Bắt đầu tuyên án vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 08:36, 09/06/2014

Sáng 9-6, sau một tuần nghị án, TAND TP Hà Hà Nội bắt đầu tuyên bản án đối với Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và các đồng phạm.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Hội đồng xét xử đã làm việc trong 11 ngày (từ ngày 20-5), các bị cáo bị xét xử về 4 tội: trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên tòa ngày 2-6, trong lời nói sau cùng với Hội đồng xét xử trước khi vào nghị án, Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB) vẫn đề nghị tòa đừng vội tuyên án.

Dưới đây là diễn biến phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong 11 ngày qua:

Đồng loạt phản bác cáo trạng

Tại tòa, 8 bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên đã đồng loạt phản bác cáo trạng. Các bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố không đúng người đúng tội.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng mình không kinh doanh trái phép, “không thiếu tiền để phải đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ kinh tế”. 

Về tội trốn thuế, Bầu Kiên cho rằng giám định viên thuế quên quy định pháp luật nên giám định sai. Về tội cố ý làm trái, Bầu Kiên cho rằng thời điểm năm 2010, bị cáo không có quyền gì trong HĐQT ACB để buộc các thành viên khác làm theo ý mình.

Bầu Kiên cũng nói việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát thực chất là thực hiện hoán đổi cổ phần giữa hai công ty, phía tập đoàn Hòa Phát biết cổ phần đã thế chấp vẫn nhận chuyển nhượng với giá 264 tỉ đồng. Vì thế, Bầu Kiên nói cáo buộc của VKS rằng bị cáo lừa đảo là không có căn cứ.

Trong khi đó, ông Trần Đình ông Long, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khẳng định nếu biết 20 triệu cổ phần đã thế chấp cho ACB thì sẽ không bao giờ mua.

Tuy nhiên trong các ngày xét xử tiếp theo, ông Long thừa nhận Tập đoàn Hòa Phát có sai sót khi đã ký vào đề nghị phong tỏa các cổ phần này để công ty ACBI thế chấp cho ACB, nhưng lại quên không thông báo cho hệ thống công ty biết.

Tranh luận lại với các bị cáo và luật sư, đại diện VKS ND TP. Hà Nội đã dùng từ “lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi” khi đề cập đến hành vi cố ý làm trái xảy ra tại ngân hàng ACB. Đại diện VKS cho rằng chỉ vì lợi ích nhóm mà các bị cáo đã phạm tội một cách mù quáng. Đại diện VKS khẳng định VKS ND Tối cao truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội.

Đại diện VKS đã đề nghị mức án 30 năm tù cho cả 4 tội danh đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

ACB và Vietinbank "tố" nhau vi phạm

Bà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) được di lý ra Hà Nôi tham dự phiên tòa Nguyễn Đức Kiên với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trả lời tòa về thủ thuật chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB gửi tại Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như cho biết đã chiếm tiền một cách “đơn giản” và thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc chiếm đoạt số tiền này.

Không đồng tình với ý kiến này của Huyền Như, đại diện ACB đã đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của VietinBank vì Vietinbank không kiểm soát nhân viên, để nhân viên dùng chữ chữ ký giả rút tiền của khách hàng mà không phát hiện được. ACB còn đề nghị VietinBank phải chịu trách nhiệm về số tiền 718 tỉ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Tuy nhiên, phía Vietinbank lại cho rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền thì phải chịu trách nhiệm chứ không liên quan đến Vietinbank.

Tại tòa, đại diện ACB, Vietinbank cũng như các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 ngân hàng đã dùng nhiều từ ngữ nặng nề để chỉ trích lẫn nhau và đổ trách nhiệm cho nhau trong việc để Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng.

Luật sư của ACB cho rằng “Vietinbank đã sơ hở, dễ dãi, chủ quan và rất yếu kém, để tội phạm rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đồng thời cũng chính là rút tiền trong két của Vietinbank”.

Trong khi đó, đại diện Viettinbank đã “tố” ACB quá liều lĩnh, lừa dối Ngân hàng Nhà nước, lách luật, có các công ty sân sau, tạo vốn ảo lãi thật, bóp méo quy luật thị trường. Đại diện Vietinbank còn cho rằng ACB mượn diễn đàn để chỉ trích các cơ quan nhà nước, để bôi nhọ lẫn nhau…

Đề nghị khởi tố vụ thiếu trách nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước

Trả lời tòa về chủ trương ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao hơn lãi suất trần, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB đều cho rằng mình làm đúng chứ không vi phạm điều 106 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 như cáo buộc của cáo trạng.

Tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã “tố” Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành hướng dẫn Luật các Tổ chức Tín dụng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các bị cáo đã áp dụng quyết định 742/2002 của Ngân hàng Nhà nước để ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền.

Theo các bị cáo, quyết định 742 không hề có quy định ngăn cản các cá nhân gửi tiền, vì thế việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền năm 2010 là không sai. Năm 2011, Luật Các tổ chức Tín dụng mới có hiệu lực và mãi đến năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mới có hướng dẫn.

Trả lời tòa, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết trước khi Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thì có quyết định 742 quy định về hoạt động ủy thác. Thời điểm các bị cáo phạm tội, hoạt động ủy thác vẫn áp dụng quyết định 742. Tuy nhiên, việc ủy thác gửi tiền tiết kiệm chưa có văn bản nào hướng dẫn.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên) cho rằng từ khi Luật các Tổ chức Tín dụng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định ban hành hướng dẫn. Từ những căn cứ nêu trên, luật sư kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước.

Theo luật sư Hùng, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chậm ban hành hướng dẫn luật, Thanh tra Ngân hàng nhà nước đã không can thiệp, không ngăn chặn xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền dẫn dến việc Bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái.

Đại diện nhiều cơ quan nhà nước từ chối trả lời

Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đại diện một số cơ quan nhà nước được mời đến tòa đã không trả lời được câu hỏi mà HĐXX đặt ra. Một số vị từ chối trả lời, một số vị đùn đẩy cho cơ quan khác, một số khác lại cho rằng luật chưa quy định nên không thể trả lời.

Trả lời câu hỏi của tòa “hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp khác có phải đăng kí kinh doanh hay không”, đại diện Phòng đăng kí kinh doanh Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM không có câu trả lời mà cho biết đã hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ lại hướng dẫn Sở phải hỏi Bộ Tài chính.

Cũng câu hỏi nêu trên, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội đã đề nghị tòa hỏi đại diện Ủy Ban chứng Khoán nhà nước, Bộ kế hoạch Đầu tư.

Trả lời tòa, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vấn đề này phải là người có thẩm quyền trả lời.

Trả lời câu hỏi của tòa về hoạt động ủy thác mua bán vàng trên tài khoản nước ngoài có đúng luật hay không, đại diện các cơ quan nhà nước cũng khá lúng túng, không có câu trả lời. Đại diện Ngân hàng nhà nước có mặt tại tòa đã khẳng định rất nhiều lần rằng hoạt động ủy thác kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài hiện chưa có quy định.

TÂM LỤA (Tuổi trẻ)