Nghèo nàn đời sống tinh thần thanh niên công nhân

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 08/06/2014

Để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cần coi việc chăm lo đời sống cho họ vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mình.



Sau giờ tan ca, Phạm Thị Hồng công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam
 tất bật chuẩn bị bữa ăn rồi quay ra ngủ


Do công việc trong môi trường công nghiệp lấy đi quá nhiều quỹ thời gian khiến cho hàng nghìn công nhân, đặc biệt là thanh niên công nhân (TNCN) ít có cơ hội tiếp cận, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí. Đời sống tinh thần nghèo nàn là thực trạng chung của hầu hết công nhân trẻ hiện nay.


Nỗi buồn sau giờ tan ca


8 giờ tối, sau giờ tan ca giữa ngày hè nóng nực, tôi theo chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam về khu nhà trọ ở Tứ Thông, phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Trên đường về, Thanh ghé vào cửa hàng tạp hóa đầu ngõ mua vội 3 quả trứng vịt và một ít dưa cải muối. Đây là bữa tối của Thanh và 2 công nhân khác trong phòng trọ. Vừa nấu cơm, Thanh vừa chia sẻ về cuộc sống gia đình, công việc. Khi nói về đời sống văn hóa, tinh thần, Thanh ngậm ngùi: “Nhiều lúc em không muốn về phòng trọ đâu chị ơi. Đi làm đứng máy suốt 8 - 10 tiếng. Dịp nào tăng ca thì tới 12 tiếng/ngày. Tan ca, muốn đi chơi đâu đó hoặc tham gia hoạt động văn hóa giải trí nhưng lại mệt mỏi, chỉ muốn nằm nghỉ. Phòng trọ không có ti-vi, sách báo càng không. Quanh quẩn với mấy người bạn cùng xóm rồi lại đi ngủ. Ngày nào cũng vậy chị ạ, suốt chục tiếng đồng hồ đầu tắt mặt tối trong công xưởng. Rời nhà máy rồi lại chỉ biết về nhà trọ ăn vội cái gì đó rồi ngủ chứ chẳng biết tìm giải trí ở đâu".

Ở cạnh phòng trọ với Thanh là Vũ Thị Lam, công nhân Công ty TNHH Massan Việt Nam. "Đi làm từ sáng đến tối muộn mới về nên chẳng bao giờ chúng em nghĩ tới đi chơi, giao lưu bạn bè, chuyện giải trí, văn hóa tinh thần thì lại càng không", Lam nói rồi giơ chiếc điện thoại cũ kỹ lên đùa: "Giải trí của bọn em là mấy trò chơi điện tử trong này chị ạ".

Quanh mấy khu nhà trọ ở phường Tứ Minh, Cẩm Thượng, vào buổi tối cuối tuần chúng tôi gặp nhóm công nhân nữ Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam đang xúm vào chọn quần áo giá rẻ bán tại vỉa hè. Chị Nguyễn Thị Phước cho biết: “Ở nhà không biết làm gì, mấy chị em rủ nhau đi xem áo quần cho vui. Hôm nào có lương thì chị em rủ nhau đi hóng mát, uống nước mía. Đời sống tinh thần công nhân chỉ vậy thôi”.

Khác với nữ công nhân, nhiều nam công nhân sau giờ tan ca  rủ nhau đi giải trí ở... mấy quán bia "cỏ". "Sau mỗi kỳ lương, bọn em rủ nhau đi uống một vài vại bia rồi về phòng trọ ngủ thôi chị ạ. Không la cà quán xá thì cũng chẳng biết đi đâu, chơi gì. Nhiều lúc bọn em cũng muốn đi đá bóng nhưng toàn tan ca muộn và nơi trọ không có sân bóng. Lương công nhân thì lấy đâu ra tiền thuê sân bóng đá hả chị?", Phạm Đình Khoát, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam chia sẻ.

Thực trạng đời sống tinh thần của TNCN đang rất nghèo nàn. Hầu hết họ ở trọ, chung phòng, ghép phòng. Phòng trọ không ti-vi, đài, không in-tơ-nét, báo chí... Thiết bị điện tử duy nhất là chiếc điện thoại di động. Theo đề tài khoa học "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp" của Liên đoàn Lao động tỉnh, có 26% số công nhân được hỏi trả lời xem ti - vi thường xuyên và chỉ có 15% người được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ; 97% số người mong muốn được tham gia các hoạt động giải trí, văn nghệ, thể thao... Đáng lưu ý là, trong số công nhân được hỏi có tới hơn 90% trong độ tuổi thanh niên. Điều này càng khẳng định rằng, đời sống tinh thần của TNCN quá nghèo nàn và đơn điệu.

Cần sự chung sức

Thời giờ làm việc của công nhân thường từ 8-12 tiếng/ngày nên thời gian nghỉ rất hạn chế. Nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của họ là rất lớn. Vì vậy, tổ chức những hoạt động thu hút TNCN là việc làm hết sức cần thiết. Anh Nguyễn Thanh Nam, Bí thư Đoàn phường Tứ Minh cho biết: “Toàn phường hiện có khoảng 3.000 TNCN đang tạm trú. Để họ được tham gia các phong trào chung của địa phương Đoàn phường đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ ngơi của TNCN rất hạn hẹp, hơn nữa sự phối hợp giữa doanh nghiệp và tổ chức đoàn chưa chặt chẽ nên chưa giúp nâng cao đời sống tinh thần cho TNCN".



Thanh niên công nhân luôn mong muốn được giao lưu văn nghệ, thể thao


Anh Nguyễn Thành Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ TNCN và lao động trẻ tỉnh cho biết: "Sau 1 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã tổ chức được một số hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, sức khỏe, dinh dưỡng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, phiên chợ công nhân... thu hút đông đảo TNCN tham gia". Bên cạnh đó, công đoàn các cấp cũng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho TNCN, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ...

Phải khẳng định, những hoạt động trên vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo lao động trẻ hiện nay. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, chưa đi vào đời sống, chưa đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của TNCN.

Toàn tỉnh hiện có 45 vạn thanh niên. Trong đó, TNCN chiếm gần 70%, chủ yếu trong độ tuổi từ 18 đến 30, đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Để nâng cao đời sống tinh thần cho TNCN, ngoài sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể, cần có sự quan tâm của người đứng đầu doanh nghiệp. Nếu người đứng đầu không quan tâm thì các tổ chức đoàn thể cũng lực bất tòng tâm. Và vì thế, TNCN sẽ còn tiếp tục phải sống cảnh tinh thần nghèo nàn. Các cấp bộ đoàn, lao động các cấp cần tổ chức các buổi sinh hoạt chung cũng như các sân chơi dành riêng cho TNCN để họ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và yên tâm gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần chú ý đến nội dung sinh hoạt, các hoạt động cần đi vào thực chất, tránh hình thức. Các tổ chức công đoàn cùng lãnh đạo doanh nghiệp ngoài chăm lo đời sống vật chất thì cũng cần nâng cao đời sống tinh thần, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức cho người lao động đi tham quan, du lịch… để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cần coi việc chăm lo đời sống người lao động vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mình và đó cũng là chăm lo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp...

NGÂN HÀ