 11-12 | 15-17 | 20-24 | 25-31 | ||||
Cao | 7-8 | 11-13 | 16-18 | 22-26 | 29-35 |